Các địa phương ở miền Bắc chủ động ứng phó với bão số 3
Theo báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, ngoài các giải pháp phòng, chống bão số 3, các địa phương đã có phương án và thực hiện di dời hơn 11.000 người đến nơi tránh bão an toàn.
Đây là các hộ dân thuộc khu vực trũng thấp ven biển, các chung cư cũ yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Như tại quận Lê Chân, mặc dù là quận trung tâm thành phố Hải Phòng nhưng chính quyền địa phương đã phải di dời hơn 560 hộ dân đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Trọng Đại, phát ngôn viên Ủy ban nhân dân quận Lê Chân cho biết các hộ dân phải di dời trên địa bàn quận chủ yếu là các hộ cư trú trong các khu nhà tập thể cũ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn; các hộ dân đang ở khu nhà tạm, cấp 4 cũ khác. Đến 14 giờ ngày 19/8, các phường sẽ di dời nốt các hộ dân còn lại đến nơi an toàn.
Theo báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, đến 19 giờ ngày 18/8 các phương tiện địa phương vào nơi trú tránh an toàn. Đến 5 giờ ngày 19/8, đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, di dời số lồng bè, chòi canh và người trên các lồng bè, chòi canh vào nơi trú tránh bão.
Các địa phương tổ chức lực lượng khơi thông dòng chảy, giải tỏa vật cản trên các tuyến kênh trục chính, tăng cường hiệu quả tiêu nước. Các trạm bơm tiêu úng trên toàn hệ thống đã được vận hành thử đảm bảo sẵn sàng hoạt động.
Các Công ty khai thác công trình thủy lợi đã chủ động hạ thấp mực nước đệm trong hệ thống, nhằm giảm lượng nước cần tiêu khi có mưa lớn trong bão. Công tác bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, đến 9 giờ ngày 19/8, các địa phương đã tổ chức hoành triệt 25 cửa khẩu qua đê và 31 cống xung yếu.
Các ngành, các địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố có kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ngoài các vật tư, phương tiện, hơn 38.000 người đã được huy động sẵn sàng xung kích hộ đê, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tại Nam Định ngày 19/8, bão số 3 đã gây mưa to, gió giật cấp 4, cấp 5, vùng biển biển động mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của bão, các địa phương trong tỉnh phối hợp với lực lượng biên phòng đang khẩn trương di dời dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Đến trưa 19/8, toàn bộ 881 lao động trên 732 chòi canh ngao, lều chòi nuôi trồng thủy sản bên ngoài đê biển tỉnh Nam Định đã vào bờ an toàn.
Huyện Giao Thủy đã di dời trên 1.500 hộ với trên 4.000 người trong các ngôi nhà yếu, nhà tạm sang các nhà cao tầng, kiên cố. Huyện Nghĩa Hưng đã sơ tán 281 hộ ở vùng nôi trồng thủy sản đê Cồn Xanh thuộc 4 xã Nam Điền, Nghĩa Hải, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thành vào trong đê.
Huyện Hải Hậu đã thông báo cho các xã ven biển chủ động di dân ở những vùng có khả năng ngập lụt như xóm Gò, xã Hải Đông, khu du lịch Thịnh Long, thị trấn Thịnh Long trước 13 giờ ngày 19/8.
Các địa phương đã kêu gọi tất cả hơn 2.000 tàu thuyền với trên 5.200 lao động đánh bắt cá vào bờ trú ẩn an toàn. 16 tàu với 60 ngư dân đánh bắt xa bờ tại vùng biển ngoài tỉnh cũng đã được thông báo vào bờ.
Dù trời đang mưa lớn nhưng tại các vị trí đê kè bị sụt, sạt lở trong cơn bão số 1 vừa qua như kè Quy Phú, Mặt Lăng, Phú Ân, Cồn Ba, Cồn Tư đê hữu sông Hồng thuộc các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy và đê bối Ngọc Lâm, huyện Nghĩa Hưng, chính quyền địa phương cùng đơn vị thi công đang huy động lực lượng khẩn trương gia cố đê, phấn đấu hoàn thành trước 13 giờ ngày 19/8.
Theo báo cáo từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ninh, sáng 19/8, tại 8/14 địa phương trong tỉnh gồm 6 huyện phía đông và 2 thành phố Cẩm Phả, Hạ Long có mưa nhỏ, mưa rào rải rác kèm theo gió, phổ biến cấp 5-6.
Lượng mưa đo được từ ngày 16/8 đến 7 giờ ngày 19/8 phổ biến trên dưới 100mm. Cụ thể, mưa nhiều nhất ở Cửa Ông (Cẩm Phả) 188,3mm; Tiên Yên 161,6mm; Bãi Cháy 150mm; 2 huyện Bình Liêu, Vân Đồn 127mm; Móng Cái 109mm và mưa ít nhất ở Cô Tô 76,1mm.
Tính đến 9 giờ ngày 19/8, do ảnh hưởng của bão, tại xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên) có 3 cột đèn điện chiếu sáng bị đổ. Hiện chưa có thông tin thêm về thiệt hại về người và tài sản khác.
Trước đó, chiều tối ngày 18/8, Quảng Ninh đã kêu gọi được gần 8100 tàu thuyền về nơi tránh trú bão, trong đó 410 tàu xa bờ neo đậu tránh trú bão tại các khu neo đậu của địa phương, khu vực Cát Bà, Đồ Sơn, Bạch Long Vĩ-Hải Phòng. Toàn bộ 534 (100%) tàu du lịch đã vào bờ neo đậu vào nơi tránh, trú bão.
Các lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được gia cố, chằng chống chắc chắn. Riêng khu vực vịnh Hạ Long, các lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được di chuyển đến nới tránh trú bão an toàn.
Trong 2 ngày 18-19/8, Quảng Ninh đã lập các đoàn kiểm tra do lãnh đạo chủ chốt của tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại các địa phương trong tỉnh.
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã thường trực 100% quân số, lực lượng và phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng huy động cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Quảng Ninh đã bố trí các phương tiện, máy móc tại các vị trí dễ xảy ra tắc nghẽn dòng chảy khi có mưa lớn sẵn sàng tiến hành khơi thông, chống ngập lụt cục bộ.
Sáng 19/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 ở thị xã Quảng Yên./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()