Các nữ quân nhân mũ nồi xanh huấn luyện trải nghiệm môi trường phái bộ
Điểm nhấn của Chương trình đánh giá năng lực (CEPPP) cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình Chu kỳ 4 (2021-2023) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM ) do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì, đó là sự tham gia của các nữ quân nhân ở tất cả các vị trí với vai trò nổi bật.
Các nữ giảng viên quân y hướng dẫn thực hành các kỹ năng sơ cứu thương ban đầu. |
Từ các lớp học lý thuyết đến thao trường luôn có sự xuất hiện của các nữ quân nhân mũ nồi xanh tham gia huấn luyện và diễn tập thực binh của cả 3 thành phần tham gia là quan sát viên quân sự, công binh và quân y.
Các nữ quân nhân với vai trò giảng viên, không chỉ đứng lớp giảng các bài giảng lý thuyết chung về gìn giữ hòa bình, mà cả những lớp chuyên ngành sâu, nhất là quan sát viên quân sự và quân y dã chiến. Thậm chí, trên thao trường huấn luyện của lực lượng công binh do Nhật Bản chủ trì, các nữ quân nhân cũng đảm nhận nhiều vị trí khác nhau.
Nữ Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh chuẩn bị cùng các đồng nghiệp ra thao trường huấn luyện. |
Trên cơ sở thực tiễn hoạt động tại phái bộ, nữ giới cho thấy vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động gìn giữ hòa bình, các bài giảng được xây dựng theo hướng gia tăng sự tham gia của phụ nữ trong thực hiện các nhiệm vụ. Đây cũng chính là mục tiêu mà Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì diễn tập đã thống nhất bảo đảm đưa vào Chương trình khung, theo đó tối đa hóa số lượng phụ nữ tham gia CEPPP ở tất cả các vị trí từ lập kế hoạch, nhân viên hành chính, giảng viên, học viên cho đến điều hành và chỉ huy diễn tập, nhằm đạt được sự cân bằng giới.
Một nữ quân nhân của tổ quan sát viên quân sự số 1 chuẩn bị phương tiện để huấn luyện, diễn tập thực địa. |
Nữ Trung tá Kusum Khati chủ trì giảng về nội dung sơ cứu thương ban đầu. |
Các hoạt động huấn luyện, diễn tập đang diễn ra sôi nổi cả ở trên các lớp học lý thuyết ở Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 4 và thao trường mô phỏng môi trường phái bộ tại Tiểu đoàn 31, thuộc Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không – Không quân.
Trung tá, nữ bác sĩ người Ấn Độ Kusum Khati tự tin đứng trên bục giảng của lớp học sơ cứu thương ban đầu dành cho các lực lượng tham gia diễn tập là quan sát viên quân sự, công binh và quân y. Trong bài giảng do chị chủ trì, nữ giảng viên người Nhật Bản, Trung úy Tatsuki đã hướng dẫn một người lính mũ nồi xanh bị thương ở cánh tay tự cuốn garo cầm máu trong một tình huống huấn luyện. Chỉ mất vài giây, người lính bị thương đã hoàn thành kỹ thuật sơ cứu thương ban đầu một cách thành thạo.
Chị Kusum Khati bày tỏ niềm vui vì qua CEPPP, chị và các đồng nghiệp cùng được đứng trên bục giảng, chia sẻ những kinh nghiệm làm việc tại địa bàn phái bộ và hướng dẫn các kỹ năng tự sơ cứu thương hay đối mặt với các tình huống khẩn cấp về y tế khi làm việc tại địa bàn cho các học viên.
Nữ giảng viên người Australia và các đồng nghiệp. |
Còn tại lớp quan sát viên quân sự, nữ trung tá Việt Nam Nguyễn Mỹ Hạnh và nữ Trung tá người Philippines Mablyn Palog Madongit đảm nhận giảng những lý thuyết tổng quan đảm nhận giảng dạy nội dung tổng quan về hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Ở giai đoạn diễn tập tích hợp giữa ba lực lượng, các chị trên cương vị giảng viên đảm nhiệm vai trò giám sát và đánh giá kết quả thực hành của các học viên quan sát viên quân sự trên tuyến tuần tra dài khoảng 6km trong khuôn viên thao trường.
