Các địa phương tập trung phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng
* Khống chế vụ cháy rừng trồng và rừng phòng hộ ở Quảng Nam * Cảnh giác nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát dịp cuối năm * Xây dựng cơ chế thu mua tạm trữ, điều tiết cung cầu cá traTheo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư: Các tỉnh phía bắc vẫn chịu ảnh hưởng của rìa nam rãnh áp thấp ở khu vực Hoa Nam - Trung Quốc. Sau đó, cùng với quá trình tăng áp từ phía bắc, rãnh áp thấp này được đẩy dịch dần xuống phía nam và ảnh hưởng thời tiết các khu vực trên, nên hôm nay nhiệt độ toàn phía bắc sẽ tăng nhẹ lên mức 34 - 35 oC. Phía bắc oi nóng vào buổi trưa, song đến chiều có thể xuất hiện mưa dông tại một vài nơi. Do gió phơn liên tục tỏa hơi nóng, cho nên các tỉnh từ Quảng Bình vào Phú Yên nhiệt độ sẽ đạt mức 35 - 37 oC, một vài nơi còn trên 37 oC.Cục trồng trọt, Bộ NN và PTNT cho biết: Mặc dù triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn muộn hơn các tỉnh...
* Khống chế vụ cháy rừng trồng và rừng phòng hộ ở Quảng Nam
* Cảnh giác nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát dịp cuối năm
* Xây dựng cơ chế thu mua tạm trữ, điều tiết cung cầu cá tra
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư: Các tỉnh phía bắc vẫn chịu ảnh hưởng của rìa nam rãnh áp thấp ở khu vực Hoa Nam – Trung Quốc. Sau đó, cùng với quá trình tăng áp từ phía bắc, rãnh áp thấp này được đẩy dịch dần xuống phía nam và ảnh hưởng thời tiết các khu vực trên, nên hôm nay nhiệt độ toàn phía bắc sẽ tăng nhẹ lên mức 34 – 35 oC. Phía bắc oi nóng vào buổi trưa, song đến chiều có thể xuất hiện mưa dông tại một vài nơi. Do gió phơn liên tục tỏa hơi nóng, cho nên các tỉnh từ Quảng Bình vào Phú Yên nhiệt độ sẽ đạt mức 35 – 37 oC, một vài nơi còn trên 37 oC.
Cục trồng trọt, Bộ NN và PTNT cho biết: Mặc dù triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn muộn hơn các tỉnh Nam Bộ, nhưng nhiều tỉnh, thành phố phía bắc đã nhanh chóng hưởng ứng phong trào; các tỉnh khẩn trương xây dựng đề án, kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt, nhiều địa phương đã ban hành các chính sách hỗ trợ nông dân. Lợi nhuận thu được từ mô hình này cao hơn so với sản xuất thông thường từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha. Tại Thanh Hóa, tổng diện tích triển khai mô hình khoảng 300 ha tập trung tại huyện Yên Định. Ở Thái Bình tổng diện tích triển khai khoảng 100 ha tại xã Song An và xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư. Tỉnh Nam Định cũng đã triển khai 12 mô hình cánh đồng mẫu lớn tại 11 xã ở bảy huyện với diện tích đạt 565 ha. Hà Nội là địa phương có diện tích triển khai cánh đồng mẫu lớn nhiều nhất với 3.500 ha sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, lúa hàng hóa chất lượng cao và một số cây ăn quả, hoa cây cảnh giá trị kinh tế cao.
