Các nước nghèo thường mua thuốc với giá đắt nhưng chất lượng kém
Các nền kinh tế nhỏ hoặc vừa trên toàn thế giới hiện phải chi phí nhiều hơn để mua các loại thuốc mới, nhưng lại nhận được nhưng loại tân dược có chất lượng thấp hơn so với các nước giàu.
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn báo cáo mang tên “Giải quyết 3 khâu trung gian trên thị trường thuốc tân dược toàn cầu hiện nay” của Trung tâm Phát triển toàn cầu được công bố ngày 17/6, cho biết các nền kinh tế nhỏ hoặc vừa trên toàn thế giới hiện phải chi phí nhiều hơn để mua các loại thuốc mới, nhưng lại nhận được nhưng loại tân dược có chất lượng thấp hơn so với các nước giàu.
Đặc biệt, tại các nước châu Phi có thu nhập thấp như Zambia, Senegal và Tunisia, giá các loại thuốc thông dụng như paracetamol có thể cao hơn tới 30 lần so với ở Anh và Mỹ.
Giáo sư Kalipso Chalkidou – Giám đốc chính sách y tế toàn cầu thuộc Trung tâm Phát triển toàn cầu, đồng tác giả của báo cáo trên, đánh giá thị trường tân dược ở các nước thu nhập thấp “gần như không hoạt động” bởi “cạnh tranh bị phá vỡ” do “vấn đề tập trung phân phối.”
Khảo sát thực trạng mua bán tân dược trên toàn cầu, giáo sư Chalkidou cho rằng các nền kinh tế nhỏ và vừa thường mua các loại thuốc mới ít hơn, có các quy định về mua bán thuốc lỏng lẻo hơn và chất lượng thuốc thường thấp hơn so với những nền kinh tế lớn.
Trong khi đó, do ngân sách nhiều hơn và các quy định về mua bán thuốc chặt chẽ hơn, các nước giàu hơn thường có cơ hội mua được những loại thuốc mới với giá rẻ hơn.
Cũng theo giáo sư Chalkidou, các nước có thu nhập thấp và trung bình “có rất ít khả năng đàm phán để giảm giá thuốc và đảm bảo chất lượng sản phẩm” và giá thuốc thường cao hơn thực tế do thuế và tham nhũng.
Đồng thời, việc đề ra những quy định thiếu chặt chẽ khiến chất lượng thuốc trên thị trường ở những nước này cũng không cao, khiến người mua phải trả thêm tiền để mua những loại thuốc mới với hy vọng sẽ điều trị hiệu quả hơn, nhưng thực tế kết quả vẫn không có gì khả quan hơn.
Tuy nhiên, các nước nghèo hơn lại có xu hướng mua các loại thuốc đắt nhất, thay vì các loại dược phẩm ít tên tuổi vốn chiếm tới 85% thị phần ở Anh và Mỹ.
Trong khi đó, các quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất lại ít bị ảnh hưởng bởi những xu thế trên bởi các nhà tài trợ nước ngoài thường mua thuốc và viện trợ cho những nước có đời sống rất khó khăn này, do đó giá thuốc vẫn tương đối thấp.
Để cải thiện quá trình mua bán thuốc hiện nay, báo cáo nói trên khuyến nghị cần có sự hợp tác sâu rộng hơn ở cấp độ toàn cầu, cải cách chính sách của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng như chính sách y tế ở các nước đang phải hứng chịu sự bất bình đẳng về vấn đề này./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()