Các đơn vị thành viên EVNCPC triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số
Các đơn vị thành viên của EVNCPC đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chuyển đổi số nhằm hiện đại hóa, tạo sự công khai, minh bạch giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ về điện, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khách hàng.
PC Quảng Bình: Chuyển đổi số nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
PC Quảng Bình đã triển khai nhiều kênh tiếp nhận để khách hàng dễ dàng đưa các yêu cầu của mình đến với Điện lực, cải tiến trình tự, thủ tục hành chính nội bộ, nâng cao tính công khai minh bạch trong việc giải quyết các thủ tục của ngành điện.
Trong đó, công ty chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc cơ chế “Một cửa liên thông”, nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn hoặc buộc khách hàng phải đi lại nhiều lần; tập trung tuyên truyền phổ biến giới thiệu các kênh tiếp nhận trực tuyến trên môi trường mạng như website CSKH của Tổng công ty Điện lực miền Trung “cskh.cpc.vn”, Cổng dịch vụ công Quốc gia “dichvucong.gov.vn”, Cổng dịch vụ công của tỉnh “dichvucong.quangbinh.gov.vn”, App trên điện thoại thông minh “EVNCPC CSKH”, Zalo “TCT Điện lực miền Trung- EVNCPC” … hoặc qua Tổng đài chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung 19001909.
Đặc biệt, với việc triển khai giao dịch theo phương thức điện tử, hồ sơ kết quả giải quyết cho khách hàng không cần phải trực tiếp ký tay mà khách hàng chỉ cần gián tiếp ký số bằng chứng thư số (USB Token) hoặc mã OTP (One Time Password) gửi về điện thoại của mình.
Theo thống kê, 10 tháng đầu năm 2022, PC Quảng Bình đã tiếp nhận và giải quyết 47.790 phiếu yêu cầu của khách hàng thông qua các kênh trực tuyến hoặc tổng đài 19001909. Tất cả đều được công ty giải đáp nhanh chóng kịp thời đem đến sự hài lòng cho khách hàng.
Các yêu cầu kiến nghị về hóa đơn tăng/giảm, ghi chỉ số công tơ, yêu cầu kiểm tra thiết bị đo đếm, kiến nghị về mất điện và chất lượng điện năng … giảm hẳn so với cùng kỳ, tỷ lệ khách hàng hài lòng các dịch vụ điện đạt 99,24%, tăng 0,19% so với cùng kỳ năm 2021. Qua đó thấy được chất lượng cung cấp dịch vụ điện ngày càng được nâng cao đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng sử dụng điện.
PC Bình Ðịnh: Tự động hóa hệ thống quản lý, điều hành mạng lưới điện
Trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực năng lượng, PC Bình Ðịnh tập trung tối ưu hóa và tự động hóa hệ thống quản lý, điều hành mạng lưới điện, đảm bảo cung ứng điện đạt hiệu suất tốt nhất.
Theo đó, thời gian qua, PC Bình Định chú trọng cải tiến và hiện đại hóa hệ thống quản lý, lưới điện, tích cực ứng dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, như: Hệ thống quản lý thu thập dữ liệu, giám sát và điều khiển từ xa SCADA; trạm biến áp (TBA) 110 kV vận hành không người trực; hệ thống thu thập thông tin chỉ số từ xa RF-Spider; sửa chữa điện nóng (hotline); đưa toàn bộ 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Ông Thái Minh Châu, Giám đốc PC Bình Định cho biết, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản trị, kinh doanh điện năng đã góp phần giúp PC Bình Định giảm tối đa nhân lực vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận hành hệ thống, tăng độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo vận hành lưới điện an toàn.
Việc sử dụng hệ thống SCADA để thao tác đóng cắt từ trung tâm điều khiển các đường dây, TBA, thực hiện cấp điện trở lại cho khách hàng nhanh hơn, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra sự cố, gây mất an toàn.
