Các nền kinh tế mới nổi mở rộng hợp tác với châu Phi
Ấn Độ xuất khẩu ô-tô sang Kê-ni-a. Sau thời gian dài, các nền kinh tế châu Phi có sự gắn bó chặt chẽ với các cường quốc ở châu Âu và Bắc Mỹ, châu lục đen hiện còn mở rộng cửa hợp tác với các nền kinh tế mới nổi. Bra-xin, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy mạnh sự hiện diện ở châu Phi, mở ra không ít những cơ hội và thách thức cho châu lục này.Với nguồn tài nguyên dồi dào và không chịu tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, châu Phi hiện được coi là điểm đến an toàn hơn cho các nhà đầu tư. Các nền kinh tế mới nổi thúc đẩy hợp tác với châu Phi nhằm tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm thương mại. Trong một thập kỷ qua, kim ngạch thương mại giữa châu Phi và các nền kinh tế mới nổi tăng gấp 10 lần và hiện chiếm 37% kim ngạch thương mại của toàn châu lục. Châu Phi nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bra-xin...
Ấn Độ xuất khẩu ô-tô sang Kê-ni-a. |
Với nguồn tài nguyên dồi dào và không chịu tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, châu Phi hiện được coi là điểm đến an toàn hơn cho các nhà đầu tư. Các nền kinh tế mới nổi thúc đẩy hợp tác với châu Phi nhằm tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm thương mại. Trong một thập kỷ qua, kim ngạch thương mại giữa châu Phi và các nền kinh tế mới nổi tăng gấp 10 lần và hiện chiếm 37% kim ngạch thương mại của toàn châu lục. Châu Phi nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bra-xin hàng tiêu dùng và cần tới các dịch vụ kỹ thuật cao như thiết kế và xây dựng cơ sở hạ tầng của các nước này. Trong khi đó, hơn một nửa giá trị xuất khẩu của châu Phi sang các thị trường mới nổi là dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp. Ba quốc gia xuất khẩu dầu mỏ của châu Phi gồm Ni-giê-ri-a, Ăng-gô-la, An-giê-ri và quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô Nam Phi là đối tác thương mại lớn của các nền kinh tế mới nổi.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nền kinh tế mới nổi vào châu Phi chiếm 21% trong giai đoạn 2000-2008. Các nền kinh tế này còn tăng cường viện trợ châu Phi. Trung Quốc, Bra-xin, Nga đã giảm nợ và xóa bỏ nhiều khoản vay cho các nước châu Phi. Ngoài ra, còn có hình thức hỗ trợ phi tài chính như giúp đỡ kỹ thuật, đào tạo trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp. Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ có xu hướng chuyển viện trợ trực tiếp cho các nước châu Phi thì Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Nga lại chuyển viện trợ cho châu Phi thông qua các diễn đàn quốc tế. Bra-xin và Ấn Độ tiến hành nhiều hoạt động chia sẻ kinh nghiệm với châu Phi trong lĩnh vực y tế, nhất là phòng, chống HIV/AIDS. Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc hỗ trợ các nước châu Phi tiếp cận công nghệ chi phí thấp, các dự án giáo dục và nông nghiệp.
Việc tăng cường giao thương với các nền kinh tế mới nổi đem lại cho châu Phi nhiều lợi ích. Hàng tiêu dùng của các nền kinh tế mới nổi không chỉ rẻ hơn các đối tác thương mại truyền thống từ châu Âu hay Bắc Mỹ mà còn phù hợp người tiêu dùng có thu nhập thấp. Các nền kinh tế mới nổi cung cấp cho châu Phi các loại thuốc giá hợp lý. Thị trường châu Phi cũng được hưởng lợi từ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng. Với tỷ lệ lớn dân số là nông dân, người dân châu Phi sẽ được hưởng lợi trong việc tăng giá hàng hóa nông nghiệp. Các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, tài nguyên được hưởng lợi từ việc thay đổi các điều khoản thương mại bởi sự gia tăng hội nhập với các nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, những thách thức đặt ra cho châu lục đen trong quá trình hợp tác với các nền kinh tế mới nổi cũng không ít. Các nhà sản xuất châu Phi sẽ bị ảnh hưởng bởi hàng nhập khẩu cạnh tranh. Các công ty xây dựng của châu Phi phải cạnh tranh với các đối thủ từ các nền kinh tế mới nổi trong các dự án lớn. Hàng hóa giá rẻ từ các nước này cũng buộc các nhà sản xuất châu Phi phải tìm cách giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất lao động. Sự phát triển mất cân bằng ở châu Phi gây thiệt hại cho các nước nghèo khi giá lương thực và dầu mỏ tăng. Bởi, năm nước châu Phi chiếm hơn 80% tổng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt của khu vực.
Hợp tác với các nền kinh tế mới nổi giúp châu Phi giảm sự phụ thuộc vào các đối tác truyền thống, đa dạng hóa đối tác và tạo cơ hội học hỏi kinh nghiệm phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, những thách thức đặt ra buộc châu lục đen phải xây dựng một chiến lược cụ thể để thu được những thành công nhất định cũng như tránh những vấp váp trong quá trình hội nhập và phát triển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()