Các ngành cần xử lý kịp thời khi các mặt hàng tăng giá đột biến
Bộ Công Thương cho biết, trong tháng Năm vừa qua thị trường có những biến động về giá và cung cầu của các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng, nông sản trên thị trường thế giới đã ảnh hưởng lớn đến thị trường các nhóm hàng này ở trong nước.
Đưa ra minh chứng cụ thể, Bộ cho hay: việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Iran và nhóm P5 1 (gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) và nhiều khả năng sẽ tiến hành trừng phạt Iran.
Thêm vào đó, Hoa Kỳ thông báo các biện pháp trừng phạt mới trong các lĩnh vực dầu lửa và tài chính nhắm vào Venezuela sau cuộc bầu cử Tổng thống nước này.
Những nhân tố trên đã đẩy giá dầu thô tăng mạnh trong tháng Năm vừa qua (dầu Brent đã có lúc đạt mức trên 80 USD/thùng trong ngày 17/5 vừa qua, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014). Bên cạnh đó, giá một số nông sản biến động thất thường cũng ảnh hưởng lớn đến giá cả hàng hóa trong nước.
Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, theo các chuyên gia thương mại Bộ Công Thương, dù nguồn cung và nhu cầu đối với các mặt hàng xăng dầu, khí hóa lỏng (LPG) trong nước không có biến động lớn nhưng ảnh hưởng từ giá thế giới nên giá các mặt hàng này tăng cao.
Ngoài ra, với nhóm hàng nông sản, thực phẩm do nguồn cung mặt hàng thịt lợn giảm khi quy mô chăn nuôi tại các hộ gia đình giảm mạnh nên nguồn hàng cung cấp cho thị trường chủ yếu từ các trang trại.
Riêng mặt hàng gạo, nguồn cung trong nước vẫn ổn định nhưng với nhu cầu thu mua phục vụ xuất khẩu tăng khi Việt Nam trúng nhiều gói thầu liên tiếp khiến giá gạo nguyên liệu tăng mạnh.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng Năm vừa qua mức bán lẻ hàng hóa đạt 354.049 tỷ đồng, tăng 1,51% so với tháng trước.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ từ đầu năm đến nay đạt 1.752.689 tỷ đồng, tăng 10,05% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, mức tăng chủ yếu vẫn nhờ các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình và du lịch.
Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho rằng, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng, nông sản trên thị trường thế giới vẫn đang biến động khá mạnh.
Đặc biệt, mùa nắng nóng, nhu cầu điện nước sinh hoạt tăng nên mặt bằng giá tăng. Nhu cầu một số mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng, tuy nhiên do nguồn cung trong nước vẫn tốt nên giá không có biến động lớn.
Để tiếp tục ổn định sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu, các chuyên gia thương mại khuyến cáo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát diễn biến tình hình cung-cầu thóc gạo và có biện pháp xử lý kịp thời khi các mặt hàng này tăng giá đột biến hoặc bất hợp lý.
Hơn nữa, yêu cầu Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó để đảm bảo nguồn cung.
Ngoài ra, các ngành và địa phương nên tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong việc điều phối thị trường và giá cả. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()