Các hội, nhóm ca hát trực tuyến: Thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng
– Trong thời đại số hóa hiện nay, sự phát triển của mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi mới cho các hoạt động văn nghệ. Tận dụng chức năng phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội, các hội, nhóm ca hát được thành lập và phát triển, tạo cơ hội cho hàng nghìn người yêu âm nhạc được kết nối, chia sẻ và thể hiện sở thích ca hát của mình, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng.
Thành lập tháng 2/2021, trang Facebook Câu lạc bộ (CLB) Đam mê ca hát xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia được thành lập với 6 thành viên. Bà Hoàng Thị Định, nhóm trưởng CLB Đam mê ca hát xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia cho biết: Thời điểm đó, mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ đều phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để đáp ứng nhu cầu giao lưu văn nghệ của bản thân cũng như bạn bè, lại đảm bảo giãn cách trong thời điểm dịch bệnh, tôi đã thành lập CLB.
Một buổi phát trực tiếp trên nhóm CLB Đam mê ca hát xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia của các thành viên tại thành phố Lạng Sơn
Đến nay, CLB Đam mê ca hát xã Thiện Hòa đã có trên 1.800 thành viên. Được biết, CLB Đam mê ca hát xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia là một trong những nhóm hát trực tuyến được thành lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Để nhóm hoạt động một cách bài bản, có quy củ, các thành viên trong nhóm bầu ra ban quản trị và thống nhất xây dựng nội quy của nhóm. Đồng thời, các thành viên ban quản trị còn phụ trách việc kết nối, liên lạc nhằm đảm bảo duy trì hoạt động đều đặn. Sử dụng chức năng phát trực tiếp (livestream) của Facebook, hằng ngày, các thành viên trong nhóm sẽ đăng ký và phát trực tiếp trên nhóm để biểu diễn các tiết mục văn nghệ theo lịch mà ban quản trị đã sắp xếp. Đến nay, mặc dù các hoạt động đã trở lại bình thường sau dịch, song CLB vẫn duy trì đều đặn mỗi ngày từ 2 chương trình văn nghệ trở lên theo hình thức phát trực tiếp.
Nếu như năm 2021, trên nền tảng Facebook chỉ có 8 hội, nhóm yêu ca hát thì đến nay, theo khảo sát của phóng viên, trên nền tảng Facebook, toàn tỉnh hiện có khoảng 20 hội, nhóm ca hát trực tuyến do các hạt nhân văn nghệ ở các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập. Trung bình mỗi hội, nhóm có từ 600 thành viên trở lên (cao nhất là trên 4.000 thành viên/nhóm). Trong đó, một số nhóm có số lượng thành viên đông như: CLB Văn nghệ Bình Gia quê hương tôi; CLB Yêu ca hát huyện Văn Lãng; CLB Yêu ca hát Bắc Sơn kết nối bốn phương; CLB Hữu Lũng Lạng Sơn – Tôi và bạn cùng hát… Các hội, nhóm không ngừng tăng về số lượng cũng như các thành viên tham gia bởi bất cứ ai có đam mê âm nhạc đều có thể tham gia vào các nhóm ca hát và kết nối với cộng đồng của mình.
Các thành viên CLB Đam mê ca hát xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia tại thành phố Lạng Sơn tập trung cùng phát trực tiếp chương trình văn nghệ trên trang Facebook của nhóm
Bà Phùng Thị Pin, thôn Pác Cú, xã Thanh Long, huyện Văn Lãng, thành viên CLB Yêu ca hát Văn Lãng cho biết: Tôi rất thích ca hát nhưng chưa từng có cơ hội lên sân khấu. Tham gia CLB, tôi có cơ hội biểu diễn và được nhiều khán giả theo dõi, cổ vũ, tôi còn được giao lưu, gặp gỡ những người cùng chung đam mê. Qua đó, tôi thêm mạnh dạn hơn, trong thời gian tới tôi có động lực để tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của thôn, xã.
Ngoài các chương trình văn nghệ hằng ngày, nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước, một số CLB còn tổ chức các chương trình văn nghệ trực tuyến theo chủ đề, tổ chức giao lưu văn nghệ trực tiếp… Trung bình mỗi năm, ước tính thành viên của các hội, nhóm trực tuyến đã thực hiện trên 4.000 chương trình biểu diễn văn nghệ qua hình thức phát trực tiếp trên nhóm Facebook. Các chương trình biểu diễn được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng, thu hút sự quan tâm và góp ý từ nhiều người. Qua đó, tạo điều kiện cho sự phát triển và lan tỏa rộng rãi phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh.
Thành viên CLB Yêu ca hát huyện Văn Lãng phát trực tiếp buổi biểu diễn của mình trên trang Facebook của nhóm
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Nếu như trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, hình thức sinh hoạt, giao lưu văn nghệ trực tuyến này góp phần duy trì liên tục phong trào văn nghệ quần chúng, thì nay, hình thức này còn phù hợp với xu thế hiện đại, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm hiểu, thống kê và có định hướng để hoạt động biểu diễn, giao lưu văn nghệ trên mạng xã hội Facebook trên các nhóm đảm bảo lành mạnh, văn minh. Từ đó, cơ quan chuyên môn cũng có cơ hội phát hiện những hạt nhân văn nghệ mới để xây dựng phong trào văn nghệ ở cơ sở.
Các hội, nhóm ca hát trực tuyến trên Facebook thu hút đông đảo người yêu âm nhạc bằng cách tạo ra một sân chơi giao lưu, chia sẻ và thể hiện tài năng âm nhạc phù hợp với thời đại. Qua đó, truyền cảm hứng và góp phần lan tỏa tình yêu văn nghệ, làm cho phong trào văn nghệ trong quần chúng Nhân dân trên địa bàn tỉnh trở nên sôi động và phong phú hơn.
Ý kiến ()