Các địa phương tích cực chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018
TPHCM xây mới hơn 1.000 phòng học
Năm học 2017-2018, TPHCM có hơn 1,6 triệu học sinh đến trường, tăng hơn 59.000 học sinh so với năm học 2016-2017.
Để bảo đảm 100% trẻ trong các độ tuổi được đến trường, Thành phố đã chủ động đầu tư xây mới và đưa vào sử dụng 1.479 phòng học; đồng thời có kế hoạch dự kiến tuyển dụng thêm hơn 1.000 viên chức, hơn 5.200 giáo viên; đầu tư hơn 510 triệu đồng để sửa chữa trường học và mua sắm trang bị cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học phục vụ năm học mới.
Đặc biệt, Thành phố đã chú trọng thực hiện tốt việc huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp (lớp 1, 6, 10) đúng quy định, công khai, nghiêm túc, công bằng, đúng tuyến, bảo đảm chỗ học cho con em nhân dân trên các địa bàn, quan tâm con em gia đình chính sách, hộ nghèo, khắc phục tình trạng học trái tuyến, chạy trường, chạy lớp.
Thành phố cũng giữ nguyên mức thu học phí như năm học 2016-2017 và không thu các khoản thu khác. Sở GD&ĐT Thành phố cũng chủ động tham mưu cho UBND Thành phố triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2017-2018. Các mặt hàng đều được giảm giá 15%.
Đồng Nai tiếp tục đầu tư xây dựng trường lớp
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai, nhằm phục vụ tốt nhất công tác dạy và học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, năm học 2017-2018, tỉnh Đồng Nai đầu tư gần 530 tỷ đồng xây dựng thêm 64 công trình trường học với quy mô hơn 600 phòng học và các hạng mục chức năng khác. Các huyện, thị chi khoảng 186 tỷ đồng sửa chữa phòng học, mua sắm trang thiết bị dạy học.
Năm học 2017-2018, tổng số học sinh trên địa bàn là gần 680.000 học sinh, mạng lưới trường học gần 870 trường, tăng thêm 38 trường so với năm học 2016-2017. Cơ sở vật chất được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học, đặc biệt tại các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, đông công nhân sinh sống như thành phố Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành. Năm học 2017-2018, thành phố Biên Hòa và Trảng Bom, số học sinh ở cả 3 cấp học tăng gần 10.000 em so với năm học trước.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Đồng Nai, để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, những năm tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng trường lớp, đặc biệt là trường tiểu học ở những địa phương có đông công nhân sinh sống.
Bình Dương không để xảy ra tình trạng học ca ba
Năm học 2017-2018, dự kiến tỉnh Bình Dương có 412.784 học sinh ở các cấp học, tăng 29.944 học sinh so với năm học 2016-2017. Việc tăng số học sinh đã tạo một áp lực lớn cho ngành giáo dục tỉnh.
UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương chuẩn bị tốt về nhân lực, cơ sở vật chất cho năm học 2017-2018, bảo đảm ngày khai giảng năm học mới thực sự là ngày hội đến trường. Bên cạnh việc rà soát quy hoạch, dành quỹ đất xây dựng trường lớp, Sở GD&ĐT và các địa phương phải sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, không để xảy ra tình trạng học ca ba. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh chủ trương đầu tư công cho ngành giáo dục và đào tạo, ưu tiên những địa phương có số lượng học sinh tăng cao.
Sở đã chỉ đạo các đơn vị ưu tiên tiếp nhận trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo; đối với lớp 1, tuyển sinh 100% trẻ cư trú trên địa bàn; xét tuyển 100% học sinh lớp 5 đã hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 công lập. Đối với những học sinh tạm trú dưới 6 tháng, nếu không học đúng địa bàn cũng được điều chuyển đến học tại những địa bàn lân cận.
Nhằm chuẩn bị tốt cho năm học mới, đến tháng 8, tỉnh đưa vào sử dụng 13 công trình mới với 251 phòng học; đồng thời, đầu tư tu sửa cơ sở vật chất hiện có, mua sắm trang thiết bị bổ sung phục vụ nhu cầu học tập, giảng dạy tại các trường. Hội đồng Tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Dương đã thông qua kết quả tuyển dụng 1.136 viên chức.
Theo ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để đáp ứng đủ giáo viên cho năm học mới, UBND tỉnh thống nhất chủ trương hợp đồng có thời hạn giáo viên tiếng Anh đạt điểm kiểm tra, sát hạch từ 40 đến dưới 50 điểm trong đợt xét tuyển vừa qua; hợp đồng có thời hạn đối với các chức danh còn thiếu nếu có nguồn; phân bổ hợp lý giáo viên, nhất là các địa bàn có số học sinh tăng cao.
Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng phòng học ở các xã miền núi
Năm học 2017-2018, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 573 trường học và cơ sở giáo dục với 8.155 phòng học, hơn 258.000 học sinh các cấp.
Để chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới, ngay khi kết thúc năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng các Phòng GD&ĐT chủ động rà soát lại toàn bộ hệ thống trường, lớp đã xuống cấp, cần sửa chữa, xây cất mới; trong đó tập trung xây dựng mới và sửa chữa các nhà, lớp học xuống cấp.
Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư xây mới 157 phòng học cho 18 trường Mầm non thuộc các xã miền núi, xã nghèo và khó khăn trên địa bàn. Đến nay, 157 phòng học cơ bản hoàn thiện, được đưa vào sử dụng trong năm học 2017-2018, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của các trường Mầm non.
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã trang bị 26 phòng học bộ môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học cho 9 trường (5 trường Trung học Cơ sở, hai trường Trung học Phổ thông và hai trường Trung học Cơ sở dân tộc nội trú); trang bị 38 bộ thiết bị môn học giáo dục quốc phòng cho 38 trường Trung học Phổ thông trên địa bàn…
Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng triển khai công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho trên 1.400 giáo viên ở tất cả các cấp học theo nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, qua đó giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy.
Ninh Bình bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho học sinh và giáo viên
Để chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ năm học mới 2017-2018, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các trường học tại địa phương kiểm tra, rà soát và kịp thời cải tạo, sửa chữa lại các phòng học cấp 4, bảo đảm không còn tồn tại phòng học xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn cho học sinh và giáo viên.
Ông Ngô Văn Thứ, Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình cho biết, địa phương hiện có 7.480 phòng học cho các cấp học, trong đó 85,9% phòng học kiên cố hóa, 14,1% phòng học cấp 4 chưa kiên cố. Trong số 1.055 phòng cấp 4 các trường học toàn tỉnh đang sử dụng, có 219 phòng học bị xuống cấp nhẹ. Hiện tại hệ thống phòng học này đã được các địa phương khẩn trương sửa chữa, khắc phục để phục vụ khai giảng năm học mới.
Đến nay, các trường học tại địa phương đã hoàn thành xây mới 203 phòng học, 23 phòng hiệu bộ, 46 phòng chức năng, 42 nhà vệ sinh và 2.560 m2 sân, tường rào với tổng kinh phí trên 143 tỷ đồng; đầu tư mua sắm thiết bị, đồ dùng học tập với tổng trị giá trên 10 tỷ đồng. Ninh Bình đang thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học cho vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2017-2020 đối với 4 trường Tiểu học với tổng mức đầu tư trên 16 tỷ đồng.
Ý kiến ()