Các nước G7 hối thúc Triều Tiên quay trở lại đối thoại hạt nhân
Ngoài ra, ngoại trưởng các nước G7 cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của Mỹ trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua biện pháp ngoại giao.
Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở London (Anh) ngày 3/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 5/5, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), diễn ra tại London (Anh), các bên tham dự đã kêu gọi Triều Tiên quay trở lại đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng tham gia vào tiến trình đối thoại liên Triều.
Tuyên bố chung của hội nghị đã kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành động gây hấn và tham gia vào tiến trình ngoại giao với mục tiêu phi hạn nhân hóa rõ ràng.
Tuyên bố nhấn mạnh cam kết của các nước G7 trong việc duy trì mục tiêu loại bỏ hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược được đối với các chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên phù hợp với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ngoài ra, ngoại trưởng các nước G7 cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của Mỹ trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua biện pháp ngoại giao.
Trước đó, tại cuộc hội đàm 3 bên diễn ra cùng ngày bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong đã nhấn mạnh nỗ lực đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.
Hồi tháng 3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết kể từ khi nhậm chức, chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực tiếp cận Triều Tiên để đối thoại về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này, song không nhận được sự phản hồi từ Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, đến ngày 30/4, Tổng thống Biden đã công bố chính sách mới về Triều Tiên, theo đó đặt ra cách tiếp cận mới đối với nước này, chính sách ngoại giao “không mặc cả,” gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Tổng thống Mỹ khẳng định đã hoàn tất cách tiếp cận mới nhằm gây áp lực thông qua con đường ngoại giao nhưng không “khoan nhượng”./.
Ý kiến ()