Các nhà sản xuất tạo ra công nghệ mới trên thị trường ôtô Việt Nam
Năm 2020, Việt Nam liên tục đón nhận nhiều mẫu ôtô mới từ tầm trung đến cao cao, đi kèm với đó, các nhà phân phối đều đưa vào xe mới các trang bị mang tính công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu khách.
Trong những năm gần đây các nhà sản xuất ôtô đã không ngừng nghiên cứu để tạo ra các tính năng an toàn và công nghệ mới để hỗ trợ người lái giúp cho quá trình vận hành xe an toàn hơn.
Nhiều công nghệ mới, tiếp cận khả năng bán tự động
Năm 2020, Việt Nam liên tục đón nhận nhiều mẫu ôtô mới, từ tầm trung đến cao cấp. Đi kèm với đó, các nhà phân phối đều đưa vào xe mới các trang bị mang tính công nghệ cao, đáp ứng phần nào nhu cầu khách hàng.
Những công nghệ mới như phanh tự động, giữ khoảng cách với xe phía trước, chống chệch làn đường, camera 360 độ… đang dần phổ biến với người dùng ôtô. Sự phát triển của công nghệ diễn biến một cách chóng mặt và người Việt sớm tiếp cận được ngay cả trên một số dòng xe phổ thông thay vì chỉ có ở xe hạng sang như trước.
Nếu “cái răng, cái tóc là góc con người” với phương tiện ôtô ngày nay, bên cạnh mặt calăng, “cặp mắt” (đèn xe), đôi gương bên ngoài ngày càng nâng cấp nhiều hơn. Các mẫu xe cỡ B bản mới ra mắt trong năm qua như Hyundai Accent, Honda City, Mitsubishi Attrage sẵn có đèn pha thấu kính Bi-LED hoặc LED, gương gập chỉnh điện tích hợp LED xinhan.
Ở bên trong, trang bị khởi động nút bấm với khóa thông minh đề nổ từ xa không còn là tùy chọn xa xỉ, xuất hiện ngay từ dòng xe cỡ A, B như Kia Morning, Honda City, Hyundai Accent…
Ở phân khúc SUV/Crossover cỡ B khá “hot” với sự xuất hiện của Kia Seltos, Peugeot 2008, MG ZS, Toyota Corolla Cross, có giá từ 600 triệu đến 800 triệu đồng trang bị hàng loạt công nghệ mới như màn hình cỡ lớn trên 10inch tích hợp Apple Carplay và Android Auto, sạc không dây.
Về mặt an toàn, không thiếu các tính năng hỗ trợ người lái như khởi hành ngang dốc, cân bằng điện tử, hỗ trợ phanh khi dừng đèn đỏ. Riêng Toyota Corolla Cross được trang bị nhiều công nghệ hơn, đáng kể là gói công nghệ an toàn Toyota Safety Sense mà nhiều mẫu xe ở phân khúc cao hơn cũng chưa có.
Loạt công nghệ tiên tiến hơn, chạm ngưỡng khả năng lái xe bán tự động đã xuất hiện ở những dòng xe trên dưới 1 tỷ đồng, thay vì trước đây chỉ có ở dòng xe cao cấp giá vài tỷ đồng. Những cái tên có thể kể đến gây sự chú ý như Honda CR-V, Kia Sorento, Mitsubishi Pajero Sport, Subaru Forester… đều được nâng cấp hỗ trợ người lái.
Đầu tiên phải kể đến khả năng quan sát và xử lý tự động của chiếc xe nhờ các gói công nghệ này. Trên Honda CR-V 2020 có Sensing gồm 5 tính năng như hệ thống phanh giảm thiểu va chạm (CMBS), đèn pha thích ứng tự động (AHB), kiểm soát hành trình thích ứng gồm dải tốc độ thấp (ACC with LSF), giảm thiểu chệch làn đường (RDM), hỗ trợ giữ làn đường (LKAS).
Trên Kia Sorento thế hệ mới cũng đủ các tính năng như cảnh báo va chạm trước, hỗ trợ phanh tự động, báo lệch làn và giữ làn đường, cảnh báo điểm mù, ga tự động thích ứng khoảng cách và camera 360 độ… Với Subaru Forester là công nghệ “mắt thần” trứ danh EyeSight hay Pajero Sport mới người lái gần như có thêm “thiên thần hộ mệnh” khi bài toán “tự động” áp lên loạt trang bị từ hệ thống phanh cho đến vô-lăng cùng các cảnh báo hiệu quả.
Xu hướng công nghệ trong thời gian tới
Vào mùa Hè năm 2020, khi Apple giới thiệu một giao thức chìa khóa ôtô mới xuất hiện trên ứng dụng Wallet của iOS, nhiều người cho rằng đó là công nghệ chỉ dành cho xe đắt tiền. Thế nhưng ngay đầu năm 2021, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc-Samsung thông qua việc giới thiệu điện thoại Galaxy S21 đã trình chiếu khả năng tích hợp khóa ôtô kỹ thuật số thế hệ mới dùng băng thông rộng (UWB), cải thiện hơn loại giao tiếp trường gần (NFC).
