Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Na-ô-tô Can và các nhà lãnh đạo ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật Bản lần thứ 13 đã tiến hành kiểm điểm và xác định hướng phát triển thời gian tới cho quan hệ đối thoại ASEAN – Nhật Bản, trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế. Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Nhật Bản là một trong những quan hệ quan trọng hàng đầu của ASEAN. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ toàn diện ASEAN – Nhật Bản, khai thác mọi tiềm năng để đưa hợp tác đi vào thực chất và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy liên kết khu vực rộng lớn hơn ở Đông Á.
Trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN – Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a thông báo về những tiến triển mới trong quan hệ đối thoại giữa hai bên, nhất là về kết quả thực hiện Kế hoạch hành động triển khai 'Tuyên bố Tô-ki-ô về Quan hệ đối tác ASEAN – Nhật Bản năng động và lâu dài bước vào thiên niên kỷ mới'. Các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao sự ủng hộ và hỗ trợ của Nhật Bản trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường kết nối ASEAN, việc Nhật Bản tiếp tục ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong các tiến trình khu vực. ASEAN đánh giá cao vai trò của Quỹ Liên kết ASEAN – Nhật Bản (JAIF), trong đó có việc sớm triển khai các cam kết hỗ trợ ASEAN, nhất là khoản 62 triệu USD trợ giúp khẩn cấp đối phó khủng hoảng tài chính cho khu vực ASEAN.
ASEAN và Nhật Bản nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả quan hệ đối tác lâu dài, hữu nghị và chiến lược vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực; giao các bộ trưởng và các quan chức cấp cao đề ra các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về kinh tế – thương mại, triển khai có hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP); hợp tác phát triển Tiểu vùng, nhất là triển khai Sáng kiến Một thập kỷ Mê Công xanh vì sự phát triển bền vững ở lưu vực Mê Công; tăng cường hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu; thúc đẩy hơn nữa giao lưu nhân dân… Hai bên cũng nhất trí tăng cường tham vấn và phối hợp lập trường trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Kết thúc Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị đã ra Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật Bản lần thứ 13.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 13, tại Hà Nội, với sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và lãnh đạo các nước ASEAN, nhằm kiểm điểm và định hướng quan hệ hợp tác ASEAN – Trung Quốc, trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trên cương vị nước điều phối, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá những bước phát triển mạnh mẽ và thiết thực năm qua trong quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc, coi đây là mối quan hệ phát triển năng động và toàn diện nhất của ASEAN.
Các nhà lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc bày tỏ coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện. Hai bên hài lòng ghi nhận những kết quả thiết thực trong việc thực hiện Kế hoạch hành động (giai đoạn 2005-2010) nhằm triển khai Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc vì hòa bình và thịnh vượng; nhất trí thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015. ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Các nhà lãnh đạo hai bên cũng đã trao đổi về các hoạt động phù hợp để thiết thực kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc vào năm 2011, Năm hữu nghị ASEAN – Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) và các hiệp định liên quan bắt đầu được triển khai từ ngày 1-1-2010. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, với thương mại hai chiều đạt hơn 200 tỷ USD. Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các thỏa thuận trong khuôn khổ ACFTA, trên cơ sở cùng có lợi, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 tỷ USD và tăng đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN lên mười tỷ USD năm 2015. Hai bên cũng tiếp tục đẩy mạnh trao đổi và triển khai các dự án do Trung Quốc hỗ trợ, như Quỹ tín dụng trị giá 15 tỷ USD và Quỹ hợp tác đầu tư ASEAN Trung Quốc trị giá mười tỷ USD, cũng như các sáng kiến do Thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra dịp này nhằm tăng cường hợp tác với ASEAN, với trọng tâm ưu tiên là phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối ở khu vực. ASEAN và Trung Quốc nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Công, trong các khuôn khổ Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Hợp tác phát triển lưu vực Mê Công (AMBDC), Ủy hội Mê Công (MRC), Hợp tác kinh tế Ây-oa-y-oa-đi – Chao Phray-a – Mê Công (ACMECS)…
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về Phát triển bền vững, khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện hướng tới phát triển đồng đều và bền vững trong tương lai. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực; tuân thủ và thực hiện hiệu quả Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy hợp tác tiến tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của LHQ; đẩy mạnh hợp tác xử lý các vấn đề cùng quan tâm, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống. Kết thúc Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị đã ra Tuyên bố Chủ tịch về kết quả và các quyết định của Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 13.
