Các địa phương phía Nam tìm giải pháp hỗ trợ người nuôi lợn
Trước tình hình giá thịt lợn hơi vẫn giữ ở mức thấp, khiến người chăn nuôi lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản, các địa phương khu vực phía Nam đang tìm mọi cách để giúp người chăn nuôi lợn.
Nhiều hộ chăn nuôi ở phía Nam còn tồn đọng khá nhiều lợn thịt trong chuồng
Theo thống kê, Tiền Giang là tỉnh đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng đàn lợn với mức bình quân khoảng hơn 700.000 con, riêng những năm cao điểm số lượng đàn lên đến 900.000 con. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 42.688 cơ sở chăn nuôi lợn, trong đó hộ gia đình chăn nuôi có số lượng lợn chiếm 58%; cơ sở nuôi qui mô từ 50 con trở lên có số lượng lợn chiếm 42%.
Theo ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đàn lợn thịt và lợn nái của tỉnh này hiện đã giảm khoảng 30% so với thời điểm tháng 10/2016, ước tổng đàn hiện nay còn khoảng trên 500.000 con. Do từ khoảng cuối năm 2016 đến nay giá lợn hơi liên tục giảm, nhất là từ tháng 4/2017 đến nay, giá lợn giảm sâu khiến người nuôi chịu lỗ từ 6.000- 12.000 đồng/kg. Do lỗ nặng nên nhiều hộ đã tạm dừng nuôi, để chuồng bỏ không vì hết vốn, nhiều hộ chăn nuôi phải mang tài sản đi thế chấp, vay nợ mua thức ăn cho đàn lợn…
Cũng như ở các địa phương khác, nghịch lý hiện nay là trong lúc hộ chăn nuôi lợn ở Tiền Giang bị lỗ nặng thì thương lái lại lãi lớn. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh và các ngành liên quan đề xuất các Khu công nghiệp trong tỉnh, các doanh nghiệp có đông công nhân, lực lượng công an, quân đội… tham gia hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn giúp người nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ngành công thương tỉnh Tiền Giang phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh… mở các điểm bán thịt lợn sạch phục vụ rộng rãi người tiêu dùng; kêu gọi thương lái nâng giá mua lợn hơi trong dân và giảm giá bán lợn thịt xuống mức vừa phải để tăng số lượng tiêu thụ, chia sẻ khó khăn cùng người nuôi… Kiến nghị các ngân hàng xem xét khoanh nợ, không phạt lãi quá hạn và tiếp tục cho vay để người nuôi khôi phục lại đàn lợn.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho hay, về lâu dài, tỉnh tính toán không tăng thêm số lượng đàn lợn; chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, áp dụng nuôi tiêu chuẩn GAP, giảm chi phí giá thành tăng sức cạnh tranh…
Tại tỉnh Tây Ninh, một địa phương thuộc khu vực Đông Nam bộ được cho là có đàn lợn thịt với số lượng khá lớn, sau một thời gian đẩy mạnh nhiều biện pháp “giải cứu” thịt lợn cho người chăn nuôi, hiện nay tỉnh này mỗi ngày tiêu thụ được trên 2.000 con lợn thịt cho người chăn nuôi, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng giết mổ, tiêu thụ trong tỉnh là 1.000 con, khoảng trên 100 tấn thịt hơi/ngày và xuất sang thị trường Campuchia bằng đường tiểu ngạch khoảng 1.000 con/ngày (trọng lượng từ 100-103 kg/con).
