Các nước ‘dốc sức’ phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Chính phủ Thái Lan quyết định chi 148 triệu baht, tương đương 4,7 triệu USD, để thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi và kinh doanh thịt lợn.
Các biện pháp được đưa ra cho dù Thái Lan hiện vẫn chưa có dấu hiệu về dịch tả lợn châu Phi.
Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp Thái Lan đang hợp tác với các cơ quan khác để sẵn sàng đối phó với sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, vốn đã lan rộng ở các nước Trung Quốc, Mông Cổ và Việt Nam.
Bên cạnh đó, người dân Thái Lan đi sang các nước láng giềng cũng được khuyến cáo không mang thịt lợn đã qua chế biến như nem chua, lạp xưởng… về nước. Đồng thời, khách du lịch cũng không được phép mang thịt lợn đã qua chế biến vào Thái Lan.
Bộ Nông nghiệp Thái Lan ước tính, nếu dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nền kinh tế nước này có thể thiệt hại 32 tỷ baht trong trường hợp trên 50% số lợn ở nước này bị nhiễm bệnh. Mức thiệt hại có thể tăng lên gấp đôi nếu 80% số lợn bị nhiễm bệnh.
Thái Lan không nhập khẩu lợn sống hoặc thịt lợn. Tổng đàn lợn nước này mỗi năm khoảng 2 triệu con.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết các trang trại nuôi lợn tại những khu vực giáp Triều Tiên đã dựng các hàng rào và triển khai nhiều biện pháp cần thiết khác nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan sau khi Triều Tiên xác nhận bùng phát dịch bệnh này.
Khoảng hơn 230 trong số 347 trang trại tại khu vực biên giới đã dựng hàng rào để ngăn lợn nuôi tiếp xúc với lợn rừng.
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cũng chỉ thị những trang trại còn lại khẩn trương dựng hàng rào bảo vệ.
Theo kế hoạch, 10 cơ sở vệ sinh và tẩy trùng được lập tại các vùng gần biên giới trong ngày 5/6 để tiến hành biện pháp khử trùng tất cả các phương tiện chở lợn qua lại khu vực này.
Tháng 5 vừa qua, Triều Tiên đã thông báo với Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) về bệnh tả lợn bùng phát tại một trang trại chăn nuôi ở nước này gần biên giới với Trung Quốc. Ngày 5/6, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, kêu gọi người dân nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên không đề cập trực tiếp ổ dịch bùng phát tại miền Bắc nước này.
Cũng trong nỗ lực phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Đan Mạch đã lên kế hoạch xây dựng hàng rào dài 70 km dọc biên giới quốc gia này để ngăn không cho lợn hoang xâm nhập. Ngành chăn nuôi lợn tại Đan Mạch đóng vai trò quan trọng bởi xuất khẩu thịt lợn của quốc gia này riêng trong năm 2017 đã thu về 2,7 tỷ USD.
Ông Jens Monk Ebbesen tại Hội đồng Thực phẩm và Nông nghiệp Đan Mạch cho biết nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi có thể lan truyền qua nhiều quốc gia châu Âu như Bỉ, CH Czech, Hungary một phần do lợn hoang ăn thực phẩm nhiễm virus dịch tả mà con người vứt đi.
Được biết, Đan Mạch đã khởi động thi công hàng rào ngăn lợn hoang từ đầu năm 2019. Tổng chi phí cho công trình này là vào khoảng 10 triệu euro, trong đó nông dân sẽ ủng hộ 4 triệu euro.
Theo ABC News, thịt lợn bị dịch tả đã được tìm thấy ở Australia vào tháng 1. Chính phủ Australia đã cảnh giác cao độ và khoanh vùng để kiểm tra chặt chẽ hàng hóa, nhất là thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến lợn từ khu vực có nguy cơ cao. Thức ăn đông lạnh cho chó, thịt lợn khô và tai lợn khô là một trong những nguồn gây dịch tả lợn châu Phi.
Các chuyên gia thế giới về bệnh lợn cho biết, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện vào năm 1921 tại châu Phi, năm 1957 lan sang châu Âu và châu Mỹ. Đến năm 2007, dịch tả lợn châu Phi lại xuất hiện tại châu Âu và giờ là Tây Âu. Việc lây lan chủ yếu là do vận chuyển sản phẩm thịt lợn bị nhiễm mầm bệnh.
Hiện dịch bệnh này đã lây lan ra khoảng 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tiêu tốn hàng chục tỷ USD cho việc phòng ngừa. Đặc biệt, dịch bệnh này hiện nay đang hoành tại các tỉnh ở Trung Quốc khiến quốc gia này phải tiêu huỷ khoảng 200 triệu con lợn, gây thiệt hại lớn chưa từng có và đang đối diện với nguy cơ thiếu thịt lợn trầm trọng.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện gần 1 thế kỷ nay nhưng đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh này.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()