Các địa phương ven biển từ Ðà Nẵng đến Kiên Giang ứng phó áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 2-1, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,3 độ vĩ bắc; 119,1 độ kinh đông, ngay trên bờ biển miền Trung đảo Pa-la-oan (Phi-li-pin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (từ 50 - 60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ sau đó, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 30km và vào Biển Ðông sau đó có khả năng mạnh lên thành bão. Ðến 7 giờ ngày 3-1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,1 độ vĩ bắc; 115,4 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 180km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 ( từ 60 – 75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 đến 30km. Ðến 19 giờ ngày 3-1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,7 độ vĩ bắc; 112,3 độ kinh đông, cách đảo Phú Quý khoảng 360km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 60 – 75km/giờ), giật cấp 10.
Từ hôm nay 3-1 đến 4-1, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và sông Sài Gòn tiếp tục lên theo triều và đạt đỉnh. Mực nước tại các trạm chính hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 1 – báo động 2, có trạm trên báo động 2, trên sông Sài Gòn tại Phú An có khả năng lên trên báo động 3 từ 0,1 đến 0,2 m. Ðến ngày 6-1, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,9 m; tại Châu Ðốc ở mức 1,95 m. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, sạt lở đê bao vùng ven sông triều cường gây ngập lụt sâu ở các vùng trũng thấp thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long.
* Ngày 2-1, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai ( PCTT) – Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã ban hành Công điện số 01 gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Ðà Nẵng đến Kiên Giang và các đơn vị có liên quan ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) có thể mạnh lên thành bão. Theo đó, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành liên quan phải thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của ATNÐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…
* Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, hiện nay ở khu vực Bắc Trung Bộ các hồ chứa có cửa van đạt bình quân 85 đến 95% dung tích thiết kế, hồ chứa có tràn tự do cơ bản đã đầy hoặc xấp xỉ dung tích thiết kế. Khu vực Nam Trung Bộ, các hồ chứa có cửa van đạt bình quân 85 đến 95% dung tích thiết kế, hồ chứa có tràn tự do cơ bản đã tích đầy hoặc xấp xỉ dung tích thiết kế. Khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ hầu hết các hồ chứa đã đầy nước hoặc xấp xỉ đầy nước.
* Tại Lào Cai, từ hôm nay 3-1, hầu hết các địa phương trong tỉnh có mưa, mưa nhỏ đều khắp. Ðợt mưa này kéo dài khoảng hai đến ba ngày, lượng mưa phổ biến các khu vực từ 5 đến 15mm, vùng cao có nơi mưa hơn 15mm. Tiết trời chuyển lạnh rét thêm, vùng núi rét đậm, vùng núi cao rét hại. Người dân cần chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm.
* Huyện Quang Bình (Hà Giang) đang tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các địa phương thực hiện những biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn; đồng thời thực hiện kế hoạch tiêm phòng định kỳ; tích cực tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện chăn thả gia súc, gia cầm trong những ngày gió rét…
* Ngày 2-1, tại thôn Rooc Mẹt, xã Ðăk Nhoong, huyện Ðác Glei (Kon Tum) có thêm một con trâu bị mắc bệnh lở mồm long móng mới, nâng tổng số con trâu, bò bị bệnh của huyện là 26 con… Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum đã tổ chức kiểm tra, xác minh tình hình dịch bệnh. Ðồng thời, hướng dẫn Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ðác Glei và Ia H’Drai thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, phòng chống dịch theo quy định.
* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, năm 2018, tỉnh tăng diện tích nuôi thủy sản lên gần 9.200 ha (tăng 200 ha so với năm 2017), với tổng sản lượng là 42.550 tấn. Ðể đạt kết quả đề ra, tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý nuôi thủy sản thương phẩm. Ðồng thời, kịp thời đầu tư lưới điện phục vụ nuôi thủy sản; đầu tư mới, nạo vét hệ thống thủy lợi; quản lý giống thủy sản, kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh giống, chất lượng giống thủy sản…
* Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2018 tỉnh Bắc Giang phấn đấu đạt tổng diện tích nuôi thủy sản 12.400 ha, với sản lượng đạt 43 nghìn tấn. Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về nuôi thủy sản thâm canh và bán thâm canh. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế về diện tích mặt nước sẵn có để phát triển chăn nuôi thủy sản, tận dụng các loại hình thủy vực như ruộng trũng, mặt nước lớn để nuôi thủy sản, khắc phục dần tình trạng thả cá quảng canh cho năng suất thấp ở một số hộ nông dân…
Theo Nhandan
Ý kiến ()