Cùng ngày, Hội nghị cấp cao ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 13 đã diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, với sự tham dự của Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc và lãnh đạo các nước ASEAN, nhằm kiểm điểm và định hướng phát triển quan hệ hợp tác ASEAN – Hàn Quốc, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trên cương vị nước điều phối, Lào chia sẻ với Hội nghị về những tiến triển trong quan hệ đối thoại ASEAN – Hàn Quốc. Các nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển và hợp tác tốt đẹp giữa ASEAN và Hàn Quốc sau hơn hai thập kỷ hình thành quan hệ đối tác. ASEAN hoan nghênh 'Sáng kiến châu Á mới' của Hàn Quốc ưu tiên tăng cường hợp tác với ASEAN. Các nhà lãnh đạo nhất trí nâng quan hệ ASEAN – Hàn Quốc thành Đối tác chiến lược và thông qua Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược vì Hòa bình, thịnh vượng. Các nhà lãnh đạo hài lòng ghi nhận kết quả tích cực trong việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố chung về Hợp tác và Đối tác toàn diện giai đoạn 2006-2010; thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015.
ASEAN và Hàn Quốc nhất trí đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai hiệu quả tất cả các thỏa thuận và hiệp định trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA); khẳng định cam kết nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 150 tỷ USD vào năm 2015. ASEAN đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Hàn Quốc đối với các nỗ lực xây dựng Cộng đồng và thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN, cũng như kết quả hợp tác tích cực trên các lĩnh vực ưu tiên như văn hóa, nghệ thuật, giao lưu nhân dân, du lịch, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ thông tin, giáo dục, ứng phó thiên tai, môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh lương thực… Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh Sáng kiến của Hàn Quốc về Tăng trưởng Xanh ít các-bon nhằm ứng phó biến đổi khí hậu vì phát triển bền vững.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. ASEAN khẳng định ủng hộ đối thoại và hợp tác vì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như các nỗ lực nối lại đàm phán sáu bên hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. ASEAN hoan nghênh việc Hàn Quốc tiếp nhận cương vị Chủ tịch G20, đánh giá cao việc Hàn Quốc mời Chủ tịch ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao của G20 tháng 11 tới tại Xơ-un và cùng với Hàn Quốc trao đổi về các nội dung tham gia đóng góp của ASEAN tại hội nghị này. Chủ tịch Hội nghị đã ra Tuyên bố về kết quả và các quyết định tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Hàn Quốc.
Ngày 29-10, Hội nghị cấp cao ASEAN 3 lần thứ 13 đã diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc. Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, kể từ năm 1997, tiến trình hợp tác ASEAN 3 đã phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, hỗ trợ đắc lực cho nỗ lực chung của các nước ASEAN 3 trong xử lý nhiều thách thức chung, nhất là vượt qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính. Thủ tướng khẳng định, tiến trình ASEAN 3 ngày càng chứng tỏ là một trong những cơ chế năng động và hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy hợp tác Đông Á; khẳng định được vai trò là khuôn khổ chính hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng một cộng đồng ở Đông Á.
Các nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những tiến triển quan trọng của hợp tác ASEAN 3, thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác triển khai Tuyên bố chung về Hợp tác Đông Á, với các hoạt động hợp tác tới nay đã trải khắp 24 lĩnh vực. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc Thỏa thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai có hiệu lực từ tháng 3-2010, việc lập Văn phòng nghiên cứu giám sát kinh tế vĩ mô (AMRO) và Cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIF); các nỗ lực tích cực trong việc nghiên cứu khả thi xây dựng Khu vực mậu dịch tự do Đông Á (EAFTA) song song xem xét Kế hoạch Đối tác toàn diện Đông Á (CEPEA), việc thí điểm lập Quỹ Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN 3 nhằm bảo đảm an ninh lương thực…
Các nhà lãnh đạo ASEAN 3 thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả các thỏa thuận nhất là Kế hoạch công tác Hợp tác ASEAN 3; tăng cường hợp tác sâu rộng hơn về các vấn đề tài chính – tiền tệ; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, giao thông vận tải và phát triển cơ sở hạ tầng ở cả hai cấp độ song phương và khu vực, để tạo dựng sự liên kết kinh tế chặt chẽ hơn ở khu vực. Các bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác để thiết thực đối phó với những thách thức toàn cầu, đồng thời đẩy mạnh trao đổi văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân nhằm củng cố và thúc đẩy sự tin cậy, hiểu biết và gắn bó giữa những người dân trong khu vực và tạo nên một bản sắc và ý thức khu vực.