Theo thống kê của PC Bình Định, đến nay, 9/9 Điện lực của đơn vị đã hoàn thành 100% việc lắp đặt công tơ điện tử được đo xa bằng hệ thống RF-Spider. Cả tỉnh có trên 468.182 khách hàng ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) với Công ty dưới 2 hình thức: Số hóa (dữ liệu, văn bản, thông tin, hình ảnh bản cứng trên giấy được chuyển thành dạng hình ảnh hoặc PDF để lưu trữ) và phương thức điện tử hóa. Gần đây, PC Bình Định đã cho chuyển 143.440 HĐMBĐ sinh hoạt số hóa sang hình thức hợp đồng điện tử (35%), dự kiến đến tháng 5/2023 sẽ hoàn thành 100%.
Cùng với đó, việc vận dụng mạng xã hội Zalo OA, trang web vào chăm sóc khách hàng giúp PC Bình Định phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi; cho phép khách hàng bất cứ lúc nào cũng có thể truy xuất dữ liệu về mức độ sử dụng điện của gia đình, biến động thanh toán và nhận những thông báo liên quan… Đặc biệt, toàn bộ yêu cầu sửa chữa của khách hàng được thực hiện đúng theo cam kết.
PC Thừa Thiên Huế: Chuyển đổi số trong báo cáo thông số điều độ hệ thống điện
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số đến giai đoạn 2021 – 2022, định hướng tập trung tối ưu hóa và tự động hóa hệ thống quản lý, giám sát thông số vận hành lưới điện, đảm bảo hiệu quả, giảm thời gian trong công tác báo cáo hằng ngày của Phòng Điều độ, PC Thừa Thiên Huế đã xây dựng giải pháp Hệ thống báo cáo thông số vận hành với nguồn dữ liệu đa dạng nhằm xây dựng tự động các báo cáo đến Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Trung (A3), EVNCPC và PC Thừa Thiên Huế.
Từ tháng 2/2022, Phòng Công nghệ thông tin đã phối hợp với Phòng Điều độ PC Thừa Thiên Huế cùng tìm hiểu các luồng nhập dữ liệu trong công tác báo cáo, giúp xây dựng mô hình nguồn dữ liệu đầu vào được đầy đủ và chính xác nhất.
Các hệ thống thu thập dữ liệu từ hệ thống Cơ sở dữ liệu EVNCPC được kiểm tra cẩn thận, với tần suất truy vấn dữ liệu vừa phải, tránh ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc của hệ thống máy chủ EVNCPC.
Các dữ liệu từ SCADA cần tuân thủ an toàn thông tin theo duy định đảm bảo an toàn thông tin trong EVN, trong đó yêu cầu phân tách riêng biệt giữa 2 hệ thống OT và IT, trao đổi dữ liệu cần thông qua một Datadiode 01 chiều để đảm bảo an toàn thông tin cho từng hệ thống.
Sau 8 tháng nghiên cứu xây dựng và thử nghiệm song song với nền tảng báo cáo hiện tại, hệ thống báo cáo tự động trên nền tảng Website nội bộ của công ty đã được đưa vào vận hành chính thức tại Phòng Điều độ – PC Thừa Thiên Huế với nhiều chức năng mở rộng như tự động xây dựng và gửi các báo cáo đến các Trung tâm A0, A3, EVNCPC và PC Thừa Thiên Huế.
Ngoài các nguồn dữ liệu tự động từ hệ thống như DSPM, OMS2, SCADA… các báo cáo ngày cũng cần nguồn dữ liệu thủ công từ các điều độ viên như Quản lý công tác sự cố trung áp, quản lý các công tác trên lưới, tình hình vận hành ngày (thời tiết, nhiệt độ…).
Với lợi thế là chương trình phần mềm tự phát triển của đơn vị, hệ thống luôn tiếp nhận kịp thời các góp ý về chức năng và các sự cố hoạt động của hệ thống khi sử dụng của các người dùng để kịp thời hiệu chỉnh xử lý lỗi phát sinh nhằm đảm bảo hệ thống vận hành liên tục và ổn định.
Đây là một giải pháp phục vụ các công tác giám sát thông số, giúp lãnh đạo công ty có thể giám sát dữ liệu thời gian thực, đồng thời các báo cáo luôn tự động cập nhật dữ liệu để điền vào các dữ liệu khuyết giúp các lãnh đạo có phương án xử lý kịp thời, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong công tác sản xuất kinh doanh của công ty.
Ý kiến ()