Các điểm du lịch chuẩn bị đón khách kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay kéo dài bốn ngày, nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao. Đến thời điểm này, hầu hết khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở nhiều địa phương đã được khách đặt kín phòng. Chính quyền tại các địa bàn trọng điểm về du lịch triển khai các phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ các điểm đến, tránh xảy ra tình trạng “chặt chém”, ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự.
Vẻ đẹp của hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh MAI VĂN BẢO) |
Tháng 9 là thời điểm bắt đầu vào mùa cao điểm du lịch của các tỉnh miền núi phía bắc nước ta. Đến các tỉnh vùng cao mùa này du khách không những được tận hưởng thời tiết đẹp nhất trong năm, không khí trong lành, mát mẻ, mà còn được ngắm những vạt lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang, những cánh đồng hoa tam giác mạch trên những sườn núi đá tai mèo.
Nhiều lễ hội hấp dẫn
Những ngày này, các địa phương trong tỉnh Yên Bái chỉnh trang làm đẹp cảnh quan đô thị, chuẩn bị cho lễ đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO cho “Nghệ thuật Xòe Thái”; khai mạc Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Mùa lúa chín vàng trên các thửa ruộng bậc thang ở Sa Pa thu hút du khách dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay. (Ảnh QUỐC HỒNG) |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải Lương Thị Xuyến cho biết, lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải diễn ra từ kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đến hết năm 2022, có nhiều hoạt động trải nghiệm gắn với các hoạt động canh tác nông nghiệp của đồng bào H’Mông như: thi chọi dê; thi gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi; trải nghiệm bắt cá ruộng; thi vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong; thi giã bánh dày; lễ mừng cơm mới; tổ chức Festival khèn H’Mông; thi đánh quay của người H’Mông…, cùng dịch vụ dù lượn “Bay trên mùa vàng”; khám phá danh thắng bằng máy bay trực thăng.
Ngoài ra, có tua du lịch trải nghiệm “Hành trình săn mây” đưa du khách chinh phục đỉnh Lùng Cúng, đèo Khau Phạ và thưởng thức lễ hội hoa Tớ dày… Cũng trong dịp này, huyện Yên Bình tổ chức giải đua thuyền nan “Âm vang hồ Thác Bà”; huyện Văn Chấn tổ chức “Đêm tiệc trà Suối Giàng” và lễ hội Cốm Tú Lệ nhằm quảng bá các sản phẩm đặc trưng vùng Tây Bắc đến với du khách trong nước và quốc tế.
Trong bốn ngày nghỉ lễ Quốc khánh, dự kiến tỉnh Hà Giang đón khoảng 50 nghìn lượt khách du lịch. Hiện tại, các khách sạn, cơ sở lưu trú tại hai vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Hà Giang là bốn huyện vùng cao phía bắc thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và hai huyện phía tây vùng di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được khách đặt kín phòng.
Anh Triệu Mềnh Kinh, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Làng văn hóa du lịch có sáu khu bungalow và 12 nhà sàn homestay với sức chứa khoảng 200 du khách đã được khách đặt hết từ hơn một tháng nay”.
Trong dịp này, tại thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê diễn ra ngày hội “Tết Độc lập”- lễ hội truyền thống của người dân tộc Tày. Còn tại huyện Hoàng Su Phì, từ ngày 2/9 diễn ra nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống với nhiều trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Lô Lô… Trong đó điểm nhấn là lễ hội văn hóa dân tộc H’Mông tại xã Tả Sử Choóng.
Cũng trong dịp này, thị xã Sa Pa (Lào Cai) tổ chức lễ hội “Sa Pa – Mùa vàng”, trong đó có chương trình khám phá, trải nghiệm Di tích danh thắng Ruộng bậc thang tại các xã Hoàng Liên, Tả Van, Mường Hoa.
Tại đây, du khách vừa khám phá tuyến đi bộ đẹp nhất Sa Pa, đó là: Vi Ô Lét Cầu Mây-Hoàng Liên Tả Van – Mường Hoa; vừa trải nghiệm nét văn hóa truyền thống dân tộc H’Mông tại làng nghề, tham quan thác ngựa bay, rừng trúc và rừng hạt dẻ…, tham dự hội cơm mới và các món ẩm thực đặc sắc của dân tộc Giáy ở điểm du lịch cộng đồng Tả Van.
Theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Sa Pa, ước tính thị xã sẽ đón từ 80.000-90.000 lượt khách trong kỳ nghỉ lễ tới. Đến thời điểm này, 95% phòng nghỉ tại các khách sạn, nhà nghỉ ở Sa Pa đã kín chỗ. Các đơn vị lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các tua du lịch dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đã kín chỗ, các tua du lịch trong nước chỉ còn mở bán tua Hà Nội-Sa Pa-Fansipan-Cổng trời Ô Quy Hồ.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho biết, công ty có khoảng 10.000 lượt khách du lịch dịp lễ Quốc khánh.
Bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm du lịch
Để bảo đảm môi trường du lịch thân thiện, an toàn, chính quyền thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đang ra quân chấn chỉnh tình trạng người dân đeo bám khách để bán hàng rong và đỗ xe trái phép dưới lòng đường, vỉa hè.
Thị xã tuyên truyền bằng hệ thống loa gắn trên xe ô-tô di chuyển trên các tuyến phố chính vùng lõi của thị xã bốn lần/ngày, bằng cả tiếng Việt và tiếng H’Mông; lập Tổ công tác rà soát, xác định danh tính các đối tượng thường xuyên lang thang, bán hàng rong, đeo bám khách, lập biên bản xử lý các trường hợp cố tình vi phạm để bàn giao cho các xã quản lý.
Trường hợp trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa thì đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lào Cai. Đối với vi phạm về trật tự đô thị và lòng đường, hè phố, Công an thị xã tập trung quyết liệt vào hai phường thuộc vùng “lõi” đô thị Sa Pa, là phường Sa Pa và phường Hàm Rồng. Thị xã tổ chức lại giao thông đô thị bằng cách kẻ vạch, tạo 744 chỗ đỗ xe tại 15 tuyến đường ngang; xây dựng 5 bãi đỗ xe ô-tô với tổng số hơn 860 chỗ; bố trí 8 bãi đỗ xe không thường xuyên tại các sân bãi trường học, cơ quan, đơn vị của thị xã…
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân đón khách văn minh, lịch sự; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, khách sạn, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Tại một số điểm du lịch dự báo số lượng khách tăng cao dẫn đến quá tải dịch vụ lưu trú, chính quyền địa phương đã vận động các gia đình có nhà diện tích rộng mua sắm vật dụng cần thiết để làm dịch vụ homestay phục vụ du khách.
Không đông khách như các điểm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại các tỉnh miền núi phía bắc, song các trung tâm du lịch lớn như Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng đón lượng khách tăng đột biến vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Thống kê đến ngày 29/8, mới có hơn 50% số phòng lưu trú tại Đà Lạt được khách đặt cho dịp 2/9.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt Trần Thị Vũ Loan cho biết, thành phố tăng cường vận động người dân, các cơ sở kinh doanh du lịch-dịch vụ thực hiện tốt quy tắc “Ứng xử văn hóa người Đà Lạt – hiền hòa, thanh lịch, mến khách”; tổ chức các đoàn kiểm tra về chất lượng, niêm yết giá, công tác bảo đảm phòng chống dịch; kịp thời xử lý các phản ánh của du khách.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật các điểm đến, các lựa chọn tin cậy cho du khách trên ứng dụng “Du lịch Đà Lạt” qua điện thoại thông minh. Thành phố đã chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã, phường, tổ công tác liên ngành bảo đảm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường khu vực trung tâm thành phố và các khu, điểm du lịch; kiên quyết xử lý các sai phạm. Ngành công an đã lên phương án chống ùn tắc giao thông; tăng cường quân số túc trực, phối hợp lực lượng chức năng để xử lý các tình huống trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Tại thành phố biển Vũng Tàu, mới có từ 50% đến 60% số phòng tại các khách sạn từ 3 sao trở lên được khách đặt trước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu Hoàng Vũ Thảnh cho biết, thành phố đã xây dựng phương án phân luồng xe, bố trí bãi đậu xe để tránh ùn tắc tại các điểm du lịch thường tập trung đông du khách, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, bán đúng giá quy định.
Thành phố cũng đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh du lịch, tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của du khách về tình trạng “chặt chém”, quảng cáo không đúng so với thực tế, lừa dối khách hàng…, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Vũng Tàu.
Ý kiến ()