Nhiều ngày nay, khách hàng của các mạng di động phải chịu cảnh cuộc gọi gián đoạn, bị rớt giữa chừng hoặc không thể kết nối. Tình trạng tin nhắn đến chậm hoặc bị lặp nhiều lần tiếp tục tái diễn.Người dùng di động phàn nàn chuyện chất lượng cuộc gọi ngày càng tệ. Ảnh minh họa: SML.Đường dây nóng của VnExpress.net mấy ngày qua tiếp nhận hàng chục phản ánh của khách hàng liên quan đến chuyện chất lượng các cuộc gọi di động bị giảm sút. Nhiều thuê bao của cả 3 mạng MobiFone, Viettel và VinaPhone ở nhiều khu vực như Chùa Bộc, Láng Hạ, Thái Thịnh hoặc Trần Duy Hưng... liên tục trong tình trạng không thể liên lạc. Nhiều cuộc gọi kết nối được chừng nửa phút thì ngắt, máy báo "thuê bao ra khỏi vùng phủ sóng".Anh Hán, chủ một doanh nghiệp kinh doanh máy tính phản ánh, cứ mỗi lần đến công ty, chiếc điện thoại của anh giống như một cục gạch. Sóng tậm tịt, lúc có lúc không. Các cuộc gọi từ VinaPhone sang MobiFone hoặc Viettel và ngược lại thường xuyên bị rớt giữa chừng. "Tòa nhà - nơi công...
Nhiều ngày nay, khách hàng của các mạng di động phải chịu cảnh cuộc gọi gián đoạn, bị rớt giữa chừng hoặc không thể kết nối. Tình trạng tin nhắn đến chậm hoặc bị lặp nhiều lần tiếp tục tái diễn.
|
Người dùng di động phàn nàn chuyện chất lượng cuộc gọi ngày càng tệ. Ảnh minh họa: SML. |
Đường dây nóng của VnExpress.netmấy ngày qua tiếp nhận hàng chục phản ánh của khách hàng liên quan đến chuyện chất lượng các cuộc gọi di động bị giảm sút. Nhiều thuê bao của cả 3 mạng MobiFone, Viettel và VinaPhone ở nhiều khu vực như Chùa Bộc, Láng Hạ, Thái Thịnh hoặc Trần Duy Hưng… liên tục trong tình trạng không thể liên lạc. Nhiều cuộc gọi kết nối được chừng nửa phút thì ngắt, máy báo “thuê bao ra khỏi vùng phủ sóng”.
Anh Hán, chủ một doanh nghiệp kinh doanh máy tính phản ánh, cứ mỗi lần đến công ty, chiếc điện thoại của anh giống như một cục gạch. Sóng tậm tịt, lúc có lúc không. Các cuộc gọi từ VinaPhone sang MobiFone hoặc Viettel và ngược lại thường xuyên bị rớt giữa chừng. “Tòa nhà – nơi công ty tôi đặt trụ sở ở phố Chùa Bộc, Hà Nội, tôi đã nhiều lần phản ánh tình trạng trên với hãng viễn thông nhưng tình trạng trên không được giải quyết”, anh Hán cho biết.
Có việc gấp cần liên lạc với người giúp việc ở nhà, ngày 12/7, chị Phương, chủ một thuê bao di động 090 bấm đến 4 lần máy đều báo: “Mạng bận”. Chị kiên trì bấm thêm 2 lần nữa, đầu dây bên kia mới phát ra tiếng tút tút quen thuộc. Ấy vậy mà, vừa nói chuyện chưa đầy 2 phút, cuộc gọi đã bị ngắt cùng với thông báo: “Hướng cuộc gọi tạm thời gián đoạn”. Chị kiểm tra máy và phát hiện cột sóng di động của chị không hiện lên nổi một vạch.
“Tình trạng này diễn ra khá thường xuyên kể từ khi tôi chuyển sang đăng ký dùng thuê bao 3G. Nhà mạng quảng cáo 3G là mạng thế hệ thứ 3 với đầy đủ tính ưu việt, chẳng hiểu sao chất lượng mạng lại không đạt chất lượng như những gì họ cam kết”, chị Phương nói.
