Các địa phương tìm cách phát triển du lịch đêm
Chợ du lịch Lào Cai là mô hình chợ kiểu mới có 4 mặt giáp đường và nằm ở vị trí rất thuận lợi trên trục đường Nguyễn Huệ, thuộc phường Lào Cai (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai), điểm nối từ ga Lào Cai đến Cửa khẩu quốc tế Lào Cai… Khi đi vào hoạt động chợ sẽ trở thành khu phố thương mại và cũng là điểm trung chuyển cho du khách đến các địa danh du lịch ở Lào Cai như: Đền Thượng, đền Mẫu, Sa Pa và huyện Hà Khẩu của Trung Quốc…
Chợ được xây dựng với định hướng góp phần đưa hình ảnh du lịch Lào Cai lên một diện mạo mới. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm mua sắm trong không gian rộng lớn, hiện đại hay những nét độc đáo chợ phiên vùng cao với những sản vật riêng có. Tại khu chợ “không ngủ” hoạt động suốt 24/24h, khách tham quan còn được thỏa sức khám phá hàng loạt tiện ích vui chơi, giải trí, ẩm thực tại khu nhà hàng rộng lớn; khu hải sản tươi sống; quán cafe, karaoke, bar…
Song song với kiến trúc thiết kế bắt mắt, là chuỗi sự kiện chủ đề hàng tuần như Lễ hội đặc sản vùng miền, lễ hội trang phục bản địa, giao lưu văn hóa với bà con người dân tộc, các đêm nhạc hiện đại, trình diễn thời trang theo mùa…
Tại TPHCM, nối tiếp các phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện (Quận 1), phố ẩm thực Vĩnh Khánh (Quận 4), nhiều nơi khác như Quận 3, Quận 10… cũng lên kế hoạch mở phố đi bộ, phố ẩm thực trên địa bàn.
Phố đi bộ Bùi Viện hút khách du lịch. Ảnh internet |
Dự kiến, từ giữa tháng 12/2020, Quận 10 sẽ chính thức ra mắt phố đi bộ đêm khu vực Kỳ Đài Quang Trung (gần chợ Nguyễn Tri Phương, Phường 6, Quận 10). Theo UBND Quận 10, phố đi bộ đêm này có 49 gian hàng, hoạt động từ 18h đến 23h mỗi ngày. Nét khác biệt tạo sự hấp dẫn tại đây là người dân, du khách khi đến phố đi bộ này sẽ có cơ hội thưởng thức các món ăn phong phú và tham quan mua sắm các sản phẩm quà lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ…
Nhìn lại, có thể thấy những tác động tích cực từ hoạt động của phố đi bộ, phố ẩm thực thời gian qua. Cụ thể, từ tháng 8/2017, khi phố đi bộ Bùi Viện (Quận 1) hoạt động đến nay, kinh tế khu vực có bước phát triển. Lợi ích về tài sản, giá nhà đất, giá thuê mặt bằng của khu vực cũng tăng cao. Các cơ sở kinh doanh và người dân đã quan tâm đến chất lượng, phong cách phục vụ du khách. Lượng khách đến vui chơi và sử dụng các dịch vụ du lịch tại đây tăng thường xuyên…
Tại Ninh Bình, các đơn vị đang hoàn thiện sản phẩm du lịch “Bái Đính về đêm”, tham quan thú và động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Cúc Phương về đêm; tour khám phá văn minh người Việt cổ ở Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, ở động Thiên Hà thuộc huyện Nho Quan. Bên cạnh đó là các tour khai thác tuyến đường hành hương kết nối cố đô Hoa Lư – chùa Bái Đính – chùa Tam Chúc (Hà Nam) – Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); kết hợp khai thác nhiều sản phẩm du lịch về đêm như: Chợ đêm, phố ẩm thực đêm tại TP. Ninh Bình…
Từ tháng 12/2020, khu Du lịch văn hóa tâm linh chùa Bái Đính sẽ đưa vào phục vụ khách nghỉ đêm tại chùa Bái Đính; tổ chức các loại hình thiền như Thiền trầm tức ngồi thiền với trầm hương, Thiền hành – đi bộ xung quanh khu vực tượng La Hán kết hợp với kiểm soát hơi thở, Thiền Hoa đăng, tập yoga ở khu vực Chuông gió…góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm mới hấp dẫn du khách gần xa.
Tại Cao Bằng, với mong muốn kéo dài thêm thời gian lưu trú của du khách và có thêm sản phẩm du lịch về đêm, tỉnh đã đầu tư và đưa vào khai trương tuyến phố đi bộ Kim Đồng và Chợ ẩm thực từ tháng 10/2019, nhân dịp Kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng (1499 – 2019) để tạo thêm điểm vui chơi, giải trí, giao lưu văn hoá của nhân dân trong tỉnh và khách du lịch vào tối thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần (từ 18h30 – 23h đêm). Sau một thời gian hoạt động, phố đi bộ Kim Đồng đã trở thành điểm đến quen thuộc đối với du khách và người dân địa phương, thu hút trung bình từ 2.000-3.000 người mỗi đêm. Sản phẩm này đã góp phần thu hút nhiều hơn du khách đến với Cao Bằng.
Trong chiến lược phát triển du lịch, Cao Bằng đang định hướng cơ cấu lại sản phẩm du dịch, nâng cao chất lượng du lịch trên cơ sở nguồn tài nguyên du lịch sẵn có, khai thác, phát huy hiệu quả các di tích, di sản, đa dạng hóa các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, giải trí, nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm, hợp tác qua biên giới, phát triển du lịch cộng đồng, tổ chức tốt các dịch vụ về đêm nhằm thu hút chi tiêu của khách du lịch.
Đồng thời, tăng cường kêu gọi đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các khu di tích quốc gia đặc biệt, các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; chỉ đạo các địa phương quan tâm đầu tư phát triển hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí về đêm, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc Cao Bằng…
Theo các chuyên gia, du lịch đêm sẽ là giải pháp hữu hiệu để phát triển du lịch khi chúng ta đón đầu được xu hướng đi du lịch của các du khách quốc tế và tạo điều kiện để khách được thỏa mãn nhu cầu chi tiêu khi đi du lịch với nhiều sản phẩm dịch vụ. Mặc dù thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm đến xây dựng, phát triển các phố đi bộ ban đêm. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch hợp lý, nên hoạt động của một số mô hình chưa hiệu quả. Tại nhiều địa phương, những chương trình giải trí, văn hóa vào ban đêm cũng rất ít, nên không hấp dẫn du khách. Các nước mạnh về du lịch đều tập trung đầu tư thúc đẩy du lịch, kinh tế ban đêm phát triển. Do đó, chúng ta cần phải thay đổi nhận thức, quan điểm về việc phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm sao cho hiệu quả.
Ý kiến ()