Thứ 4, 25/12/2024 14:11 [(GMT +7)]
Các giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng học sinh bỏ học
Thứ 3, 06/03/2012 | 09:52:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Nếu so sánh với năm học 2010-2011, thì học kỳ I của năm học 2011-2012, số lượng học sinh bỏ học của tỉnh Lạng Sơn là 637 em, chiếm tỷ lệ 0,48% so với tổng số học sinh- thấp hơn mức bình quân của cả nước (bình quân toàn quốc năm học 2010-2011 là 0,5%).
Lãnh đạo ngành GDĐT trao phần thưởng cho học sinh tiểu học dân tộc thiểu số
trong hội thi đọc diễn cảm và kể chuyện
Số liệu báo cáo của ngành GD&ĐT Lạng Sơn cho thấy tỷ lệ bỏ học của học kỳ I năm học này giảm tới 0,45% so với năm học trước và nếu so sánh với năm học 2009-2010 thì tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm 0,68%. Phân tích số lượng có thể thấy khối các trường phổ thông dân tộc nội trú không có học sinh bỏ học và tỷ lệ bỏ học cao nhất là khối giáo dục thường xuyên (GDTX) với tỷ lệ 3,75%, sau đó là khối THPT có tỷ lệ 0,97%, thấp nhất là khối tiểu học 0,04%.
Kết quả điều tra về nguyên nhân tình trạng học sinh bỏ học ở tỉnh ta cho thấy chủ yếu là học sinh các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế; mặt khác là học sinh có học lực kém, cảm thấy mình không theo kịp chương trình, dẫn đến chán học và bỏ học; một số học sinh do cách trường và điểm trường quá xa, trong thôn lại không có bạn cùng lớp, trong khi bố mẹ bận làm ăn không thể hàng ngày đưa con tới trường. Những vấn đề trên đã được ngành GD, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở các địa phương đề ra các giải pháp khắc phục. Trước hết, để hạn chế tình trạng học sinh yếu kém, ngành và công đoàn ngành đã vận động mỗi thày cô giáo dạy 2 tiết/ tuần không tính thù lao để bồi dưỡng học sinh khá giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém. Riêng năm học 2010-2011, toàn ngành đã thực hiện 255.359 tiết phụ đạo và đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Coi đây là giải pháp chủ yếu, học kỳ I này, ngành GD Chi Lăng đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức phụ đạo cho học sinh ngay từ trong hè. Kết quả đã có 97 học sinh yếu kém được phụ đạo để thi lại và sau khi tổ chức thi lại đã có 57 học sinh lên lớp. Phó phòng GD huyện Chi Lăng cho biết: “Phụ đạo học sinh yếu kém chỉ là giải pháp tình thế, chủ yếu là dạy học tăng thời lượng để hạn chế học sinh yếu kém. Như vậy chất lượng học sinh mới vững chắc”.
Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học gắn với thực hiện có hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tạo niềm tin và hứng thú cho học sinh học tập; trường lớp thân thiện, thầy cô thân thiện sẽ tạo nên “ giờ học thân thiện” và khí thế thi đua học tập rèn luyện sôi nổi sẽ mang lại hiệu quả. Đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất nhà trường ở vùng cao, vùng khó khăn, ngành đã thực hiện tăng cường đội ngũ giáo viên khá giỏi đến công tác biệt phái tại các trường khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, vùng dân tộc. Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ học sinh nghèo là con em các dân tộc thiểu số theo đúng chế độ của Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú, tạo điều kiện tốt nhất cho các em về nơi ăn ở, sinh hoạt và học tập. Đây được coi là vấn đề quan trọng để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học do nhà nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Công Sơn (Cao Lộc) cho biết: “Nếu trước đây, học sinh cấp tiểu học và THCS thường bỏ học vì nhà xa, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở, thì nay nhân dân rất phấn khởi khi được sự hỗ trợ của Nhà nước mở trường phổ thông dân tộc bán trú. Không chỉ có vậy, cấp học mầm non cũng đông hơn vì bà con hiểu rằng, cho con đi học vừa được cái chữ lại được cả tiền”.
Hơn lúc nào hết, đảm bảo yếu cầu “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho học sinh tới trường vừa là trách nhiệm vừa là lương tâm của toàn xã hội, từ các cá nhân đến các tổ chức, doanh nghiệp. Nếu năm học 2010-2011, riêng cán bộ viên chức ngành GD đã quyên góp gần 770 triệu đồng, 1647 chiếc áo ấm, 2411 đồ dùng học tập và 1875kg gạo giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó đến trường, thì học kỳ I năm học này ngành GD đã quyên góp ủng hộ các trường bán trú vùng đặc biệt khó khăn của 5 huyện được trên 650 triệu đồng, bao gồm 390 triệu đồng tiền mặt, 1000 chiếc áo ấm, 250 chiếc chăn len. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ các nhà trường được gần 2 tỷ đồng, 62 ngàn USD. Nhiều phòng GD đã duy trì thường xuyên “hũ gạo tình thương” để hỗ trợ học sinh bán trú vùng cao, vùng dân tộc. Tuy tỷ lệ bỏ học chung đã giảm mạnh, song đối với từng vùng, miền, từng cấp học thì tỷ lệ này có sự khác biệt. Nếu so sánh về địa hình, dân tộc, thì Cao Lộc, Đình Lập là các địa phương khó khăn hơn Chi Lăng, song tỷ lệ bỏ học của Cao Lộc chỉ ở mức 0,18%, Đình Lập ở mức 0,17%, song Chi Lăng lại ở mức 1,19%- cao nhất tỉnh. Trong các cấp học, thì loại hình giáo dục thường xuyên có tỷ lệ bỏ học cao và mỗi năm một tăng, nếu năm học 2010-2011, tỷ lệ bỏ học là 3,23%, thì học kỳ I này đã có tỷ lệ 3,75%; đặc biệt, Trung tâm giáo dục thường xuyên Văn Lãng có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất tỉnh: 8,51%. Đó là sự phản ánh đúng đặc điểm của cấp học, loại hình học, ở tuổi lao động, khi học kém, các em thường chọn “giải pháp” bỏ học để tham gia lao động sản xuất.
Trên 600 học sinh bỏ học mỗi năm, con số ấy tuy nhỏ so với trên 173.500 học sinh sinh viên từ cấp mầm non đến chuyên nghiệp toàn tỉnh. Song nếu “mỗi năm một ít”, nó sẽ trở thành “gánh nặng” cho công tác điều tra, mở lớp và duy trì phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ, giáo dục THCS và cao hơn là phổ cập THPT. Đây cũng chính là “lực cản” của mỗi địa phương trên con đường giảm nghèo bền vững.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()