Các địa phương tích cực phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi
Tập trung điều tra, kiểm kê và trồng rừng
*Chìm tàu cá trên biển, bốn ngư dân thiệt mạng và mất tích
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến vùng núi phía bắc và một số nơi ở khu đông bắc Bắc bộ. Các tỉnh miền bắc trời tiếp tục rét, vùng núi rét đậm, có nơi rét hại. Không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh bắc và Trung Trung Bộ. Từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế có mưa cả ngày với lượng mưa không lớn, dưới 10 mm, nhiệt độ từ 18 đến 190C. Nam Bộ đã qua những ngày nhiệt thấp nhất trong đợt lạnh lần này với mức nhiệt nhích lên 19 đến 220C. Trên biển, thời tiết xấu nên cần đề phòng gió mạnh và sóng cao 2 đến 4 m.
Theo Cục Kiểm lâm, các khu vực dưới đây đã nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Các khu vực ở cấp cực kỳ nguy hiểm: khu vực Bình Long, Bù Ðăng, Lộc Ninh, Phước Long, Ðồng Phú (Bình Phước); khu vực Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc (Ðồng Nai). Các khu vực sau ở cấp IV, cấp nguy hiểm: tỉnh Bình Thuận; Ðồng Nai; Gia Lai; Khánh Hòa; Kon Tum; Lâm Ðồng; Ninh Thuận. Ban Chỉ đạo T.Ư PCCCR yêu cầu các tỉnh và chủ rừng thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) có văn bản gửi 13 tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016. Ðó là các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Lâm Ðồng, Ðác Lắc, Ðác Nông, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Bộ yêu cầu các tỉnh cung cấp tài liệu, số liệu, bản đồ liên quan theo kế hoạch điều tra rừng từ nay đến tháng 7-2014. Năm 2014, tỉnh Quảng Ngãi sử dụng gần 30 tỷ đồng từ nguồn vay ODA do Nhật Bản tài trợ thông qua cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA 2) triển khai trồng mới 1.400 ha rừng phòng hộ đầu nguồn tại bốn huyện Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây và Ba Tơ. Tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trường đại học Nông lâm Huế vừa tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững cây cao-su ở Quảng Bình”. Các nhà khoa học nông nghiệp đã chỉ ra các hạn chế về cơ cấu bộ giống, kỹ thuật trồng và khai thác cây cao-su của địa phương. Trong năm nay, những hạn chế trên sẽ được địa phương xử lý và khắc phục.
Cục Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT) đề nghị các địa phương triển khai các biện pháp đẩy mạnh đầu tư tái đàn, khôi phục sản xuất sau Tết Nguyên đán. Các địa phương cần tập trung bố trí đủ con giống và thức ăn cho hoạt động sản xuất chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh về giống, thức ăn, thuốc thú y trên địa bàn nhằm hạn chế thấp nhất việc tăng giá trong thời điểm hiện nay và trong thời gian tới.
TP Hà Nội yêu cầu các ngành chức năng tăng cường giám sát, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Tăng cường kiểm soát tình hình dịch bệnh, triển khai các hoạt động phòng chống dịch lây lan sang người; chú trọng quản lý thị trường, thực hiện điều tra ngăn chặn và thực hiện bắt giữ gia cầm nhập lậu, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép… Trước đó, Bộ Y tế đã có Công điện số 106/CÐ-BYT gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm A (H7N9). Tỉnh Bình Ðịnh yêu cầu các huyện sử dụng 20 tấn hóa chất tiêu độc, khử trùng tổ chức xử lý môi trường ở những ổ dịch cũ và những nơi giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, những nơi có nguy cơ cao dễ xảy ra dịch bệnh. Nông dân ở các huyện: Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải và Cầu Kè (Trà Vinh) đang bị chuột đồng cắn phá gây thiệt hại nhiều diện tích lúa và hoa màu. Tại xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, có gần 200 ha lúa vụ đông xuân bị chuột cắn phá làm thiệt hại từ 15 đến 20% diện tích. Ngành chức năng khuyến cáo người dân sử dụng chó săn, đào hang, đặt bẫy… Tại tỉnh Ðồng Tháp, bệnh muỗi hành gây hại trên lúa đông xuân tại các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình… Ngành nông nghiệp đã hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc phòng trị như Regent 3G, Padan 4G hoặc là Pasudin 10H trộn với phân rải đều trên ruộng. Thời gian rải thuốc phòng bệnh hiệu quả nhất là lúa ở giai đoạn 18 đến 20 ngày tuổi. Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã hướng dẫn bà con tỉa dặm sớm, bón phân thúc cân đối, đúng thời kỳ. Trong điều kiện thời tiết lạnh nên giữ mực nước trên ruộng từ 3 đến 5 cm, bón thêm tro bếp, phân chuồng mục để chống rét cho lúa. Ðến nay, tỉnh Kiên Giang đã xuống giống được 305.490 ha vụ đông xuân 2013-2014. Trước khả năng dịch bệnh có thể xuất hiện trên lúa, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân các biện pháp xử lý thích hợp, hiệu quả, phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “bốn đúng”.
Số lượng tàu cá nhỏ ngư dân tỉnh Phú Yên đã giảm 1.119 chiếc. Việc ngư dân Phú Yên giảm tàu công suất nhỏ, chuyển sang đầu tư tàu công suất lớn một phần nhờ được hưởng chính sách hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Năm 2013, tỉnh hỗ trợ hơn 44 tỷ đồng và dự kiến năm 2014 tiếp tục hỗ trợ 9,5 tỷ đồng để ngư dân chuyển đổi tàu nhỏ sang tàu công suất lớn.
* Ðến 17 giờ ngày 18-1, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể ba ngư dân trong vụ chìm tàu tại cửa biển Thuận An (Thừa Thiên – Huế) vào sáng cùng ngày. Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, vào lúc 5 giờ sáng 18-1, tàu cá TTH-6629 do ông Hồ Hiền (43 tuổi), trú thôn Hải Tiến (thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế), chủ tàu, làm thuyền trưởng cùng bốn ngư dân: Phạm Thú (56 tuổi), Võ Văn Hoàng (50 tuổi), Phạm Tòa (42 tuổi) và Nguyễn Văn Hải (42 tuổi), đều trú ở thị trấn Thuận An đang trên đường vào bờ sau hai ngày đánh cá ngoài khơi, khi cách cửa biển Thuận An khoảng một km thì mắc cạn, gặp sóng lớn khiến tàu bị đánh chìm.
Nhận được tin báo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng hàng chục tàu cá của ngư dân tổ chức ứng cứu. Ðến 7 giờ 30 phút, lực lượng cứu hộ đã cứu được được ông Hồ Hiền vào bờ an toàn. Ðến 14 giờ cùng ngày, lực lượng biên phòng cùng các tàu của ngư dân đã phát hiện thi thể của ngư dân Nguyễn Văn Hải và Phạm Tòa trôi dạt vào bờ biển xã Hải Dương, thị xã Hương Trà. Còn thi thể của ông Võ Văn Hoàng (50 tuổi) được tìm thấy trong khoang tàu bị chìm. Lực lượng chức năng đã bàn giao thi thể ba ngư dân xấu số cho người thân lo mai táng. Riêng ngư dân Phạm Thú vẫn đang mất tích. Bộ đội Biên phòng đã kéo tàu vào bờ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu đã có mặt tại cửa biển Thuận An sau khi nhận tin báo để chỉ huy cứu hộ cứu nạn và hỗ trợ bước đầu năm triệu đồng cho mỗi gia đình nạn nhân.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()