Samsung mô tả cách mở khóa bằng UWB tiện lợi hơn rất nhiều, khi điện thoại để trong túi, bạn chỉ cần chạm vào tay nắm cửa để vào bên trong xe như công nghệ NFC.
Bên cạnh đó, việc tích hợp khóa kỹ thuật số cấp hệ điều hành sẽ cho phép người dùng chia sẻ chìa khóa của mình với người thân khi cần. Điều này báo hiệu sự thay đổi của ngành ôtô trong thời gian tới, nhất là khi Samsung công bố hợp tác với Ford, Genesis, Audi và BMW để mang tính năng này đến nhiều mẫu xe.
Tương tự hệ thống màn hình giải trí trung tâm, cụm đồng hỗ kỹ thuật số ngay phía trước người lái ngày càng được nhiều hãng xe tập trung cải tiến. Từ chỗ dùng đồng hồ analog kim số truyền thống kết hợp màn hình LCD cỡ nhỏ, các hãng xe đang có xu hướng chuyển sang dạng màn hình số kích thước lớn. Ngoài hiển thị các thông số của xe dễ dàng, màn hình này hữu ích hơn khi tích hợp bản đồ dẫn đường, hỗ trợ người lái quan sát camera ở điểm mù, kết nối Internet…
Bên cạnh đó, khả năng ôtô tự đỗ cũng sẽ là xu hướng bắt đầu thập niên mới. Đến nay, không chỉ Volvo hay Tesla quan tâm tới công nghệ này mà nhiều hãng xe khác như Mercedes-Benz, BMW, Audi, Lexus, Ford cũng đi sâu hơn vào trải nghiệm này. Dần từ chỗ bán tự động, chiếc xe sẽ không cần người ngồi trong thao tác điều khiển mà sẽ nhàn nhã đứng từ xa bấm nút qua chìa khóa hoặc điện thoại thông minh.
Công nghệ cao, giá bán có tăng?
Trước đây, các mẫu xe mỗi khi bước sang thế hệ mới hoặc nâng cấp, hãng xe tăng giá từ vài chục cho đến cả trăm triệu đồng với lý do nâng nâng cấp… triệt để, bù lại hàm lượng công nghệ được đánh giá chất lượng hơn rất nhiều.
Đơn cử như Honda CR-V 2020 bản cao cấp đắt hơn trước 25 triệu đồng (giá 1,118 tỷ đồng) nhưng có thêm loạt trang bị cao cấp như gói Sensing, đá cốp, sạc không dây; Mitsubishi Pajero Sport 2020 bản cao nhất 1,25 tỷ đồng, đắt hơn 95-130 triệu đồng so với bản cũ; Kia Sorento thế hệ mới giá cao nhất là 1,349 tỷ đồng, cao hơn thế hệ cũ hơn 300 triệu đồng.
Khách hàng Nguyễn Đức Mạnh (Đông Anh, Hà Nội) mới mua Honda CR-V 2020 cho rằng những tính năng mới khiến giá xe đắt hơn trước nhưng rất “xứng đồng tiền bát gạo.” Anh Mạnh nói: “Xe có thêm cảnh báo và phanh tự động khiến việc lái xe trên cao tốc khá nhàn. Hơn nữa với xe 7 chỗ, việc chở đồ nhiều là điều thường thấy, nên tính năng đá chân mở cốp rất tiện lợi.”
Chuyên gia ôtô Vĩnh Nam nhận định các hãng xe tại Việt Nam đang ngày càng nhạy bén khi cố gắng cập nhật những tính năng an toàn mới, phù hợp nhu cầu của khách hàng. “Mức độ cạnh tranh tăng lên trong khi ưu đãi thuế phí cũng diễn ra làm số lượng xe xuất hiện ngày một nhiều trên thị trường. Vì vậy, các hãng xe hướng đến việc tận dụng ưu đãi thuế phí để gia tăng hàm lượng công nghệ trên xe thay vì giảm giá bán. Điều này dễ thấy nhất trên các dòng xe trên 1 tỷ đồng,” chuyên gia Vĩnh Nam nói.
Cũng cho rằng các công nghệ an toàn mới đang ngày càng được trang bị nhiều và dễ được chấp nhận với khách hàng Việt, anh Nguyễn Quốc Hùng kể lại câu chuyện: “Trước đây chạy xe đường dài, tôi thường có người ngồi cạnh nói chuyện cho đỡ buồn ngủ. Hiện lái chiếc xe đời mới là xe tự động hết giúp tự tin hẳn. Đơn giản như việc đi chệch làn là vôlăng rung lên rồi tự điều chỉnh nếu lái xe chưa xử lý, rồi đánh lái xinhan chuyển làn lập tức màn hình phía trước xuất hiện hình ảnh góc phía sau bên phụ, tránh hoàn toàn điểm mù.”
Theo anh Lê Văn Thùy, quản lý kinh doanh của Viet Auto, việc áp dụng nhiều tính năng an toàn, công nghệ và tiện nghi sẽ là xu hướng trong các năm tiếp theo, bởi khi chiếc ôtô dần được coi là phương tiện đi lại công nghệ cao giống món ăn mới, phù hợp chất lượng sống thay đổi của người dân./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()