Nữ Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh, giảng viên lớp quan sát viên quân sự cho biết, chị có kinh nghiệm 1 năm tham gia phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi với vai trò sĩ quan tham mưu huấn luyện. Việc được tham gia vào nhóm giảng viên quan sát viên quân sự giúp chị học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên ngành quan sát viên quân sự và kinh nghiệm hữu ích cho nhiệm vụ tại phái bộ ở Abyei sắp tới.
“Chúng tôi vì vậy vừa là giảng viên dạy cho các học viên nhưng chính chúng tôi cũng là học viên học tập được từ đồng nghiệp các nước”, Trung tá Mỹ Hạnh chia sẻ.
Nữ trung tá người Philippines Mablyn Palog Madongit giảng lý thuyết tổng quan về hoạt động gìn giữ hòa bình. |
Đại úy người Hàn Quốc Jeong và các nữ đồng nghiệp trong một lớp giảng lý thuyết về quân y dã chiến. |
Ở lớp dành cho các quan sát viên quân sự, trong các bài giảng chuyên ngành không thể thiếu nội dung hướng dẫn kỹ năng đàm phán khi đi qua trạm kiểm soát hay xử lý các tình huống về bạo lực tình dục liên quan tới xung đột hay bảo vệ trẻ em, tiếp cận cộng đồng dân cư. Đây cũng chính là những tình huống trong thực hiện nhiệm vụ thực tiễn mà các quan sát viên quân sự thường phải đối mặt. Trong thực hành xử lý các đầu bài chiến thuật trên thao trường, chính các nữ quân nhân sẽ “vào vai” những nạn nhân của bạo lực và xung đột hoặc các nữ quan sát viên quân sự đàm phán, thương lượng, tiếp cận cộng đồng để nắm bắt tình hình…
Các nữ quân nhân tham gia huấn luyện tại giảng đường. |
Nữ thiếu tá Vũ Thị Hương Thùy, sẽ đảm nhận vị trí quan sát viên quân sự tại Nam Sudan khi triển khai tới địa bàn sắp tới, chia sẻ: “Những kiến thức cùng kỹ năng thu được trong các bài huấn luyện lý thuyết và thực hành lần này giúp tôi thêm tự tin trước khi nhận nhiệm vụ tại địa bàn. Tôi đã có thể hình dung trước được nhiệm vụ sắp tới của mình sẽ như thế nào và sẽ phải đối mặt với những gì ở môi trường làm việc phái bộ. Lần đầu tiên tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc lại đảm nhận vị trí có thể gọi là thử thách đối với phụ nữ như quan sát viên quân sự, việc được tham gia một chương trình huấn luyện như thế này thực sự là rất bổ ích với tôi”.
Theo bà Matsuzawa Tomoko, Trưởng nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình Nhật Bản, CEPPP lần này bảo đảm tính thực tế cao bằng cách tập trung vào những thách thức mà hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc hiện nay phải đối mặt và gia tăng vai trò của phụ nữ trong tham gia xử lý những thách thức như vậy.
Về phần mình, Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Quang Chiến, Trưởng nhóm giảng viên quân y dã chiến, việc thực hiện kỹ năng sơ cứu ban đầu là một trong những thách thức lớn nhất của việc bảo đảm y tế cho các lực lượng tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Môi trường làm việc của những người lính mũ nồi xanh luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, Liên hợp quốc luôn nhấn mạnh an toàn là trên hết và kỹ năng sơ cứu thương là hành trang đầu tiên, bắt buộc phải có của những người tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
“Trong các lớp giảng cả lý thuyết lẫn thực hành, chúng tôi luôn chú trọng ưu tiên sự tham gia nhiều hơn của các nữ quân nhân trong các vị trí khác nhau, từ giảng viên cho tới học viên, để họ có thể tham gia và trải nghiệm phần nào thực tế các nhiệm vụ ở địa bàn sau này”.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/cac-nu-quan-nhan-mu-noi-xanh-huan-luyen-trai-nghiem-moi-truong-phai-bo-743201
Ý kiến ()