Các mục tiêu phát triển bền vững, những thành phần chính của hòa bình
Ngày quốc tế hòa bình năm nay (21/9/2016) được kỷ niệm nhằm nêu bật những giá trị của 17 mục tiêu phát triển bền vững như những trụ cột chính của nền hòa bình lâu dài cho mọi người trên khắp thế giới.
Ngày quốc tế hòa bình (Ngày Hòa bình) được Liên hợp quốc khởi xướng vào năm 1981. Sau đó, Ngày Hòa bình đầu tiên được tổ chức vào tháng 9/1982. Tới năm 2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức tuyên bố ngày 21/9 hàng năm là Ngày quốc tế hòa bình.
Kỷ niệm Ngày quốc tế hòa bình, Liên hợp quốc mong muốn thể hiện sự cống hiến cho hòa bình thế giới và khuyến khích toàn nhân loại cùng hành động và hợp tác vì mục tiêu này. Ngày quốc tế hòa bình được dành để kỷ niệm và củng cố các lý tưởng hòa bình giữa tất cả các quốc gia và các dân tộc… Ngày này cũng là lời nhắc nhở cho tất cả mọi người rằng, Liên hợp quốc chính là một tổ chức phục vụ cho hòa bình; đồng thời cũng là tiếng chuông liên tục nhắc nhở tổ chức này cùng thực hiện các cam kết lâu dài để giành lấy hòa bình.
Ngày quốc tế hòa bình cũng là Ngày Ngưng chiến – cả trong phạm vi cá nhân lẫn chính trị. Đây là cơ hội để kiến tạo hòa bình trong các mối quan hệ riêng tư, cũng như hóa giải những cuộc xung đột lớn hơn trong thời đại chúng ta.
Năm 2016, Ngày quốc tế hòa bình được kỷ niệm với chủ đề: “Các mục tiêu phát triển bền vững, những thành phần chính của hòa bình”.
Vào tháng 9/2015, 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững tại một hội nghị thượng đỉnh lịch sử nhóm họp các nhà lãnh đạo thế giới ở New York (Mỹ). Chương trình mới cho năm 2030 khuyến khích các quốc gia thực hiện những hoạt động để đạt được các mục tiêu trong 15 năm tới. Mục tiêu là để xóa bỏ đói nghèo, bảo vệ hành tinh và bảo đảm sự thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Các mục tiêu phát triển bền vững là một phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng hòa bình ở thời đại chúng ta, bởi vì phát triển và hòa bình luôn phụ thuộc và củng cố lẫn nhau.
Những thách thức hiện tại của nghèo đói, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, tình trạng khan hiếm nước, bất bình đẳng xã hội, suy thoái môi trường, dịch bệnh, tham nhũng, phân biệt chủng tộc và bài ngoại cùng những vấn đề khác, đang đặt ra một mối đe dọa đối với hòa bình và tạo thành một nơi sản sinh ra các cuộc xung đột. Phát triển bền vững góp phần quyết định trong việc tách rời và loại bỏ các nguyên nhân gây xung đột và là cơ sở cho hòa bình lâu bền. Hơn nữa, hòa bình sẽ giúp tăng cường các điều kiện cần thiết cho phát triển bền vững và giải phóng các nguồn lực cần thiết cho phát triển và thịnh vượng của xã hội.
Mỗi mục tiêu trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững là một yếu tố quan trọng trong hệ thống toàn cầu. Chính vì vậy, điều bắt buộc là cần tiến hành các biện pháp để bảo đảm thực hiện các mục tiêu này, đặc biệt là cần có các nguồn lực tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường khả năng cũng như áp dụng các quan hệ đối tác.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày quốc tế hòa bình năm nay (21/9/2016), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết, mỗi năm, vào ngày kỷ niệm này, Liên hợp quốc thường xuyên kêu gọi các bên tham chiến trên khắp thế giới cùng hạ vũ khí và thực hiện một lệnh ngừng bắn trong 24 giờ. Giá trị hình tượng của ngày kỷ niệm này nhắc nhở chúng ta rằng, các cuộc xung đột có thể và phải chấm dứt. Song hòa bình không thể suy giảm thành một thỏa thuận ngừng bắn đơn giản. Nó liên quan đến việc xây dựng trên phạm vi toàn cầu một xã hội mà trong đó mọi người được sống không đói nghèo và được hưởng mọi sự thịnh vượng, một xã hội mà tất cả cùng nhau phát triển, thống nhất bởi sự đoàn kết của một gia đình lớn toàn cầu.
Nhấn mạnh chủ đề của Ngày quốc tế hòa bình năm nay tập trung vào 17 mục tiêu phát triển bền vững, vốn là những trụ cột của hòa bình, ông Ban Ki-moon nêu rõ: Chúng ta phải xây dựng dựa trên Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030 để ngăn chặn các cuộc xung đột phát sinh khi bảo đảm rằng, không ai bị bỏ lại phía sau. Phát triển bền vững là điều cần thiết cho việc thiết lập hoà bình lâu dài và tôn trọng các quyền con người là một điều kiện tiên quyết. Chúng ta phải bảo vệ hành tinh của chúng ta, nơi sinh sống chung chúng ta, và chỉ bằng cách làm việc với nhau, chúng ta mới có thể bảo đảm cuộc sống an toàn cho các thế hệ tương lai. Tất cả chúng ta đều là những sứ giả của phát triển bền vững, quảng bá rộng rãi cho Chương trình 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững.
Nhân Ngày quốc tế hòa bình 2016, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc kêu gọi tất cả mọi người dân trên thế giới cùng hành động để bảo đảm phẩm giá và bình đẳng cho tất cả mọi cá nhân, cũng như bảo đảm một hành tinh xanh hơn./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()