Các nước cần áp dụng các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động hơn nữa
Ngày 8/5, Ngân hàng Thế giới đã công bố một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới có tên "Đông Á – Thái Bình Dương: Việc làm, doanh nghiệp và phúc lợi".Báo cáo đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tại các nước này ban hành qui định về lao động và chính sách an sinh xã hội nhằm mang lại lợi ích cho người lao động, kể cả lao động trong khu vực phi chính thức với quy mô lớn.
Theo báo cáo, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế đã làm cho tỉ lệ người dân tham gia lực lượng lao động tại hầu hết các nước Đông Á tăng mạnh và thuộc vào nhóm nước có tỷ lệ lao động cao nhất thế giới.
Theo ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, sự phát triển kinh tế chưa từng có tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã tạo việc làm và đưa hàng triệu người thoát cảnh nghèo khó. Và, đây chính là chiến thắng của người lao động. Đã đến lúc củng cố tăng trưởng, bằng cách đưa ra những chính sách xã hội bảo vệ người dân nói chung thay vì chỉ phục vụ một ngành, một địa phương hay một nhóm nghề cụ thể nào đó. Nếu được xây dựng tốt, các chính sách đó sẽ đảm bảo một chế độ an sinh xã hội tốt và đến được với mọi người lao động bị thiệt thòi nhất trong xã hội.
Tuy nhiên, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng đã giảm, và chi phí lao động tăng, các hạn chế về thị trường lao động và các chính sách an sinh xã hội trong vùng trở thành một vấn đề cấp bách. Các chính sách đã được xây dựng khá tốt “trên giấy” nhưng thực thi lại kém trên thực tế, đã đẩy ngày càng nhiều người lao động, nhất là phụ nữ và những người có tay nghề thấp như những công nhân vệ sinh hay những người phục vụ trong nhà hàng,… vào tình cảnh phải làm những công việc không có trợ cấp, bảo hiểm, không có sự quản lý của Nhà nước và không bị đánh thuế, hoặc thậm chí không có việc làm.
Theo báo cáo này, các gói trợ cấp thất nghiệp dù khiêm tốn ở cấp quốc gia có thể giúp chủ lao động tránh được các khoản bồi thường thất nghiệp tốn kém, giảm được chi phí thuế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng gia nhập khu vực chính thức. Các chính sách hiện hành đã không giúp được đa số người lao động, thiên vị nam giới trong độ tuổi lao động tốt nhất và có việc làm được trả lương, trong khi đối xử không có lợi đối với phụ nữ, thanh niên và người lao động có tay nghề thấp. Kinh nghiệm thực chứng tại Indonesia, Thái lan cho thấy mỗi khi tăng lương tối thiểu thì cơ hội việc làm của phụ nữ và thanh niên bị ảnh hưởng mạnh hơn.
Trên 30% số người trong độ tuổi 15-24 hoàn toàn không có việc làm, tức là họ không có việc làm và cũng chẳng được đào tạo hay học nghề. Đó chính là sự phân mảng thị trường lao động và gạt bỏ một nhóm ra ngoài lề, và đây chính là nguy cơ bất ổn xã hội và bạo lực. Trong khi đó thì tăng lương cho người có tay nghề cao – những đối tượng được hưởng lợi từ chính sách hiện nay – lại dẫn đễn bất bình đẳng thu nhập hơn nữa tại một số nước. Báo cáo khuyến nghị, nếu muốn đi đúng quỹ đạo thì các nước trong khu vực phải có tầm nhìn xa vượt ra khỏi vấn đề thị trường lao động và phải hướng đến các vấn đề nền tảng như ổn định giá cả, khuyến khích đầu tư và sáng tạo, hỗ trợ khung chính sách giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển để tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Theo ông Truman Packard, tác giả chính của báo cáo, các chính sách công nghiệp áp đặt từ trên xuống khó có cơ hội thành công trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng hội nhập và dựa trên luật pháp ngày nay. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách phải có cái nhìn tổng thể về cải cách trên nhiều lĩnh vực và đề ra những chính sách bảo vệ mọi người lao động, bất kể họ là lao động tự do hay làm cho chủ khác.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()