Các mục tiêu chiến lược của Pháp đến năm 2030
Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố cho đến hết thập niên này, Pháp phải tăng cường vị thế của đất nước với tư cách là một cường quốc hạt nhân “độc lập và được tôn trọng”.
Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh tới bức tranh về “một nước Pháp mạnh, đoàn kết, độc lập trong quyết định, được tôn trọng nhờ vị thế là một cường quốc hạt nhân, một động lực cho sự tự chủ chiến lược của châu Âu, một đồng minh gương mẫu trong không gian châu Âu-Đại Tây Dương, một đối tác đáng tin cậy”.
Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu tại căn cứ hải quân Toulon ở miền Nam nước Pháp. Ảnh: Reuters |
Theo trang mạng Breaking Defense, tài liệu “Đánh giá chiến lược quốc gia” dài 52 trang, được chia làm 3 phần. Phần 1 và phần 2 tập trung phân tích những thách thức chiến lược đặt ra đã được Tổng thống Macron tóm gọn trong bài phát biểu tại căn cứ hải quân Toulon. Trong khi đó, phần 3 của tài liệu đề ra hàng loạt mục tiêu chiến lược của Pháp đến năm 2030.
Mục tiêu đầu tiên là khả năng răn đe hạt nhân “mạnh mẽ và đáng tin cậy”. Tài liệu nhấn mạnh tới sự cần thiết phải duy trì khả năng răn đe hạt nhân “chính đáng, hiệu quả và độc lập”, đồng thời xác nhận “sự cần thiết phải duy trì khả năng nắm bắt và hạn chế nguy cơ leo thang căng thẳng”.
Mục tiêu tiếp theo là tăng cường khả năng ứng phó trước các thách thức an ninh quân sự và phi truyền thống “thông qua việc phát huy tinh thần phòng vệ và bảo đảm sự gắn kết quốc gia”. Để thực hiện mục tiêu này, Pháp sẽ thực hiện một chiến lược quốc gia nhằm tăng cường “khả năng chống chịu trước bất kỳ thiệt hại nào gây ra đối với đời sống thường nhật của đất nước”. Thông tin cụ thể về chiến lược này, Tổng thống Macron cho biết sẽ được công bố trong quý I của năm 2023.
Tài liệu “Đánh giá chiến lược quốc gia” cũng đề cập tới mục tiêu cải thiện năng lực ứng phó trước các cuộc tấn công mạng cho “cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân”. Tài liệu nêu rõ, mặc dù không có sẵn công cụ nào có thể “tạo ra một tấm lá chắn trên không gian mạng” để ngăn chặn mọi cuộc tấn công mạng nhằm vào nước Pháp, song tăng cường an ninh mạng là vấn đề hệ trọng nhằm “chuẩn bị cho đất nước trước các mối đe dọa ngày càng nhiều”.
Một mục tiêu khác là phát huy vai trò then chốt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vai trò của Pháp trong NATO và “tăng cường vai trò trụ cột của châu Âu” trong liên minh quân sự này. Tài liệu nêu rõ Pháp muốn duy trì “vị trí riêng của mình trong liên minh”, khẳng định Paris có tiếng nói trong NATO do “nét riêng biệt và sự độc lập trong chính sách quốc phòng, nhất là khả năng răn đe hạt nhân”. Pháp muốn tăng cường tầm ảnh hưởng của mình cũng như các đồng minh châu Âu đối với “sự ổn định chiến lược trong tương lai” tại “lục địa già”.
Bên cạnh đó, Pháp đề ra mục tiêu phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu. Tài liệu khẳng định sự tự chủ chiến lược của “lục địa già” phụ thuộc vào “tiềm lực công nghiệp quốc phòng châu Âu đủ vững mạnh để đáp ứng các nhu cầu của chính mình”.
Trong “Đánh giá chiến lược quốc gia”, Pháp có kế hoạch nâng cao năng lực tình báo. Tài liệu nêu rõ Pháp cần tiếp tục cải cách sâu rộng các cơ quan tình báo và có chính sách “đầy tham vọng” để thu hút cũng như giữ chân nguồn nhân lực cho các cơ quan này. Pháp cũng cần đầu tư vào các công cụ kỹ thuật mới “tận dụng tiềm năng của máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo”.
Một mục tiêu không kém phần quan trọng là khả năng thực hiện các chiến dịch quân sự. Điều này liên quan tới khả năng sẵn sàng của quân đội Pháp để tham gia tác chiến cường độ cao cũng như được triển khai “trong một thời gian ngắn và đầu tiên trên chiến trường khi không có sự hỗ trợ của các quốc gia đồng minh”.
Ý kiến ()