Các nước G20 cam kết theo đuổi mục tiêu tăng trưởng toàn cầu cân bằng và bền vững
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kéo dài 2 ngày ở Hàng Châu (Trung Quốc), ngày 5/9, các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung thể hiện rõ cam kết sẽ huy động mọi công cụ chính sách nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn cầu một cách cân bằng và bền vững.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 đã diễn ra trong hai ngày 4-5/9 tại Hàng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: NHK)
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Nhóm G20 nhận định, nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi song vẫn chậm hơn kỳ vọng với các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn. Qua đó, các nhà lãnh đạo Nhóm G20 cam kết sẽ triển khai toàn diện các chính sách tiền tệ, tài khóa và cơ cấu, có thể dựa trên hình thức riêng rẽ hay phối hợp để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng. Ngoài ra, các nước Nhóm G20 cũng khẳng định sự biến động quá mức trong tỷ giá hối đoái sẽ tác động tiêu cực tới sự ổn định của nền kinh tế và tài chính toàn cầu.
Tuyên bố chung khẳng định, các nước Nhóm G20 sẽ thực hiện các biện pháp nhằm tránh tình trạng phá giá đồng nội tệ, hạn chế đề ra các mục tiêu trong lĩnh vực tỷ giá hối đoái để bảo đảm tính cạnh tranh của nền công nghiệp. Ngoài ra, lãnh đạo các nước cũng cam kết sẽ tôn trọng cơ chế thương mại đa phương do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đóng vai trò trung tâm.
Theo đánh giá của các nhà lãnh đạo Nhóm G20 thì các thỏa thuận thương mại khu vực, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bao hàm các sáng kiến giúp thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước thuộc nhóm G20 cũng nhất trí sẽ tổ chức một Diễn đàn toàn cầu với sự tham gia của Bộ trưởng Thương mại các nước nhằm chia sẻ thông tin và thúc đẩy hợp tác. Đáng lưu ý, Tuyên bố chung của Nhóm G20 đã lần đầu tiên nhận định rằng, tình trạng dư thừa nguồn cung trong lĩnh vực sản xuất thép và một số lĩnh vực công nghiệp khác là một vấn đề mang tầm quốc tế.
Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể năng lực sản xuất một số mặt hàng, trong đó có thép và than đá nhằm cải thiện tình trạng suy giảm của nền kinh tế nước này sau sự sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008. Theo số liệu thống kê, sản lượng thép thô của Trung Quốc trong năm 2015 đã đạt 800 triệu tấn – tức là cao gấp 6 lần so với sản lượng 130 triệu tấn trong năm 2000. Trung Quốc hiện đang cung ứng khoảng 50% sản lượng thép trên toàn thế giới (khoảng 1,6 tỷ tấn). Các chuyên gia dự báo, việc Trung Quốc xuất khẩu thép với giá thấp sẽ tác động tiêu cực tới thị trường và làm tổn hại đến môi trường tài chính của các nhà cung ứng thép trên thế giới.
Từ những quan ngại trên, Tuyên bố chung của Nhóm G20 kêu gọi sớm hình thành được một cơ chế khung giúp tăng cường trao đổi thông tin giữa các nước và các hãng sản xuất thép chủ đạo trên thế giới với mục tiêu hạn chế tình trạng cung ứng quá mức cần thiết./
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()