Các giải pháp tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm
Nhân viên nấu ăn Trường THCS dân tộc nội trú huyện Bắc Sơn chế biến thực phẩm |
Ồn định đội ngũ nhân viên
Do quen người quen việc nên các nhân viên nấu ăn Trường Mầm non Hoa Đào (thị trấn Cao Lộc) đã bắt tay vào công việc của mình để mang lại cho các cháu bữa ăn ngon ngay từ ngày khai giảng năm học mới. Cô Ma Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tuy hợp đồng theo từng năm học, song về cơ bản đội ngũ nhân viên nấu ăn của nhà trường là ổn định, nên lãnh đạo nhà trường không bị động trong việc tìm và hợp đồng nhân viên mỗi khi năm học mới bắt đầu.
Trường Tiểu học Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) có tới 31 lớp với 1.450 học sinh, trong đó phần lớn ăn bán trú. Khi học sinh và giáo viên bước vào bài học đầu tiên của năm học mới cũng là lúc các nhân viên nấu ăn bắt đầu công việc của mình. Cô Vũ Thị Quyên, Hiệu trưởng nhà trường nói rằng: Là trường bán trú nên việc nuôi quan trọng không kém việc dạy, vì nó liên quan đến sức khỏe và tính mạng của học sinh. Vì vậy, ổn định đội ngũ cô nuôi là một trong những giải pháp tích cực để thực hiện nhiệm vụ năm học.
Theo thống kê của ngành GD&ĐT, đến tháng 11/2016, toàn ngành có 4.144 nhân viên, trong đó có trên 2.800 nhân viên nấu ăn. Trừ số nhân viên nấu ăn được hợp đồng theo hai hình thức: “chế độ 68” và “chế độ 44”. Dù hợp đồng theo hình thức nào thì đội ngũ cô nuôi cũng đáp ứng được 2 tiêu chí cơ bản là đảm bảo sức khỏe và có bằng cấp nấu ăn hoặc được bồi dưỡng kiến thức nấu ăn và kiến thức vệ sinh ATTP. Nếu những năm học trước, các nhà trường, nhất là trường tiểu học bán trú, trường phổ thông DTBT vẫn còn lúng túng trong hợp đồng nhân viên nấu ăn mỗi khi năm học mới bắt đầu; thì năm học này, do đã có sự phân cấp rõ ràng về quản lý nên các nhà trường đã chủ động hơn. Ông Lương Tiến Đức, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Sơn cho biết: Đối với đội ngũ nhân viên nấu ăn của 20 trường mầm non trên địa bàn huyện, ngành đã chủ động hợp đồng theo “hợp đồng 44”, một số cô còn được “hợp đồng 68” nên tình trạng phải nhờ phụ huynh đến nấu ăn đã được chấm dứt. Nhờ vậy mà hoạt động của các nhà trường đã đi vào nền nếp ngay từ đầu năm học.
Được coi là thành viên của nhà trường, đội ngũ nhân viên nấu ăn có tinh thần trách nhiệm tốt, cập nhật kiến thức chuyên môn và ý thức đảm bảo an toàn VSTP. Trong các hội thi nấu ăn giỏi, các cô đã phát huy tay nghề của mình và được ngành GD&ĐT tuyên dương khen thưởng. Hình thức này đã động viên đội ngũ nhân viên nấu ăn tự tin hơn và tận tâm với nghề, với ngành.
Tăng cường cơ sở vật chất
Được sự đầu tư của nhà nước, địa phương và công tác xã hội hóa, nên bước vào năm học mới 2016-2017, tỷ lệ bếp ăn “một chiều” đã đạt trên 30%. Từ nay đến giữa năm 2017, khi 25 bếp ăn cho các trường mầm non, trường phổ thông DTBT với tổng trị giá 10 tỷ đồng mà UBND tỉnh ứng cho các trường khó khăn được hoàn thành, thì tỷ lệ bếp ăn “một chiều” sẽ được nâng lên đến 35%.
Công tác quản lý bữa ăn của học sinh được đổi mới, theo đó các trường mầm non đã áp dụng phần mềm Ntrikids để tính khẩu phần ăn; chỉ đạo đội ngũ nhân viên y tế tăng cường kiểm tra an toàn VSTP trong không gian bếp và không gian ăn uống của học sinh. Tất cả các trường đã có hợp đồng mua bán thực phẩm ổn định, không còn tình trạng mua bán thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; do được trang bị tủ lạnh nên các nhà trường đã lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Ngành GD&ĐT và các địa phương một mặt quan tâm đầu tư nguồn nước hợp vệ sinh, một mặt phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các trung tâm y tế huyện kiểm tra, giám sát, đánh giá nguồn nước, thông báo và tư vấn kịp thời cho các nhà trường. Để đảm bảo nguồn nước ăn, uống hợp vệ sinh, nhiều trường đã huy động xã hội hóa mua sắm bình lọc nước phục vụ học sinh và giáo viên.
Với những nỗ lực đó, trong những năm gần đây, toàn ngành GD&ĐT đã không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào do nguyên nhân từ bếp ăn tập thể. Số bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận an toàn VSTP đã đạt trên 30%, trong đó tất cả 29/29 bếp ăn tập thể của ngành GD&ĐT thành phố đã được cấp chứng nhận đảm bảo vệ sinh ATTP.
Ý kiến ()