Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 2
*Sạt lở đê điều ở nhiều tỉnh ven biển * Vùng áp thấp suy yếu và tan dần Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 ở khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 70 đến 120mm.
*Sạt lở đê điều ở nhiều tỉnh ven biển * Vùng áp thấp suy yếu và tan dần Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 ở khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 70 đến 120mm.
Sau khi đi vào khu vực các tỉnh Ðông Bắc Bắc Bộ, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Hồi 1 giờ ngày 24-6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,0 độ vĩ bắc; 106,2 độ kinh đông, trên khu vực các tỉnh phía đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, suy yếu và tan dần.
Theo Ðài Khí tượng-Thủy văn Cần Thơ, sáng 24-6, TP Cần Thơ xuất hiện sương mù dày đặc trên khắp các tuyến đường làm hạn chế tầm nhìn, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Tàu thuyền trên sông Hậu phải tạm dừng lưu thông do sương mù đặc quánh. Hiện tượng này kéo dài đến hơn 10 giờ trưa cùng ngày dù trời có nắng. Nguyên nhân là do nhiều ngày qua trên địa bàn có mưa lớn làm mặt đất lạnh, độ ẩm cao hơn không khí phía trên làm không khí bị đè nén tạo nên hiện tượng sương mù.
Theo báo cáo nhanh ngày 24-6 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, bão số 2 gây thiệt hại nhiều về tài sản tại các tỉnh Nam Ðịnh, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An và Hà Tĩnh. Tỉnh Nam Ðịnh xảy ra sập dốc bê-tông tại K27 100 đê biển Hải Hậu; 20 m kè biển Khu du lịch Quất Lâm bị sạt lở; kè 16 đê tả Ðáy huyện Nghĩa Hưng bị sạt lở hai vị trí (K188 600 đến K188 700 dài 100m; đoạn K188 710 đến K188 950 dài 240 m). Về nông nghiệp, 450 ao nuôi trồng thủy sản, 100 lều trông ao nuôi tôm; ba tỷ con ngao giống và một số giống thủy sản khác bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng. Hiện, các công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi trong tỉnh đã sẵn sàng vận hành tiêu rút nước chống úng, phối hợp với các huyện, thành phố khoanh vùng bảo vệ cho hơn 2.000 ha mạ vụ mùa vừa mới gieo. Tại Thái Bình, bão đã làm ngập, sạt hơn 1.300 ha đầm nuôi trồng thủy sản, khoảng 1.400 tấn thủy, hải sản nuôi trồng trong các đầm, bãi bị nước cuốn trôi, một tàu cá 24 CV tại cảng Lân bị sóng đánh chìm. Bão số 2 còn gây ra sự cố tại sáu điểm trên hệ thống lưới điện trung áp (từ 10kV đến 35kV) của huyện Tiền Hải làm đứt dây, gãy sứ. Tuy nhiên, trong sáng 24-6, Ðiện lực Thái Bình đã khắc phục kịp thời và cấp điện trở lại. Các Công ty khai thác thủy lợi Nam và Bắc Thái Bình hiện đang tập trung bơm tiêu nước, đề phòng mưa lớn gây ngập úng bảo vệ cho hơn 3.700 ha mạ, lúa mùa mới gieo cấy. Tại Ninh Bình, tính đến trưa 24-6, có 1.733 ha lúa mùa mới cấy bị ngập úng. Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Ninh Bình đã tiến hành mở 49 trong tổng số 162 cống, đồng thời vận hành liên tục 39 máy/12 trạm bơm để chống úng ngập, tiêu nước đệm trong nội đồng để bảo vệ diện tích lúa mùa mới cấy. Tại Nghệ An, mưa lớn trên địa bàn tỉnh trong ngày 22-6 đến trưa ngày 23-6 gây lũ quét tại suối Nậm Kiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn làm hai người mất tích do bị lũ cuốn trôi vào 5 giờ ngày 23-6 (chị Lô Thị Huế, sinh năm 1973 và con Hoàng Gia Phúc, sinh năm 2010), đã tìm thấy thi thể một người. Có 8.080 ha lúa, 550 ha hoa màu và 385 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Tại TP Hải Phòng, có 50m kè cầu cảng khu vực bến Béo, đảo Cát Bà, 40 m kè Khu du lịch Ðồ Sơn bị sạt lở; đê kè Cát Hải (K0-K2, K2,8-K5,6) bị sóng biển tràn qua gây sạt, hư hỏng nhiều vị trí; 2.352 ha thủy sản, 44 ha hoa màu bị thiệt hại. Thông tin từ Bộ đội Biên phòng thành phố cho biết, mặc dù đã được đưa về vị trí an toàn, song do sóng lớn, tàu số hiệu HP-1586-TS tải trọng ba tấn neo đậu tại vịnh Cát Bà đã bị đắm do va chạm với tàu chở dầu gây bục sàn. Vụ va chạm không gây thiệt hại về người. Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, gió lớn đã làm một ô-tô tải bị lật trong khi chở vật tư phục vụ chống bão tại âu cảng. Tại quận Ðồ Sơn, triều cường vượt đê biển tràn nước vào khu vực du lịch và khu dân cư. Hầu hết các tuyến đường khu vực phía trong quận đều đang ngập nước. Ngay khu vực trung tâm hành chính quận, nước tràn cả vào trong trụ sở. Khu dân cư mất điện hoàn toàn. Tại Quảng Ninh, xảy ra sạt lở thân đê Hà Nam, thị xã Quảng Yên, vị trí sạt lở tại K2 950 dài khoảng 50 m. Nước dâng do bão và triều cường đã làm tràn một số đoạn đê thuộc xã Ðường Hoa, huyện Hải Hà dài 70 m, đê xã Tân Bình, huyện Ðầm Hà dài 50 m, đê xã Quan Lạn, huyện Vân Ðồn dài 60 m; 7 m cầu cảng và 35 m đường bê-tông huyện Cô Tô bị sạt lở. Các địa phương đã huy động nhân dân đắp đê ngăn nước và di dân vùng trũng. Tại Hà Tĩnh, mưa lớn gây ngập các tuyến đường chính trung tâm thành phố, chỗ ngập sâu nhất khoảng 60 cm. Có 992,5 ha lúa và 331 ha hoa màu, 82 ha thủy sản bị ngập. Trước diễn biến thời tiết biển vẫn khó lường, hoàn lưu bão khả năng sẽ gây ra mưa lớn trên diện rộng, các tỉnh, thành phố đã và đang tiếp tục tổ chức các phương án ứng phó với mưa lũ, tiêu nước, chống úng bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp.
Tại TP Hà Nội, mưa lớn vào giờ cao điểm khiến giao thông trên nhiều tuyến phố ùn tắc, người dân lưu thông rất vất vả. Hàng loạt tuyến đường như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Nguyễn Tuân, Phạm Hùng bị ngập úng. Gió to cũng đã khiến một số cây xanh ở đường Trường Chinh (quận Thanh Xuân) và khu Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) bị gãy đổ. Ðến khoảng 11giờ ngày 24-6, tình trạng ngập úng trên các khu vực cơ bản đã được khắc phục. Tại TP Hồ Chí Minh, khoảng 22 giờ đêm 23-6, bờ sông Nhà Bè thuộc địa bàn xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, bị sạt lở làm bảy căn nhà của người dân chìm xuống sông. Tai nạn lở đất xảy ra ban đêm khi những người dân ở trong nhà nên may mắn không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, toàn bộ nhà cửa, tài sản bị thiệt hại. Ngay trong đêm, chính quyền địa phương đã cử lực lượng đến thăm hỏi, hỗ trợ, cứu giúp người bị nạn. Ngày 24-6, UBND huyện Nhà Bè, UBND xã Bình Khánh đã bố trí nơi ở tạm, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống… cho những gia đình mất nhà cửa, đồng thời lên kế hoạch trợ cấp, giúp đỡ vật chất để bà con sớm ổn định cuộc sống.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng Công ty Ðiện lực miền bắc (EVNNPC), tính đến sáng 24-6, trên địa bàn quản lý của EVNNPC đã có những sự cố và khối lượng thiệt hại do bão số 2 gây ra như sau: tại Hải Phòng có 14 lộ đường dây trung thế bị mất điện, một máy cắt 35kV bị sự cố, 56 trạm biến áp bị mất điện; tại Thái Bình, tại Ðiện lực Hưng Hà, sét đánh cháy máy biến áp 180kVA-10/0,4kV, Công ty Ðiện lực Thái Bình đã thay máy biến áp khác và đưa vào vận hành an toàn. Ðối với hệ thống đường dây 110 kV có xảy ra một số sự cố nhưng đã được Công ty Lưới điện cao thế miền bắc khôi phục lại thành công. Tại Quảng Ninh, Nam Ðịnh, Nghệ An, Hà Nam, một số lộ đường dây vẫn đang mất điện, chưa khôi phục được. Các công ty điện lực và điện lực địa phương đang tập trung toàn bộ lực lượng và thiết bị để khắc phục sự cố, sớm cấp điện trở lại cho các khách hàng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()