Anh Quang một thuê bao trả trước của mạng di động 098 nói rằng tình trạng nghẽn mạch cục bộ ở một số khu vực ở Hà Nội đang diễn ra phổ biến đến mức khi cần gọi cho ai đó mà nghe máy “tò tí te” là anh kiên trì bấm thêm lần nữa. “Thậm chí có bận tôi bấm 3 lần thấy máy tắt, lần thứ 4 thì đầu kia nhấc máy. Thuê bao kia khẳng định chắc chắn rằng họ không hề tắt máy”, anh Quang kể.
Điều anh Quang thắc mắc hiện nay là dù đã đăng ký dịch vụ “báo cuộc gọi lỡ” với mạng Viettel cả năm nay nhưng rất hiếm khi tính năng này hoạt động. Do vậy, bạn bè người thân phàn nàn chuyện anh thường xuyên tắt máy nhưng tin nhắn báo có cuộc lỡ lại chẳng thấy nhà mạng gửi. “Vài lần tôi tắt máy và thử dùng số máy khác gọi vào chính thuê bao của mình, quả thật, chức năng báo cuộc gọi lỡ không hề hoạt động dù rằng mỗi tháng tôi vẫn phải móc ví ra trả phí duy trì dịch vụ”, anh Quang cho biết thêm.
Không chỉ chất lượng thoại bị giảm sút, khách hàng sử dụng di động phản ánh chuyện tin nhắn lặp, nhầm địa chỉ và đến chậm tái diễn trong nhiều ngày qua. Chị Quỳnh Anh ở phố Thái Thịnh, Hà Nội kể câu chuyện khá hài hước xảy ra với chị trong ngày 11/7 vừa qua. Chị nhắn cho cô bạn hẹn ăn trưa. Tin nhắn gửi lúc 9h không thấy cô bạn có động thái gì. “Nghĩ là cô ấy bận nên 12h, tôi tranh thủ lên căng-tin công ty ăn. 1h về đến văn phòng, tin nhắn của cô ấy báo lại: Muộn thế này còn ăn trưa cái gì nữa. Tôi bấm máy gọi lại mới biết cô ấy vừa mới nhận được tin nhắn của tôi cách đó vài phút”, chị Quỳnh Anh nói.
Hồi cuối tháng 4, Viettel công bố đã phát triển được 17.000 trạm thu phát sóng BTS 3G và trở thành hãng viễn thông đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số trạm 3G. Anh em nhà VNPT cũng công bố tổng số trạm của cả VinaPhone và MobiFone cộng lại cũng ở ngưỡng tương đương con số trên. Như vậy, tổng số trạm BTS 3G của cả 3 mạng viễn thông đại gia cộng lại vào khoảng trên dưới con số 40.000. Thế nhưng, số trạm thu phát sóng khổng lồ này vẫn không giúp nhà mạng cải thiện nhiều về chất lượng. Hiện tượng rớt sóng cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Mỗi lần khách hàng phàn nàn, các hãng viễn thông lại huy động bộ phận kỹ thuật đi rà soát, đo sóng và khắc phục bằng cách “lỗi đâu, sửa đó”.
Lãnh đạo của các hãng viễn thông cho rằng có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc gọi. Chẳng hạn khi có quá nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên, những khu vực có quá nhiều thuê bao tập trung, thậm chí là cả việc một số thiết bị phá sóng di động xuất hiện trên thị trường.
Cả 3 hãng viễn thông VinaPhone, MobiFone và Viettel đều hứa sẽ tiến hành kiểm tra các khu vực sóng di động yếu để khắc phục. Trong trường hợp cần thiết, các hãng sẽ lắp đặt trạm BTS mini để đáp ứng nhu cầu liên lạc cho một văn phòng hoặc tòa nhà nơi sóng di động chưa thể vươn tới.
Theo VietNamNet
Ý kiến ()