Các hãng hàng không thiệt hại nặng do dịch Covid-19
Gánh nặng chi phí
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vào giữa tháng 3 vừa qua, thiệt hại của ngành HKVN lên tới khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của Cục trưởng HKVN Đinh Việt Thắng, con số này ở thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ gia tăng gấp thêm nhiều lần, khi mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã quyết định dừng nhiều đường bay nội địa, cắt giảm tần suất đường bay trục Hà Nội – TP Hồ Chí Minh – Đà Nẵng xuống mức tối thiểu để phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu các hãng hàng không chỉ được khai thác một chuyến/ngày trên tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh; Hà Nội – Đà Nẵng/Phú Quốc và đường bay TP Hồ Chí Minh-Đà Nẵng/Phú Quốc từ ngày 30-3. Điều này đồng nghĩa 18 sân bay còn lại (bao gồm cả Vân Đồn) coi như “đóng cửa”.
Tại cả hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, trái với cảnh đông đúc, nhộn nhịp trước đây, dễ dàng bắt gặp cảnh tàu bay nằm la liệt trên sân đỗ, thậm chí phải tận dụng mọi vị trí có thể để xếp tàu bay, cả trong khu vực xưởng sửa chữa hay cả trên đường lăn. “Đường bay quốc tế dừng hết, đường bay nội địa về mức tối thiểu, tàu bay không nằm sân thì biết đi đâu”, đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài thừa nhận.
Dù dừng hầu hết các đường bay nhưng gánh nặng chi phí mà mỗi hãng hàng không vẫn đang từng ngày đè nặng. Một số hãng phải chi trả cả hàng nghìn tỷ đồng để trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, đậu đỗ, duy trì bộ máy, trả lương nhân viên,…
Đơn cử, đội bay của hãng Vietnam Airlines (VNA) hiện có 108 chiếc, trong đó có 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc Airbus 350. Mỗi tháng, riêng tiền thuê, lãi ngân hàng của một chiếc “siêu tàu bay” này rơi vào khoảng một triệu USD/chiếc, cả đội tàu bay thân rộng sẽ lên tới gần 30 triệu USD/tháng.
Với 76 tàu A321, tiền thuê mỗi chiếc trung bình trên thị trường khoảng 300 nghìn USD/tháng. Chỉ cần làm một phép tính nhỏ cũng có thể thấy khoản chi cho đội tàu của VNA mỗi tháng rất lớn.
Còn với hãng Vietjet Air, hiện đang có 75 tàu bay Airbus 320, Airbus 321 khai thác, ước tính khoản tiền phải trả có thể lên tới 20 triệu USD/tháng. Tất nhiên, con số này có thể cao hoặc thấp hơn tuỳ thuộc vào mức giá mà từng hãng đàm phán được khi ký hợp đồng thuê.
Ngoài chi phí thuê tàu (hoặc trả lãi vay), hằng tháng, các hãng hàng không còn phải trả hàng chục tỷ đồng cho tiền đậu đỗ. Được biết, tiền đậu đỗ tại sân bay mỗi ngày của một chiếc Airbus 321 khoảng 1,6 triệu đồng, với dòng Boeing 787 là 4,16 triệu đồng. Như vậy, riêng tiền sân đỗ máy bay, mỗi tháng, VNA phải chi hơn sáu tỷ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng.
Kịp thời có chính sách hỗ trợ
Theo quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ GTVT, các hãng hàng không đang phải chịu 16 loại chi phí dịch vụ tại cảng. Vietnam Airlines Group (gồm cả Jetstar Pacific và Vasco), Vietjet Air và Bamboo Airways năm 2019 đã nộp khoảng 12.700 tỷ đồng các loại phí trực tiếp và gián tiếp.
Mới đây, Bộ GTVT đã đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ ngành hàng không vượt qua cơn bĩ cực, như áp dụng chính sách giảm 50% giá cất, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến với các chuyến bay nội địa, giảm giá 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá trong ba tháng (từ tháng 3 đến tháng 5).
Tuy nhiên, nếu giảm về 0 đồng với 11/16 loại phí do Nhà nước quy định khung giá như đề xuất của Bộ GTVT, các hãng chỉ giảm được khoảng vài trăm tỷ đồng, chưa thấm vào đâu so thiệt hại dự kiến.
Theo đại diện các hãng hàng không, chính sách hỗ trợ, giảm giá này dù khá tích cực nhưng chưa thấm vào đâu so với thiệt hại hiện tại của các hãng, đặc biệt thời gian hỗ trợ quá ngắn, chỉ trong ba tháng. Ngay cả khi dịch kết thúc, các hãng vẫn cần thêm tối thiểu ba tới sáu tháng để phục hồi.
Với phí cất/hạ cánh và điều hành bay chiếm từ 10 đến 20% tổng chi phí mỗi chuyến bay, do đó, các hãng hàng không đề xuất giảm 50% với cả hai loại phí trên trong cả năm 2020. Ngoài ra, để kích cầu đi lại của người dân khi thị trường phục hồi, việc miễn phí phục vụ hành khách với chuyến bay nội địa (hiện thu từ 70 đến 110 nghìn đồng/người) và giảm 50% với các chuyến bay quốc tế trong 12 tháng là rất cần thiết.
Trong 10 nghìn tỷ đồng thuế mà ngành hàng không nộp ngân sách năm 2019, riêng thuế bảo vệ môi trường chiếm tới gần 50%. Vì thế, các hãng đề nghị giảm 50% thuế nhập khẩu nhiên liệu và bảo vệ môi trường trong ba tháng cho hãng bay, trường hợp bố trí được ngân sách thì miễn trong ba tháng.
Theo ước tính của Trung tâm hàng không châu Á – Thái Bình Dương (CAPA), đến cuối tháng 5, nếu không nhận được các nguồn trợ lực từ các quốc gia, hàng loạt hãng hàng không trên thế giới sẽ rơi vào tình cảnh phá sản.
Còn tại Việt Nam, Cục trưởng Hàng không Việt Nam (HKVN) Đinh Việt Thắng nhìn nhận, các kịch bản ứng phó với Covid-19 đối với ngành hàng không được xây dựng trước đây, đến nay đều bị phá sản. Trước đây, khi dừng khai thác mạng bay quốc tế, ngành hàng không còn trông chờ vào thị trường nội địa, nhưng sau lệnh hạn chế tối đa tần suất khai thác bay nội địa, việc duy trì một số ít đường bay trọng điểm và mỗi hãng chỉ khai thác một chuyến bay/ngày đã dẫn đến các hãng rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực.
“Đến thời điểm này, không thể đánh giá đầy đủ về tình hình nữa, bởi chưa ai dám khẳng định khi nào dịch kết thúc. Không đánh giá được tăng trưởng, sản lượng khai thác hàng không trong năm nay cũng không thể dự báo được nữa. Bây giờ, việc tính toán không phải là thiệt hại bao nhiêu mà là cứu vãn được bao nhiêu. Thậm chí, chúng tôi còn lo lắng có hãng không trụ được, dẫn tới phá sản. Lịch sử ngành HKVN chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn, bi đát như bây giờ,” ông Thắng chua xót giãi bày.
Được biết, các hãng hàng không đã có báo cáo gửi Cục HKVN về tình hình hiện tại. Cục đang tổng hợp để xem xét, báo cáo tới các cấp có thẩm quyền.
Ý kiến ()