Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả sau bão
Lũ trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) đang dâng cao, người dân vẫn bất chấp nguy hiểm dùng đò qua sông hằng ngày. Ảnh: MINH TRÍ * Lũ các sông miền trung - Tây Nguyên đang lên * Thanh Hóa được mùa képTheo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư: Bão số 7 vào đến đất liền đã suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh, vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Phú Quý) đã có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.Ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to. Các tỉnh miền bắc vẫn chịu sự ảnh hưởng của bộ phận không khí lạnh tăng cường yếu, nên sáng sớm tiết trời se lạnh, đến trưa chiều trời hửng nắng, nhiệt độ tăng nhẹ. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão...
Lũ trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) đang dâng cao, người dân vẫn bất chấp nguy hiểm dùng đò qua sông hằng ngày. Ảnh: MINH TRÍ |
* Lũ các sông miền trung – Tây Nguyên đang lên
* Thanh Hóa được mùa kép
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư: Bão số 7 vào đến đất liền đã suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh, vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Phú Quý) đã có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.
Ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to. Các tỉnh miền bắc vẫn chịu sự ảnh hưởng của bộ phận không khí lạnh tăng cường yếu, nên sáng sớm tiết trời se lạnh, đến trưa chiều trời hửng nắng, nhiệt độ tăng nhẹ. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 80 đến 100 mm; một số nơi có lượng mưa lớn hơn như Trà My (Quảng Nam) 103 mm; Ba Tơ (Quảng Ngãi) 128 mm; Tuy Hòa (Phú Yên) 133 mm; An Khê (Gia Lai) 256 mm… Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 7 này.
Lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và hạ lưu sông Thu Bồn, sông Ba đang lên; thượng lưu sông Vu Gia – Thu Bồn và các sông ở Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, khu vực Tây Nguyên đã đạt đỉnh và đang xuống. Hôm nay (8-10), lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2; hạ lưu sông Ba tại Phú Lâm lên mức BĐ2; hạ lưu sông Thu Bồn tại Câu Lâu còn dưới mức BĐ1, sau đó xuống; các sông từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định xuống dưới mức BĐ1, riêng khu vực Tây Nguyên còn dao động ở mức BĐ1 – BĐ2. Đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.
Theo thống kê chưa đầy đủ, bão số 7 làm một người bị thương tại Bình Định và một người bị lũ cuốn trôi tại tỉnh Quảng Nam. Tại Quảng Ngãi bão đã làm bị thương một người, bị sập và tốc mái chín nhà, hai phòng học tại các huyện Mộ Đức, Sơn Tây, Trà Bồng và Tư Nghĩa. Bão đã làm thiệt hại 5,7 ha lúa và cây công nghiệp dài ngày, hai tuyến kênh mương bị hư hỏng, khối lượng đất, đá bị bồi lấp 540 m3, khối lượng bê-tông bị sạt lở 10 m3. Các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Sơn Tây và Trà Bồng bị sạt lở hơn 10 nghìn m3. Các huyện Mộ Đức, Sơn Tây, Trà Bồng và Tư Nghĩa chỉ đạo các xã huy động lực lượng tại chỗ giúp các gia đình có nhà bị sập, tốc mái dựng, sửa chữa lại nhà cửa, sớm ổn định chỗ ở cho dân. Nhờ chủ động trong công tác phòng, chống bão số 7, tại Phú Yên không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn đã làm cống qua đường suối Trầu, thôn Phú Sơn, đường đi La Hai, Đồng Hội, huyện Đồng Xuân bị sạt lở 10 m. Cảng cá phường 6, thành phố Tuy Hòa bị xói lở nền móng, mặt nền. Dọc bờ sông Ba tại thôn Thạch Bàn, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa bị sạt lở dài 200 m, rộng 4 – 5 m. Hoa màu (cây bắp) bị đổ ngã khoảng 0,4 ha tại xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa. Ngay sau khi bão tan tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục, lực lượng cứu hộ giúp đỡ đưa người, tài sản về chỗ ở; bảo đảm an toàn tài sản và môi trường sau lũ bão.
Mặc dù bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ, nhưng năm nay Thanh Hóa đạt năng suất cao nhất so với các vụ mùa trước đây, với năng suất ước đạt 53 tạ/ha. Như vậy với thắng lợi cả hai vụ chiêm xuân và vụ mùa, Thanh Hóa được mùa kép lớn nhất từ trước đến nay với tổng sản lượng đạt hơn 1,5 triệu tấn lúa. Vụ hè thu năm nay”cánh đồng mẫu lúa nước” đầu tiên ở Tây Nguyên đạt năng suất hơn 8,4 tấn /ha, trong khi đó, ruộng sản xuất theo kiểu truyền thống cũng trên diện tích này trước đây cao nhất chỉ đạt 6 tấn thóc/ha. Trong ba năm trở lại đây, cây ngô lai ở huyện Kông Chro (Gia Lai) đã chiếm lĩnh lại vị thế của mình trong cơ cấu cây trồng, diện tích tăng nhanh qua từng năm. Vụ mùa năm 2012, diện tích cây ngô lai trong huyện đạt hơn 10 nghìn ha, chiếm khoảng một phần ba tổng diện tích gieo trồng và cao nhất so với các địa phương khác trong tỉnh.
Theo kế hoạch trồng rừng năm 2012, tỉnh Phú Yên sẽ trồng mới hơn 5.000 ha rừng tập trung. Trong đó, rừng phòng hộ 250 ha, rừng sản xuất hơn 4.750 ha. Kinh phí phục vụ trồng rừng năm 2012 chủ yếu từ các nguồn vốn ODA, trồng lại rừng sau khai thác rừng trồng và vốn của các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()