Các địa phương tập trung hàng hóa phục vụ Tết Đinh Dậu 2017
Đến thời điểm này, nhiều địa phương khu vực phía Nam đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa nhằm cung ứng đầy đủ cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, với phương châm đáp ứng nhu cầu mua sắm tối đa của người tiêu dùng.
Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã chuẩn bị lượng hàng tăng từ 15% đến 20% so với kế hoạch Thành phố giao, dự tính, các mặt hàng tăng từ 25% đến 45% so với kết quả thực hiện vào dịp Tết Bính Thân 2016. Tổng cộng, TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị hơn 17.000 tỷ đồng hàng hóa cung ứng trong hai tháng Tết. Riêng hàng bình ổn chiếm gần 7.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường lương thực, thực phẩm Tết Đinh Dậu ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã hoàn tất các khâu chuẩn bị, nguồn hàng dồi dào, phong phú… đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng có thể tăng nhanh sau Tết Dương lịch sắp tới đây.
Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cũng dự báo giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ vào dịp Tết năm nay sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng đột biến, bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường. Nhiều nhóm hàng như thịt gia cầm, đường, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo…, được chuẩn bị với khối lượng lớn, chi phối từ 35% đến 52% nhu cầu thị trường. Thành phố cũng sẽ tổ chức hơn 1.500 đợt khuyến mãi với tổng giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng được các doanh nghiệp đăng ký thực hiện trong tháng giáp Tết Nguyên đán, tập trung ở các mặt hàng nước giải khát, bánh kẹo, mứt, quần áo…
Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Công thương Thành phố này có kế hoạch mời gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông sản sạch đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối để gia tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần gia tăng bán hàng lưu động và giảm giá mạnh cho người dân ngoại thành, khu lưu trú công nhân, sinh viên. Quan trọng hơn, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; 100% số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết phải là hàng sạch hoặc ít nhất có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đây là yêu cầu của Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh.
Tại tỉnh Tiền Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh này cho biết, để cung ứng hàng hóa Tết Đinh Dậu cho người dân, tỉnh này đã có kế hoạch chuẩn bị hơn 377 tỷ đồng cho mua sắm, dự trữ hàng hóa các loại, tăng trên 31 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 7 doanh nghiệp tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Đinh Dậu bao gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiền Giang – Sài Gòn; Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ phường 1; Công ty Lương thực Tiền Giang; Doanh nghiệp tư nhân Thương mại và Dịch vụ Thành Phát; Hợp tác xã Vĩnh Kim; Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Song Thuận và Chi nhánh Liên Hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh.
Các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cho mua sắm dịp Tết trị giá khoảng là 44 tỷ đồng, với các mặt hàng gồm gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt, thịt gia súc, thịt gia cầm. Các doanh nghiệp tham gia dự trữ, cung ứng hàng hoá Tết theo kế hoạch còn được xem xét vay vốn ưu đãi về lãi suất từ các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo kế hoạch, việc dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 là nhằm cung cấp hàng hóa kịp thời, đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Đặc biệt ưu tiên dự trữ, cung ứng hàng Việt Nam, góp phần thực hiện chủ trương bình ổn giá cả thị trường và đảm bảo an sinh xã hội. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường phải đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, chất lượng an toàn với giá hợp lý, đặc biệt trong những thời điểm giá hàng hóa tăng cao; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp bán hàng với giá thấp hơn 5% trở lên so với hàng hóa cùng loại tại thời điểm đăng ký giá. Các doanh nghiệp phải có ít nhất 1 điểm bán lẻ hàng hóa bình ổn phục vụ Tết đăng ký với Sở Công thương và phải treo băng rôn trước cửa hoặc nơi bán hàng hóa thuộc diện bình ổn.
Cùng với các địa phương trong khu vực phía Nam, các ngành chức năng, địa phương và doanh nghiệp của tỉnh An Giang vào thời điểm này cũng đang tích cực chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhà vườn trên địa bàn tỉnh đang ráo riết chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Năm nay, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Đinh Dậu ở An Giang rất đa dạng, phong phú, trong khi giá bán cạnh tranh. Mục tiêu của các đơn vị cung ứng là muốn đáp ứng nhu cầu khách hàng ở nhiều phân khúc khác nhau. Bên cạnh những mặt hàng mang tính thiết yếu như gạo, nước mắm, nước tương, dầu ăn, đường, bột ngọt… thị trường còn có sự tham gia của các mặt hàng đặc sản của các vùng miền. Ngoài các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chuẩn bị hàng phục vụ Tết Nguyên đán năm nay, còn có các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đưa sản phẩm vào thị trường với số lượng không nhỏ. Cùng với đó, các tổ hợp tác rau an toàn trên địa bàn tỉnh An Giang cũng đã gia tăng diện tích trồng từ 20% đến 30% so với trước, đồng thời tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, nhằm đưa ra thị trường sản phẩm rau đạt chất lượng cao.
Theo ngành Công thương tỉnh An Giang, tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ cung ứng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Đinh Dậu sẽ tăng 5% so với năm ngoái. Ngành Công thương tỉnh này cũng đã có kế hoạch đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng găm hàng sốt giá, triển khai đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường. Tỉnh An Giang cũng đã dành sẵn một khoảng ngân sách nhất định cho các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán./…
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()