Các nước trong và ngoài OPEC kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu mỏ
Ngày 25/5, các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước nằm ngoài nhóm này đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng biện pháp cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng - tới tháng 3/2018 nhằm cải thiện tình trạng sụt giảm giá dầu, kéo theo nguồn thu từ mặt hàng này cũng bị cắt giảm mạnh trong vòng 3 năm qua.
Đại diện các bên trả lời phỏng vấn báo chí trước khi khai mạc cuộc họp của các nước thành viên OPEC tại Vienna (Áo), ngày 25/5/2017.
Theo ghi nhận của giới quan sát, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã giảm 4% ngay từ khi bắt đầu xuất hiện thông tin cho rằng các nước sản xuất dầu mỏ có thể sẽ đạt được một thỏa thuận vào phút chót về việc tiếp tục cắt giảm hay kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng cho tới giữa năm 2018.
Trong năm 2017, các biện pháp điều chỉnh sản lượng của OPEC đã giúp giá dầu quay trở lại ngưỡng 50 USD/thùng, mang lại lực đẩy về tài chính cho các nước xuất khẩu dầu mỏ vốn phụ thuộc phần lớn vào các nguồn thu từ các hoạt động này.
Trước đó, giá của mặt hàng vàng đen trên thị trường thế giới đã có dấu hiệu sụt giảm từ năm 2014, buộc Nga và Ả rập Xê út phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng và gây ra bất ổn tại một số nước sản xuất dầu mỏ, trong đó có Venezuela và Nigeria. Sau đó, vào năm 2017, giá dầu đã tăng trở lại và trở thành động lực tăng trưởng cho ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ – nước không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng, chính vì thế đã dẫn tới việc làm chậm tiến độ tái cân bằng giữa thị trường và mức dự trữ dầu thô toàn cầu hiện vẫn ở mức cao gần kỷ lục.
Tháng 12/2016, OPEC đã thông qua các biện pháp cắt giảm sản lượng đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây và lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua, ký kết thỏa thuận cùng cắt giảm sản lượng với 11 nước nằm ngoài tổ chức này do Nga dẫn đầu. Thỏa thuận trên cho phép OPEC và 11 nước không thuộc tổ chức này cắt giảm sản lượng khai thác tổng cộng 1,8 triệu thùng dầu/ngày trong nửa đầu năm 2017 – tương đương 2% sản lượng dầu mỏ trên toàn thế giới. Cụ thể, các nước thành viên OPEC sẽ cắt giảm khai thác 1,2 triệu thùng dầu/ngày và phần còn lại do các nước ngoài OPEC đảm nhiệm.
Trong phiên họp diễn ra tại thủ đô Vienna của Áo, ngày 25/5, các nước trong và ngoài tổ chức OPEC đã nhất trí tiếp tục kéo dài thời gian áp dụng mức cắt giảm sản lượng như trên. Tuy nhiên tỷ lệ phân chia mức cắt giảm sản lượng giữa các bên sẽ có sự thay đổi sau khi Equatorial Guinea gia nhập OPEC vào ngày 25/5, kéo theo số lượng của các nước nằm ngoài OPEC tham gia thỏa thuận này giảm xuống chỉ còn 10 nước.
Các nước thuộc OPEC sản xuất 1/3 lượng dầu tiêu thụ trên thế giới. Mức cắt giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng/ngày của tổ chức này được đưa ra dựa trên sản lượng trong tháng 10/2016 (thời điểm được lựa chọn làm ranh giới cho việc cắt giảm sản lượng) của OPEC là 31 triệu thùng dầu/ngày, ngoại trừ hai nước thành viên Nigeria và Libya do đang phải đối mặt với tình hình bất ổn chính trị trong nước.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 25/5, Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út Khalid al-Falih cho biết: “Chúng tôi đã cân nhắc tới nhiều kịch bản khác nhau, từ 6-9 kịch bản trong vòng 12 tháng qua và thậm chí cũng đã tính tới các phương án cắt giảm sản lượng ở mức sâu hơn. Tuy nhiên, mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng, việc kéo dài thời gian áp dụng biện pháp cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng là biện pháp tối ưu”.
Trong khi đó, phát biểu với phóng viên bên lề cuộc họp của OPEC, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh khẳng định nước này sẽ không đưa ra thay đổi nào bởi sản lượng dầu mỏ của Iran đã đứng quanh ngưỡng cắt giảm do OPEC vừa công bố.
Về phía Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Jabbar Ali Hussein Al-Luiebi khẳng định nước này ủng hộ mạnh mẽ việc kéo dài thời gian thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng. “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc gia hạn thêm 9 tháng (đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ), điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích và chúng tôi nghĩ rằng trong khoảng thời gian này, thị trường thế giới sẽ diễn biến ổn định hơn” – ông AL-Luiebi nói./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()