Các địa phương tổ chức Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Ngày 5/11, Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận đã tổ chức Đại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981-7/11/2011). Đại diện lãnh đạo tỉnh đã đến thăm, chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận nhân dịp đại lễ kỷ niệm. Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã đánh giá cao những đóng góp của Giáo hội vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và mong muốn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Bình Thuận cùng tăng ni, phật tử thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên phát huy tinh thần “phụng đạo yêu nước” và “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật" đúng với phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”. Hiện tỉnh Bình Thuận có có 574 Tăng Ni và 241 ngôi chùa ở tất cả 10 huyện, thị xã, thành phố. Trong 30 năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận cùng các tổ chức xã hội, từ thiện nhân đạo đã vận động tăng...
Ngày 5/11, Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận đã tổ chức Đại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981-7/11/2011). Đại diện lãnh đạo tỉnh đã đến thăm, chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận nhân dịp đại lễ kỷ niệm.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã đánh giá cao những đóng góp của Giáo hội vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và mong muốn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Bình Thuận cùng tăng ni, phật tử thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên phát huy tinh thần “phụng đạo yêu nước” và “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật” đúng với phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”.
Hiện tỉnh Bình Thuận có có 574 Tăng Ni và 241 ngôi chùa ở tất cả 10 huyện, thị xã, thành phố. Trong 30 năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận cùng các tổ chức xã hội, từ thiện nhân đạo đã vận động tăng ni, phật tử, các nhà hảo tâm trên địa bàn đóng góp hỗ trợ người nghèo, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, người già neo đơn, gia đình thương binh, liệt sĩ, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa… với kinh phí ước tính gần 40 tỷ đồng.
* Ngày 05/11 tại Chùa Pháp Lâm, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Đà Nẵng đã tổ chức kỷ niệm và Hội thảo 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam với sự tham dự của Chư Hoà Thượng- Chư Thượng tọa, quý Ni trưởng, Ni sư, quý Đại đức, Tăng, Ni và đồng bào Phật tử…
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chúc mừng những thành quả mà Giáo hội phật giáo nói chung và thành Hội Phật giáo Đà Nẵng nói riêng đã đạt được trong 30 năm qua và khẳng định; thành phố Đà Nẵng có được những thành quả tốt đẹp ngày hôm nay một phần lớn là nhờ vào sự ủng hộ, sự chung tay, góp sức của quý vị chức sắc, quý Tăng, Ni và toàn thể đồng bào, đạo hữu Phật tử trên địa bàn thành phố…
* Tối 5/11, tại chùa Thanh Hà (Thành phố Thanh Hóa), Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành… cùng đông đảo Tăng ni, Phật tử. Được thành lập ngày 1/11/1984, Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa đã trải qua 5 kỳ đại hội với tinh thần đoàn kết hoà hợp của Tăng ni, Phật tử. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, thực hiện nghiêm các mục tiêu, tôn chỉ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra trong Hiến chương Giáo hội. Tổ chức của Phật giáo ngày càng được củng cố và phát triển, góp phần thực hiện sự nghiệp chung vì Đạo pháp và Dân tộc. Các Tăng ni, Phật tử và nhân dân trên địa bàn ngày càng gắn bó, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau chung sức xây dựng kinh tế, chính trị, an ninh – quốc phòng, văn hoá xã hội, đời sống nhân dân ở địa phương ngày càng ổn định và phát triển.
Hưởng ứng các phong trào do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, nhất là thông qua các phong trào “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến, chùa cảnh gương mẫu”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nhiều ngôi chùa được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, góp phần tạo cảnh quan, giữ gìn nét văn hóa dân tộc; các tăng ni, phật tử gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách về tín ngưỡng tôn giáo, góp phần phát huy truyền thống đoàn kết của Phật giáo Việt Nam, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt với tinh thần “Từ bi cứu khổ,” “Vô ngã vị tha”, “Ích đạo, lợi đời”, Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa đã tổ chức, phát động các tăng ni, phật tử tích cực tham gia hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện như đóng góp, ủng hộ xây dựng quỹ khuyến học; quỹ xóa đói, giảm nghèo; thăm hỏi động viên, tặng quà các gia đình chính sách, đồng bào bị thiên tai, xây nhà đại đoàn kết cho người khuyết tật, trẻ mồ côi trong và ngoài tỉnh… Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ni trưởng Thích Nữ Đàm Nhung – nguyên Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa- đã vinh dự được nhà nước tặng thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc vì có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc./.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()