Các địa phương tập trung sản xuất vụ đông xuân
Lâm Đồng thu hồi 11 dự án liên quan đến rừng * Sóc Trăng hỗ trợ nông dân hơn 14 tỷ đồng phòng, chống bệnh chổi rồng * Hòa Bình, Điện Biên công bố hết dịch cúm gia cầmTheo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, khoảng đêm nay (10-11), bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các tỉnh phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp cho nên từ đêm 10-11, ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa rào và rải rác có dông; từ gần sáng và ngày 11-11 ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác. Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - 5. Ở vịnh Bắc Bộ và khu vực phía bắc Biển Đông từ gần sáng và ngày 11-11 sẽ có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. Các tỉnh Bắc Bộ từ đêm...
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, khoảng đêm nay (10-11), bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các tỉnh phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp cho nên từ đêm 10-11, ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa rào và rải rác có dông; từ gần sáng và ngày 11-11 ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác. Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4 – 5. Ở vịnh Bắc Bộ và khu vực phía bắc Biển Đông từ gần sáng và ngày 11-11 sẽ có gió đông bắc mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. Các tỉnh Bắc Bộ từ đêm nay (10-11) trời trở lạnh.
Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, sáng 8-11, trên địa bàn huyện Pác Nặm (Bắc Cạn) xảy ra mưa lớn kèm theo gió lốc làm tốc mái hơn 100 căn nhà, gây lũ quét cục bộ tràn qua làm ngã đổ hơn mười ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch; cây to đổ và sạt lở gây ách tắc một số tuyến đường giao thông. Ngay sau khi mưa, lốc xảy ra, cấp ủy và chính quyền địa phương đã đi kiểm tra, thăm hỏi các hộ bị thiệt hại. Đồng thời, trích ngân sách địa phương hỗ trợ tấm lợp, huy động nhân lực tại chỗ giúp các gia đình có nhà bị tốc mái, lợp lại nhà để ổn định cuộc sống.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Nam đã có năm công trình thí điểm ứng phó biến đổi khí hậu được đưa vào sử dụng, gồm: công trình kè Trà Nhiêu; công trình kênh, mương thủy lợi kết hợp đường giao thông Quế Sơn; công trình Nhà đa năng kết hợp trạm y tế Thăng Bình; công trình đường giao thông thích ứng với biến đổi khí hậu thôn Phú Hải, huyện Đại Lộc; kênh thủy lợi xã Quế Phong, huyện Quế Sơn. Đây là năm trong 10 mô hình dự án thí điểm ứng phó biến đổi khí hậu do tỉnh Quảng Nam triển khai xây dựng trong năm nay, với tổng kinh phí 54,3 tỷ đồng.
Vụ đông năm 2012, tỉnh Lào Cai gieo trồng 6.970 ha cây trồng các loại; trong đó có gần 5.000 ha lúa và hơn 2.000 ha ngô vụ 3. Đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh sớm có giải pháp động viên, khuyến khích nông dân làm thêm vụ đông, hướng dẫn bà con những kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; đồng thời chủ động mua hạt giống sớm, nhất là các giống nhập nội để tránh bị ép giá khi khan hiếm giống.
Để bảo đảm cho vụ sản xuất đông xuân 2012-2013 thắng lợi, Tổng công ty Nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đã có kế hoạch cung ứng hơn 4.000 tấn giống các loại như: lúa, ngô, đậu xanh, rau… cho các địa phương trong tỉnh. Ngoài việc bảo đảm cung ứng giống, hiện công ty cũng chuẩn bị 30 nghìn tấn phân bón cho các loại cây trồng. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng chỉ đạo, hướng dẫn cơ cấu bộ giống, khung lịch thời vụ gieo trồng để các địa phương áp dụng một cách linh hoạt, tích cực thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, phòng, chống các loại sâu bệnh hại lúa, nhất là bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa.
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đác Lắc tập trung nhân lực, phương tiện, vật tư, nguồn nước… phấn đấu gieo trồng vượt 41.135 ha cây vụ đông xuân 2012 – 2013; trong đó, có gần 30 nghìn ha cấy lúa nước. Tỉnh chủ trương sản xuất vụ đông xuân theo hướng an toàn, hiệu quả trên cơ sở bố trí cây trồng, sử dụng giống thích hợp với nguồn nước, đất đai nhằm né tránh các điều kiện thời tiết bất lợi như ảnh hưởng không khí lạnh, gió, mưa xảy ra ở các tháng 12, tháng 1 và tình trạng khô hạn cuối vụ…
Vụ đông xuân 2012 – 2013, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch xuống giống 295 nghìn ha, phấn đấu đạt sản lượng lúa từ hai triệu tấn trở lên. Đến thời điểm này, các địa phương đã gieo sạ hơn 46 nghìn ha, đạt hơn 15,5% diện tích, tập trung ở các huyện An Biên, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng. Vụ đông xuân 2012 – 2013, tỉnh cũng triển khai sản xuất khoảng 1.800 ha lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Tỉnh Đồng Tháp đã cơ bản kết thúc kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2012 với tổng giá trị sản xuất đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, toàn tỉnh sản xuất thắng lợi cả ba vụ lúa (đông xuân, hè thu và thu đông) với tổng sản lượng đạt hơn ba triệu tấn lúa. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, vụ đông xuân, nông dân thực lãi 14,8 triệu đồng/ha, vụ hè thu lãi 8,3 triệu đồng/ha và vụ thu đông lãi chín triệu đồng/ha.
Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã tiến hành các thủ tục hỗ trợ cho 5.331 nhà vườn, thuộc 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có 2.178 ha trồng nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, với số tiền 14,08 tỷ đồng. UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết đã đề xuất với UBND tỉnh thu hồi 11 dự án liên quan đến rừng. Nguyên nhân do các doanh nghiệp để xảy ra tình trạng rừng bị phá, bị lấn chiếm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không bồi thường thiệt hại rừng, chậm hoặc không triển khai dự án.
UBND tỉnh Hòa Bình vừa có Quyết định công bố hết dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Trước đó, gần 2.000 con gia cầm tại ba xã Hòa Sơn và Hợp Hòa huyện Lương Sơn và xã Trung Minh (TP Hòa Bình) đã bị ốm, chết và được các cơ quan chuyên môn kết luận là mắc cúm gia cầm. Để khống chế dịch bùng phát, tỉnh đã thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, trực dịch 24/24 giờ, hạn chế các phương tiện và số người ra, vào khu vực có dịch; tạm ứng nguồn vật tư dự phòng cho công tác chống dịch gồm 15 tấn thuốc sát trùng, hơn 500 nghìn liều vắc-xin; xử lý chôn hủy khoảng 1.700 con gia cầm chết và mắc bệnh…
Tỉnh Điện Biên cũng đã công bố hết dịch cúm gia cầm (H5N1) trên địa bàn xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Theo đó, từ ngày 8-11, gia cầm và sản phẩm gia cầm khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng từ xã Noong Luống, huyện Điện Biên đã qua kiểm dịch thú y được phép lưu thông trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với huyện theo dõi sát diễn biến tình hình sau dịch.
Theo Nhandan
Ý kiến ()