Các giải pháp để nâng cao chất lượng dân số
LSO-Chất lượng dân số được đặc biệt nhấn mạnh trong Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới. Để nâng cao chất lượng dân số, chúng ta đã và đang triển khai hai nhóm giải pháp lớn…
Cán bộ y tế phường Đông Kinh (TP Lạng Sơn) tư vấn cho người dân về cách phòng bệnh cho trẻ |
Kiểm soát “chất lượng đầu vào”
Nâng cao chất lượng dân số ngay từ khi đứa trẻ mới được sinh ra là nhóm giải pháp mà chúng ta mới áp dụng, song nó đã mang lại hiệu quả tốt. Năm 2013, tiếp cận dự án sàng lọc trước sinh và sơ sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành dân số đã chỉ đạo các trung tâm dân số phối hợp với các ngành, đoàn thể thành lập và duy trì 58 câu lạc bộ (CLB) như: CLB không sinh con thứ ba trở lên, CLB tiền hôn nhân hoặc lồng ghép với các loại hình CLB khác. Phối hợp với 4 huyện: Bắc Sơn, Văn Quan, Lộc Bình và Hữu Lũng triển khai tầm soát dị dạng bẩm sinh, sơ sinh tại 20 xã và nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025, nạn tảo hôn và tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã và đang giảm mạnh. Triển khai chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp sớm các bệnh, tật và rối loạn chuyển hóa di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, giảm thiểu số trẻ em sinh ra mắc một số khuyết tật, bệnh bẩm sinh, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ… góp phần nâng cao chất lượng dân số “đầu vào”. Sau 4 năm triển khai đã có gần 3.000 người chấp nhận tầm soát dị dạng bệnh, tật bẩm sinh và sơ sinh.
Việc từng bước triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình không những mang lại niềm vui cho các cặp vợ chồng khi sinh ra những đứa con lành lặn, khỏe mạnh, tạo tiền đề cho việc nuôi khỏe, dạy tốt; phòng chống các nguy cơ làm suy kiệt giống nòi, mà còn góp phần tích cực vào công tác kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) với mô hình gia đình có 2 con.
Tăng cường dịch vụ xã hội
Chất lượng dân số chính là chất lượng sống của mỗi người, mỗi cộng đồng dân cư và toàn xã hội. Chất lượng sống chính là chỉ số phát triển con người (HDI) với các chỉ báo cụ thể như: tỷ lệ suy dinh dưỡng, kiềm chế bệnh tật, tăng cường thể chất (y tế), sự phát triển trí lực, khả năng tiếp nhận và thực hành nghề nghiệp (giáo dục và đào tạo), sự phát triển lành mạnh về tinh thần (tiếp thu và hưởng thụ nền văn hóa, công nghệ thông tin và các dịch vụ xã hội), ý thức công dân, sự tuân thủ pháp luật và sự hòa nhập quốc tế…
Trong hơn 30 năm đổi mới, Lạng Sơn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm nghèo bền vững, phát triển các dịch vụ xã hội như: y tế, văn hóa giáo dục, dạy nghề, công nghệ thông tin… Đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, trợ giúp người nghèo, cận nghèo để họ có thể vươn lên thụ hưởng các dịch vụ cơ bản. Nhiều chương trình, dự án đã được hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận có hiệu quả để giảm nghèo bền vững. Việc giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều đã tính đến yếu tố phát triển toàn diện. Giờ đây, người dân không chỉ nghĩ đến ăn no, mặc ấm mà nhu cầu của họ là ăn ngon, mặc đẹp, được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản của xã hội, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, viễn thông và các dịch vụ khác với chất lượng cao hơn.
Ngược lại, chính sự phát triển của dịch vụ xã hội gắn với nhu cầu ngày càng cao của người dân đã có tác dụng chuyển hướng tư tưởng của các cặp vợ chồng trong việc quyết định công tác KHHGĐ. Một sự thật hiển nhiên là nếu chỉ sinh 2 con thì gia đình có kinh tế khá giả, có điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con tốt; gia đình được thụ hưởng dịch vụ xã hội chất lượng cao để phát triển toàn diện.
Nâng cao chất lượng nòi giống ngay từ “gốc”, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển và tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng dịch vụ xã hội là 2 nhóm giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng dân số. Trong những năm qua, chất lượng dân số Lạng Sơn từng bước được nâng lên đã minh chứng sự đúng đắn của hai nhóm giải pháp này.
MINH HỒNG
Ý kiến ()