Các nhà lãnh đạo tiến hành trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có việc phối hợp chuẩn bị cho sự tham dự của Chủ tịch ASEAN tại Hội nghị cấp cao G20 ở Hàn Quốc, Hội nghị COP-16 về Biến đổi khí hậu tại Mê-hi-cô, tình hình bán đảo Triều Tiên… Chủ tịch Hội nghị đã ra Tuyên bố Chủ tịch về các kết quả cũng như quyết định của Hội nghị cấp cao ASEAN 3 lần thứ 13.
Cùng ngày, Hội nghị cấp cao ASEAN – LHQ lần thứ ba đã diễn ra ngày 29-10 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và sự tham dự của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun và lãnh đạo các nước ASEAN. Năm 2010 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với cả ASEAN và LHQ, đánh dấu 65 năm kỷ niệm Ngày thành lập LHQ, mười năm thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) và kỷ niệm mười năm ngày họp cấp cao ASEAN-LHQ lần đầu. Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ ASEAN-LHQ, kết quả thực hiện Bản ghi nhớ Hợp tác ASEAN – LHQ, nhất là sự hợp tác hiệu quả giữa ASEAN và LHQ trong việc hỗ trợ Mi-an-ma khắc phục hậu quả của bão Na-ghít.
Hội nghị hoan nghênh việc nâng cấp quan hệ ASEAN – LHQ thành quan hệ đối tác đặc biệt, tạo nền tảng và khuôn khổ quan trọng cho việc tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai bên, cũng như tạo điều kiện cho ASEAN đóng góp tích cực hơn nữa vào việc thực hiện các mục tiêu chung của LHQ vì hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới. ASEAN đánh giá cao LHQ và các cơ quan chuyên môn của LHQ trong những năm qua đã thiết thực hỗ trợ các nỗ lực xây dựng cộng đồng và liên kết khu vực của ASEAN. Các lãnh đạo ASEAN trông đợi LHQ tiếp tục giúp đỡ ASEAN để triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, cũng như nâng cao năng lực đối phó những thách thức toàn cầu, nhất là về an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh. Hai bên nhất trí thực hiện hiệu quả Khuôn khổ hành động chung 2011-2012 và giao Ban thư ký ASEAN và Ban thư ký LHQ tiến hành các biện pháp triển khai cụ thể. ASEAN và LHQ sẽ tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại và tiếp xúc thường xuyên bên lề các khóa họp hằng năm của Đại Hội đồng LHQ. Các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng Thư ký LHQ cũng dành thời gian chia sẻ quan điểm về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Kết thúc Hội nghị, hai bên đã nhất trí thông qua Tuyên bố Báo chí chung của Hội nghị cấp cao ASEAN – LHQ lần thứ ba.
Chiều cùng ngày, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng Thư ký LHQ đã chứng kiến Lễ ra mắt ấn phẩm 'Cùng nhau phát triển: ASEAN và LHQ'.
Cùng ngày, Hội nghị cấp cao Mê Công – Nhật Bản lần thứ hai đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của Thủ tướng các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái-lan, Việt Nam và Nhật Bản. Hội nghị do Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chủ trì. Tại Hội nghị, Thủ tướng các nước Mê Công và Nhật Bản đã điểm lại các hoạt động hợp tác được triển khai kể từ sau Hội nghị cấp cao lần thứ nhất; đề xuất các định hướng tăng cường hợp tác Mê Công – Nhật Bản thời gian tới. Hội nghị ghi nhận nhiều chương trình, dự án thuộc 'Chương trình Hành động 63 điểm' đã và đang được triển khai, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông và các lĩnh vực khác.
Hội nghị đánh giá cao việc hiện thực hóa hai sáng kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu tại Hội nghị cấp cao lần thứ nhất, đó là xây dựng Dự án Trung tâm đào tạo nghề Mê Công – Nhật Bản đặt tại Vĩnh Phúc (Việt Nam) và Nhật Bản tài trợ các dự án của Ủy hội Mê Công nhằm quản lý nguồn nước vào mùa lũ và mùa hạn. Các Thủ tướng đã nhất trí thông qua Chương trình Hành động triển khai sáng kiến 'Hướng tới Thập kỷ Mê Công Xanh' và Chương trình hành động 'Sáng kiến hợp tác Kinh tế Công nghiệp Mê Công – Nhật Bản'. Các Thủ tướng cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hội nghị nhất trí thông qua Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm tiếp tục tăng cường hợp tác trong cơ chế Mê Công – Nhật Bản vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Tiểu vùng; nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao Mê Công – Nhật Bản lần thứ ba, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại In-đô-nê-xi-a năm 2011.
