Các DN công nghệ sẽ giúp tăng nhanh tốc độ phát triển kinh tế
Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh trong 20 năm qua, nhưng về “chất lượng phát triển” như Hàn Quốc thì có thể phải kéo dài thêm nhiều năm nữa. Tuy nhiên, nhờ doanh nghiệp công nghệ, Việt Nam có thể làm được sớm hơn nhiều.
Diễn đàn quốc gia phát triển Dn công nghệ có 1.000 đại biểu tham dự. |
Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 9/5, ông Nguyễn Xuân Thành (trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright) cho rằng, một số quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ chỉ đi trước Việt Nam một thời gian ngắn nhưng đã sớm trở thành cường quốc về công nghệ của thế giới. Hàn Quốc cũng từ một quốc gia nhập khẩu công nghệ và giờ trở thành quốc gia công nghệ hàng đầu. Ngoài Singapore, Indonesia thì Việt Nam cũng là đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp khởi nghiệp nhờ chính sách ưu tiên của Chính phủ.
Trong 10 năm qua, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam về giá trị đã chiếm trên 15% GDP và gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế. Trên thế giới, các doanh nghiệp công nghệ cũng đã góp phần giúp các nước gia tăng đáng kể tốc độ phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, hiện số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ có giá trị trên 1 tỷ USD ở châu Á mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, điều này đặt ra yêu cầu cho các quốc gia là cần có chính sách phù hợp hơn, ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Be cho biết, Be Group ra đời theo đuổi tư duy bền vững nhằm xây dựng hệ sinh thái số. Đây là công ty sở hữu ứng dụng vận tải, sau 5 tháng triển khai kế hoạch, công ty đã đạt được nhiều thành quả như hoàn thành 10 triệu chuyến xe.
Theo ông Trần Thanh Hải, các doanh nghiệp công nghệ muốn phát triển nên tập trung đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chiều sâu, tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Ví dụ điển hình là mạng xã hội và các nền tảng chia sẻ nội dung số mà chúng ta sử dụng hoàn toàn là của nước ngoài, dữ liệu lưu trữ ở nước ngoài. Trong khi đó, ở thời đại 4.0, dữ liệu là tài nguyên quốc gia. Các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư chất xám, xây dựng hệ sinh thái công nghệ Việt.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC cũng chia sẻ tại Diễn đàn, xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 là hệ thống nền tảng và kinh doanh nền tảng ra đời. Thách thức của doanh nghiệp là năng suất, trí tuệ, tốc độ, kết nối và cung cấp công nghệ mọi lúc mọi nơi. Với bất kỳ doanh nghiệp nào, việc kết nối là yếu tố quan trọng trong kỷ nguyên số. Các quốc gia như Hàn Quốc thành công vì đã chiếm lĩnh được công nghệ.
Theo ông Phạm Hải Văn, Giám đốc miền Bắc Công ty Haravan, mỗi doanh nghiệp khi đưa các mảng kinh doanh lên thị trường trực tuyến đều tạo ra thay đổi tích cực. Hệ thống online giải quyết được bài toán làm việc của hơn 100 cửa hàng một cách nhanh chóng, thay vì phải tốn nhiều chi phí, nhân lực.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick cũng cho biết, 3 đối tượng thụ hưởng chính trong nền kinh tế số là công dân, doanh nghiệp và Chính phủ. Khảo sát về tính sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0, đại diện ADB tại Việt Nam chỉ ra, Việt Nam còn khá non trẻ với mức xếp hạng 4,9, đứng sau nhiều nước như Indonesia, Idia, Thailand, Singapore… Tuy nhiên, điểm đáng mừng là Việt Nam đang có sự chuyển dịch, hướng đến nhóm các nước trong nhóm sẵn sàng đón đầu kinh tế số.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ cùng các Bộ liên quan sẽ sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. Đầu tiên và then chốt nhất là hoàn thiện nền kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo. Sau đó là hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng cũng đồng ý với chủ trương thí điểm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ sáng tạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()