Các nước GCC đưa quân tới Ba-ren
* Tình hình Bắc Phi, Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp Theo Roi-tơ, trước yêu cầu của Hoàng gia Ba-ren, ngày 14-3, khoảng 1.000 binh sĩ A-rập Xê-út đã được triển khai tại Ba-ren nhằm giúp ngăn chặn tình trạng bạo loạn trong bối cảnh làn sóng biểu tình do phe đối lập của những người Hồi giáo dòng Si-ít tổ chức đe dọa an ninh nước này.Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) cũng đưa 500 cảnh sát tới Ba-ren, trong khi các nước láng giềng khác như Ô-man và Cô-oét trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng cân nhắc gửi lực lượng tới giúp cảnh sát Ba-ren đối phó bạo loạn. Phản ứng trước động thái trên, người phát ngôn Nhà trắng G.Các-ni nói rằng, đây không phải là hành động xâm lược một quốc gia, tuy nhiên Mỹ cũng kêu gọi Ba-ren và các nước GCC khác kiềm chế. Mỹ cho rằng, giải pháp đối với Ba-ren không phải là biện pháp quân sự. Oa-sinh-tơn đồng thời khuyến cáo công dân nước này rời khỏi Ba-ren. Trong khi đó, I-ran lên tiếng phản đối việc A-rập Xê-út đưa quân tới Ba-ren, cho...
Theo Roi-tơ, trước yêu cầu của Hoàng gia Ba-ren, ngày 14-3, khoảng 1.000 binh sĩ A-rập Xê-út đã được triển khai tại Ba-ren nhằm giúp ngăn chặn tình trạng bạo loạn trong bối cảnh làn sóng biểu tình do phe đối lập của những người Hồi giáo dòng Si-ít tổ chức đe dọa an ninh nước này.
Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) cũng đưa 500 cảnh sát tới Ba-ren, trong khi các nước láng giềng khác như Ô-man và Cô-oét trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng cân nhắc gửi lực lượng tới giúp cảnh sát Ba-ren đối phó bạo loạn. Phản ứng trước động thái trên, người phát ngôn Nhà trắng G.Các-ni nói rằng, đây không phải là hành động xâm lược một quốc gia, tuy nhiên Mỹ cũng kêu gọi Ba-ren và các nước GCC khác kiềm chế. Mỹ cho rằng, giải pháp đối với Ba-ren không phải là biện pháp quân sự. Oa-sinh-tơn đồng thời khuyến cáo công dân nước này rời khỏi Ba-ren. Trong khi đó, I-ran lên tiếng phản đối việc A-rập Xê-út đưa quân tới Ba-ren, cho rằng đây là hành động 'can thiệp công việc nội bộ' của Ba-ren và 'không thể chấp nhận được'.
Tại Li-bi, quân đội chính phủ đã tiến công thành phố A-đa-bi-y-a, lá chắn cuối cùng bảo vệ 'đại bản doanh' của lực lượng đối lập ở thành phố miền đông Ben-ga-di. Ở mặt trận phía tây, quân đội của nhà lãnh đạo Li-bi M.Ca-đa-phi đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn Du-oa-ra. Trong khi đó, các cường quốc vẫn chia rẽ về phương án lập vùng cấm bay tại Li-bi. Nga, Đức, I-ta-li-a và Mỹ tỏ ra thận trọng với phương án này. Dự thảo nghị quyết áp đặt vùng cấm bay với Li-bi, do Anh và Pháp soạn thảo nhằm ngăn chặn lực lượng trung thành với ông M. Ca-đa-phi không kích lực lượng đối lập tại nước này, được Liên đoàn A-rập ủng hộ. Tuy nhiên, Pháp vẫn chưa thuyết phục được các nước trong G-8 ủng hộ đề xuất để Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt vùng cấm bay ở Li-bi.
Ngày 14-3, Chính phủ Gioóc-đa-ni đã tán thành lập Ủy ban Đối thoại quốc gia, cơ quan có nhiệm vụ soạn thảo luật bầu cử mới trong vòng ba tháng. Ủy ban sẽ nghiên cứu hai luật sửa đổi dành cho tổng tuyển cử và các chính đảng. Quốc vương Gioóc-đa-ni Áp-đu-la II mong muốn ủy ban sẽ thành công trong việc lập ra một khung đối thoại chính trị có hiệu quả nhằm phát huy các thành tựu cũng như bảo đảm sự ổn định của đất nước.
Tình hình Y-ê-men tiếp tục căng thẳng khi lực lượng an ninh phải nổ súng để giải tán các cuộc biểu tình ngày 14-3, làm ít nhất 44 người bị thương. Những người biểu tình đã tìm cách chiếm các trụ sở chính phủ và ném đá vào cảnh sát. Ngày 15-3, những người phản đối đã ngăn cản các nhân viên kỹ thuật sửa chữa một đường ống dẫn dầu ở tỉnh Ma-a-ríp ở miền trung nước này bị phá hủy bởi các vụ nổ ngày 14-3. Trước đó, tuyên bố trước hàng nghìn người tại sân vận động Xa-na, Tổng thống Y-ê-men A.Xa-lê cam kết sẽ bảo vệ người biểu tình và đề nghị tiến hành trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp mới. Tuy nhiên, phe đối lập tại QH Y-ê-men bác bỏ đề nghị này và đòi Tổng thống Xa-lê phải từ chức trong năm nay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()