Tối cùng ngày, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân chiêu đãi chào mừng các Trưởng đoàn và Phu nhân tham dự ASEAN 17 và các Hội nghị cấp cao liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nồng nhiệt chúc mừng các Quốc vương, lãnh đạo các Chính phủ và Nhà nước, Trưởng đoàn các nước tới dự buổi chiêu đãi – nhạc hội, một hoạt động trở thành điểm nhấn thú vị của mỗi kỳ Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao liên quan. Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với các hoạt động liên tục và khẩn trương của Hội nghị, đây là dịp để các vị đại biểu gặp gỡ và trao đổi trong bầu không khí thoải mái và thân thiện, giúp tăng thêm tình hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng buổi chiêu đãi – nhạc hội sẽ mang đến cho các vị đại biểu những cảm nhận mới về nét văn hóa đặc sắc của đất nước, con người các nước ASEAN; đồng thời là nhịp cầu văn hóa giúp vượt qua các khác biệt, tăng cường gắn kết và đưa các dân tộc lại gần nhau hơn.
Chương trình nhạc hội được mở đầu bằng bản hòa tấu do dàn nhạc giao hưởng ASEAN biểu diễn. Tiếp theo đó là những tiết mục biểu diễn đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam của các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam như: Hòa tấu của dàn nhạc dân tộc 'Bèo dạt mây trôi', 'Xe chỉ luồn kim' múa Chén; múa mừng gạo mới… Tiết mục múa hát với 'ASEAN – mặt trời phương Đông' đã khép lại buổi chiêu đãi – nhạc hội thành công, chào mừng ASEAN 17 và các Hội nghị cấp cao liên quan.
Thực hiện Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học và Kỹ thuật ký ngày 11-1-2010 giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào, được phép của Thủ tướng Chính phủ, sáng 29-10, nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 17 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Công thương Lào Nam Vi-nhạ-kệt đã ký kết Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Lào năm 2011. Đây là Bản thỏa thuận điều chỉnh và bổ sung Bản thỏa thuận ký ngày 17-1-2009 giữa hai Bộ Công thương về các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam và Lào, áp dụng cho năm 2011 và những năm tiếp theo.
Cùng ngày, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Cấp cao, Bộ trưởng Thương mại Cam-pu-chia Chăm Pra-xít đã ký Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Cam-pu-chia áp dụng cho năm 2011 và những năm tiếp theo. Đây là hoạt động thiết thực nhằm triển khai Biên bản thỏa thuận Kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Cam-pu-chia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật ký tháng 12-2009 và theo tinh thần của Tuyên bố chung Việt Nam – Cam-pu-chia được Thủ tướng Chính phủ hai nước thống nhất tháng 10-2005, tại Hà Nội.
Cùng ngày, nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) đã ký Nghị định thư sửa đổi Quy tắc Thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ thuộc Hiệp định thương mại hàng hóa trong khuôn khổ ACFTA. Đây là kết quả đàm phán trong hơn hai năm qua của Bộ Công thương Việt Nam cùng các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc nhằm sửa đổi, bổ sung những quy định phù hợp thực tiễn và sự phát triển của thương mại tự do trong khu vực, nhằm tạo thuận lợi hóa thương mại giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Một số nước ASEAN, như Việt Nam, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, Lào, cùng Trung Quốc bắt đầu thực hiện Quy tắc sửa đổi này, từ ngày 1-1-2011.
Cùng ngày, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã chứng kiến Lễ khai trương trang thông tin trực tuyến về quan hệ ASEAN – Trung Quốc.
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc, ngày 29-10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký Hiệp định khung thành lập và Hội nghị thường niên lần thứ nhất của Hiệp hội
Ngân hàng Trung Quốc – ASEAN (CAIBA). Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV là ngân hàng duy nhất của Việt Nam được mời tham gia Hiệp hội và là đơn vị chủ nhà, đồng tổ chức Hội nghị cùng với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB). Mục tiêu hoạt động của CAIBA là: Thiết lập một cơ chế hiệu quả để cung cấp dịch vụ tài chính cho các dự án tại ASEAN và Trung Quốc; Cho phép các ngân hàng ASEAN và CDB làm đối tác ưu tiên lẫn nhau trong lĩnh vực tài chính; Hỗ trợ hợp tác sâu hơn trong các dự án mà hai phía cùng tham gia…
Ý kiến ()