Tại TP Hà Nội, bão số 5 đã làm 46 cột điện bị gãy, đổ; 25 cột bị sạt lở, 10 trạm biến áp bị sự cố,… tổng thiệt hại ước tính gần 3,5 tỷ đồng. Hai ngày sau khi bão đổ bộ, phần lớn sự cố xảy ra trên lưới điện Hà Nội đã được các công ty điện lực khắc phục và cấp điện ổn định cho người dân. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn tám nghìn ha rau màu bị ngập úng, hàng trăm ao hồ khoanh nuôi thủy sản bị ngập, bảy ngôi nhà đổ sập, hơn năm nghìn m2 nhà và các công trình phụ bị tốc mái. Đặc biệt, bão đã làm bốn người chết, một người bị thương. Tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo chính quyền các địa phương tập trung dựng, sửa chữa lại những ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái để người dân có nơi ăn nghỉ và sớm ổn định cuộc sống. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang phối hợp UBND các huyện chỉ đạo các đơn vị thủy nông huy động 334 tổ máy bơm tiêu để chống ngập úng. Để khắc phục sự cố sạt trượt đê tả Thương tại xã Xuân Hương, tỉnh đã huy động bảy xe ô-tô và hơn 40 người chở vật liệu, thả đá hộ chân đê, bạt mái giảm tải và đã được khắc phục khoảng 60 m. 90 m còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng này. Sự cố vỡ kênh Nham Biền thuộc xã Nham Sơn (Yên Dũng) đã được khắc phục xong.
Đến khoảng 9 giờ, ngày 21-8, vụ cháy khoảng 45 ha rừng trồng và rừng phòng hộ thủy điện Duy Sơn, thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam đã được các lực lượng chức năng khống chế hoàn toàn. Ngay sau khi nhận được tin cháy, gần 400 người bao gồm lực lượng tỉnh đội Quảng Nam, lực lượng kiểm lâm huyện Duy Xuyên, dân quân, dân phòng và người dân hai xã Duy Sơn và Duy Trung đã được huy động để tập trung chữa cháy.
Từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 1.200 ha lúa vụ hè thu bị sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh rầy nâu và rầy lưng trắng, làm ảnh hưởng năng suất lúa. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã khuyến cáo hướng dẫn cách phòng trừ, cử cán bộ về địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nông dân biết, kiểm tra đồng ruộng và thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật. Tỉnh Phú Thọ có hơn 13 nghìn ha lúa bị nhiễm bệnh; trong đó, hơn 2.500 ha lúa bị bệnh khô vằn, hơn 1.150 ha lúa bị rầy nâu gây hại và 2.430 ha lúa bị chuột phá hại. Nặng nhất là sâu cuốn lá nhỏ đã gây hại 6.177 ha. Trước tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương dập dịch cứu lúa, đồng thời lên phương án chủ động phòng trừ sâu bệnh hại. Dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn ở Sóc Trăng đã bùng phát mạnh. Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng đã thông qua mức dự trù kinh phí khoảng 19,4 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ dân có diện tích nhãn bị thiệt hại do bệnh chổi rồng. Nhờ những biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt của ngành chức năng, địa phương cùng các nhà khoa học, hiện nay, diện tích vườn nhãn từ chỗ có tới 2.900 ha bị nhiễm dịch bệnh chổi rồng nay đã giảm xuống còn khoảng 1.700 ha.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm chiều 21-8, Cục Thú y cho biết, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã cơ bản được khống chế, cả nước chỉ còn ba tỉnh Đác Lắc, Nghệ An và Cao Bằng có dịch lợn tai xanh. Các ổ dịch cúm gia cầm vẫn xuất hiện rải rác tại một số tỉnh, thành phố, miền bắc và Bắc Trung Bộ. Ban chỉ đạo nhận định, đáng lo ngại là hiện nay mức độ bảo hộ của vắc-xin cúm gia cầm đối với chủng vi-rút ở khu vực phía bắc rất hạn chế, công tác phối hợp ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm qua biên giới chưa triệt để, nguy cơ dịch bùng phát vào dịp cuối năm rất cao. Cục Thú y sẽ cấp đủ vắc-xin cho các địa phương tiêm phòng bao vây ổ dịch, lên kế hoạch phát động Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng trong toàn quốc nhằm nhanh chóng khống chế dịch.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét về việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra; thuế thu nhập doanh nghiệp của các hộ nhận nuôi gia công, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đối với việc áp dụng trần lãi suất cho vay và hạn mức cho vay đối với cá tra, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, giải quyết. Về việc thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam, Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ liên quan xem xét, xử lý theo quy định. Phó Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương việc tỉnh An Giang đầu tư dự án khu nuôi trồng thủy sản tập trung. Tỉnh An Giang lập dự án, làm việc cụ thể với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.
Theo Nhandan
Ý kiến ()