Các địa phương trồng, chăm sóc và phòng, chống cháy rừng
Theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay một số khu vực ở các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Thuận nhiều ngày không mưa, nắng nóng, thời tiết khô hanh nên có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Ngoài ra, ở các huyện Con Cuông, Anh Sơn (Nghệ An) có nguy cơ cháy rừng ở cấp 4 (cấp nguy hiểm). Vì vậy, các địa phương cần thực hiện ngay biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định. |
* Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có tổng diện tích rừng là 680.350 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 455.522 ha. Tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức; tổ chức, hướng dẫn người dân ký cam kết bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng; không đốt thực bì trong những ngày nhiệt độ cao. * Tại tỉnh Khánh Hòa, nắng gắt, khô hạn đang diễn ra nhiều nơi, nguy cơ cháy rừng xảy ra rất cao. Tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng, chủ rừng thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết để chủ động phòng, chống cháy rừng; cử cán bộ trực 24 giờ trong ngày đối với những nơi có khả năng cao xảy ra cháy rừng. * Vừa qua, tỉnh Bình Thuận triển khai đợt thử nghiệm đầu tiên sử dụng máy bay không người lái để quản lý rừng. Nhờ có thể trinh sát cả ban ngày lẫn ban đêm nên thiết bị rất hữu ích. Qua đó, các vụ phá rừng, cháy rừng nhanh chóng được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. * Toàn tỉnh Long An hiện có hơn 24 nghìn ha rừng. Ngành kiểm lâm tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cháy cao; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống cháy rừng. * Ðến nay, tỉnh Thái Nguyên đã trồng mới được 530 ha rừng theo kế hoạch năm 2018. Các địa phương đang tiếp tục chuẩn bị về cây giống, phân bón và tiến hành kiểm tra, nghiệm thu kết quả sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng đối với diện tích còn lại. * Tỉnh Thừa Thiên – Huế phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 57% với diện tích đất có rừng, đạt 293.240 ha. Ðể đạt được mục tiêu trên, tỉnh tiến hành cơ cấu lại các loại rừng theo hướng củng cố diện tích rừng đặc dụng hiện có, rừng phòng hộ ở những nơi xung yếu, đầu nguồn và rừng phòng hộ chắn sóng, chắn gió cát ven biển, đầm phá. * Ðến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng, những đơn vị đăng ký trồng rừng mới đạt 18% diện tích cần phải trồng thay thế trong năm 2018. Ðể tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương làm việc với các chủ rừng và các địa phương để rà soát quỹ đất, hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch trồng rừng năm 2018; không để kinh phí trồng rừng thay thế tồn quỹ. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()