Các doanh nghiệp cùng vào cuộc
Qua ba năm (2010 - 2013) triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), sản xuất nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân Nam Ðịnh tiếp tục được cải thiện. Trong đó có sự đồng hành của các doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất, kinh doanh về địa bàn nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bố trí lại cơ cấu lao động, tích tụ ruộng đất và tiêu thụ nông sản.
Qua ba năm (2010 – 2013) triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), sản xuất nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân Nam Ðịnh tiếp tục được cải thiện. Trong đó có sự đồng hành của các doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất, kinh doanh về địa bàn nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bố trí lại cơ cấu lao động, tích tụ ruộng đất và tiêu thụ nông sản.
Trước hết phải kể đến Tổng công ty CP dệt Nam Ðịnh (NATEXCO) mở năm nhà máy may ở bốn huyện Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh và Vụ Bản, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần hai nghìn lao động tại các địa phương. Trong số đó Nhà máy may Bình Minh (xã Bình Minh, huyện Nam Trực) có quy mô lớn nhất với 20 dây chuyền sản xuất, hơn 500 lao động. Là một trong năm xã được thụ hưởng chủ trương “đưa công nghiệp dệt may về nông thôn” của NATEXCO, Chủ tịch UBND xã Yên Tân, huyện Ý Yên Nguyễn Văn Tín cho rằng, đây là điểm nhấn để xã thuần nông Yên Tân XDNTM thành công. Tổng Giám đốc NATEXCO Ngô Quốc Nam thì cho rằng, thực hiện chủ trương này cả hai bên đều có lợi. Các doanh nghiệp sẽ giảm sức ép về lao động, giữ vững nhịp độ sản xuất, kinh doanh của toàn đơn vị và ổn định cuộc sống người lao động trong điều kiện kinh tế chung có nhiều khó khăn. Về phía các địa phương, đây là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân bố lại lao động từ thuần nông sang công nghiệp; giải quyết lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho nông dân. Thực tế cho thấy, các xã Hải Ðường, Hải Trung (huyện Hải Hậu), Xuân Kiên (huyện Xuân Trường), Nam Hồng (huyện Nam Trực)… có doanh nghiệp về đầu tư đều nằm ở tốp đầu trong XDNTM đạt từ 15 đến 16 tiêu chí. Trong đó các tiêu chí thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ cấu lao động, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm.
Các doanh nghiệp thuộc ngành nông nghiệp cùng Sở NN – PTNT Nam Ðịnh và chính quyền cơ sở xây dựng các mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp nông dân về giống, vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó doanh nghiệp Cường Tân (Trực Hùng, Trực Ninh) hoạt động khá hiệu quả theo hướng thuê đất canh tác của nông dân theo thỏa thuận, cải tạo đồng ruộng và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đủ điều kiện cho sản xuất lớn mang tính công nghiệp. Sau đó, công ty sẽ giao lại đất cho nông dân sản xuất giống lúa lai, bao tiêu toàn bộ sản phẩm và bảo hành khi gặp rủi ro. Doanh nghiệp còn ứng hàng tỷ đồng cho các hộ nông dân mua máy móc, vật tư nông nghiệp tạo điều kiện cho họ có thể nhận thâm canh trên những cánh đồng mẫu lớn (CÐML) rộng từ năm đến bảy ha. Cường Tân đã thuê được 210 ha đất ở Trực Hùng và các xã chung quanh để sản xuất giống, theo mô hình CÐML rộng từ 15 đến 44 ha mỗi vùng.
Hiện có hơn 100 doanh nghiệp đầu tư khoảng 700 tỷ đồng (chiếm 14,3% tổng nguồn vốn XDNTM) để xây dựng nhà xưởng, gắn bó lâu dài với địa bàn nông thôn, với các ngành nghề dệt may, làm giày xuất khẩu, mây tre đan xuất khẩu và sản xuất nông sản hàng hóa. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn đều có sự chuẩn bị chu đáo từ xây dựng nhà xưởng đến dạy nghề, tạo điều kiện cho người lao động làm quen với tác phong công nghiệp. Ngoài việc đào tạo nghề cho công nhân tại chỗ, NATEXCO còn điều động những cán bộ quản lý có kinh nghiệm và công nhân giỏi về làm nòng cốt cho các nhà máy may ở khu vực nông thôn. Công ty giày da xuất khẩu Hồng Việt ở thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường thì tổ chức dạy nghề cho người lao động theo cách “cầm tay chỉ việc”. Sau ba tháng học việc, cả 600 lao động chủ yếu là thanh niên địa phương được nhận vào làm việc với mức thu nhập 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, trong quá trình đưa công nghiệp về nông thôn ở Nam Ðịnh cũng đang gặp một số khó khăn cần khắc phục như quy hoạch cho đất sản xuất công nghiệp ở một số địa phương chưa rõ; hệ thống giao thông nông thôn mới chỉ đáp ứng nhu cầu dân sinh, cho nên gây trở ngại cho các doanh nghiệp vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Hệ thống lưới điện và việc cấp điện cho khu vực nông thôn thiếu ổn định. Chất lượng nguồn lao động thấp cả trình độ tay nghề lẫn ý thức làm việc. Công nhân chưa có tác phong làm việc công nghiệp, nghỉ việc tùy tiện, làm cho các doanh nghiệp bị ngưng trệ sản xuất, nhất là vào kỳ nông vụ.
Từ thực tế nêu trên, tỉnh Nam Ðịnh xác định, trong năm 2013 và những năm tiếp theo, cần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện nhiệm vụ XDNTM gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất vụ đông; mở rộng mô hình CÐML, phấn đấu mỗi xã có một mô hình CÐML phù hợp với thực tế địa phương, tập quán canh tác của nông dân; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào địa bàn nông thôn cùng nông dân XDNTM; hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa trên địa bàn toàn tỉnh. Ðồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong XDNTM, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình quốc gia có ý nghĩa quan trọng này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()