Ông Nguyễn Văn Mấy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện mỗi ngày trên địa bàn tỉnh đã tiêu thụ của người chăn nuôi được khoảng trên 2.000 con lợn thịt với sản lượng đạt trên 200 tấn. Như vậy, với số lượng lợn được tiêu thụ đều đặn mỗi ngày như hiện nay, so với đàn lợn tới lứa xuất chuồng, các doanh nghiệp đã cơ bản giải quyết được tình trạng ứ đọng đàn lợn quá lứa tại các trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tỉnh Tây Ninh.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, trong đề án phát triển chăn nuôi lợn giai đoạn 2017-2020, tỉnh Tây Ninh cũng đã đưa ra định hướng là sẽ rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch ngành chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn, nhằm bảo đảm tổng đàn có cơ cấu hợp lý, không để phát triển nóng ngành chăn nuôi; khuyến khích chăn nuôi tập trung, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán; đi vào quản lý chất lượng con giống theo hướng tăng trọng nhanh, thịt nhiều, tiêu tốn thức ăn ít để giảm giá thành trong chăn nuôi…
Tại tỉnh Bình Dương, Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh này. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương, hiện tại, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt hơn 693.000 con. Trong đó, số lượng lợn đã đến thời điểm xuất bán khoảng 234.000 con. Giá lợn hơi của công ty, trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn chỉ khoảng 17.000 đến 19.000 đồng/kg, giá lợn hơi của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khoảng 15.000 đến 17.000 đồng/con. Lượng lợn giết mổ bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 1.800 con.
Trước tình hình giá lợn hơi thu mua giảm thấp, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương đã có những giải pháp triển khai để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi bằng cách kêu gọi doanh nghiệp tăng cường thu mua lợn hơi, thúc đầy xúc tiến thương mại, giới thiệt sản phẩm thịt an toàn. Đồng thời giảm tối đa giá đầu vào từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để chia sẻ khó khăn cùng người chăn nuôi. Tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, trọng điểm quy hoạch, hạn chế mở rộng đàn lợn nái trong giai đoạn hiện nay…
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để “giải cứu” người chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn này, cần phối hợp với các cơ quan liên quan, làm việc cụ thể với các doanh nghiệp chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết các hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá cả hợp lý.
Ông Nguyễn Bá Phương, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Dương cho biết, giá lợn xuống thấp khiến cho nhiều khách hàng vay tại Ngân hàng này lâm vào thế khó khăn. Để thanh toán nợ vay nông dân phải bán sản phẩm, nhưng tại thời điểm này giá lợn hơi giảm sâu nên họ bị thua lỗ nặng. Trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước và khách hàng cá nhân, đơn vị đã điều chỉnh kéo giãn thời hạn trả nợ cho người vay với thời hạn trung bình 12 tháng, theo đó đã điều chỉnh giãn kỳ hạn nợ khi đến hạn với số tiền khoảng 3,2 tỷ đồng trên tổng số dư nợ cho vay sản xuất, chăn nuôi lợn khoảng 11,6 tỷ đồng. Cũng theo ông Phương, trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Dương sẽ tiếp tục xử lý và thực hiện cơ chế gia hạn nợ, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ hoặc cho vay mới đối với khách hàng đến kỳ trả nợ nhưng có nhu cầu hỗ trợ về tài chính chưa tiêu thụ được sản phẩm.
Còn tại TP.Hồ Chí Minh, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ hộ chăn nuôi truy xuất nguồn gốc thịt lợn, tạo điều kiện cho các địa phương cũng cấp thịt lợn vào địa bàn, TP.Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ 50% chi phí mua vòng nhận diện cho các cơ sở chăn nuôi tham gia vào Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Hiện, đã có gần 770 cơ sở chăn nuôi của các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia đề án, trong đó nhiều nhất là Đồng Nai (đăng ký 344 cơ sở), Bình Dương (187 cơ sở), Bình Phước (54 cơ sở), Tiền Giang (39 cơ sở)… Bên cạnh các cơ sở chăn nuôi, đề án cũng đang được áp dụng tại 385 cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm…) và 140 gian hàng tại 23 chợ truyền thống.
Từ tháng 3/2017, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn được triển khai tại 2 chợ đầu mối của TP.Hồ Chí Minh là Hóc Môn (mỗi ngày cung cấp hơn 4.500 con lợn) và chợ Bình Điền (trên 2.300 con lợn/ngày), chiếm khoảng 60%-70% tổng lượng lợn cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân TP.Hồ Chí Minh.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn là giải pháp đột phá giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, làm tiền đề để nhân rộng ra các sản phẩm khác, như thịt gà, trứng gà, rau củ, quả… Để thực hiện hiệu quả đề án này, cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của nhiều tỉnh, thành cùng TP.Hồ Chí Minh./..
Theo dangcongsan
Ý kiến ()