Các địa phương khẩn cấp thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
* Các tỉnh phía bắc nắng nóng trở lại * Tuyên Quang, Phú Thọ mưa lớn bất thường Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, khối áp thấp nóng ở phía tây đang di chuyển và gây ảnh hưởng lên thời tiết các tỉnh Bắc Trung Bộ, sau đó lan rộng ra Bắc Bộ khiến một đợt nắng nóng mới sẽ xuất hiện trên diện rộng.Trong những ngày tới, các tỉnh phía bắc sẽ có mưa dông về chiều, đêm và sáng sớm, ngày nắng. Nhiệt độ sẽ nhích dần lên ngưỡng 35 độ C rồi 37 độ C khi áp thấp nóng tràn về. Dự báo đợt nắng nóng này sẽ kéo dài trong vòng hai đến ba ngày, có khả năng chấm dứt vào ngày 11, 12-6. Nhiệt độ cao nhất trong đợt nắng nóng này dự báo ở ngưỡng 37-39 độ C (mức cao nhất). Tuy nhiên đợt nắng nóng này không gay gắt bằng đợt nắng nóng hồi đầu tháng 4 vừa qua.Ngoài ra, thời tiết trên biển đang có diễn biến xấu. Do ảnh hưởng của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả...
Trong những ngày tới, các tỉnh phía bắc sẽ có mưa dông về chiều, đêm và sáng sớm, ngày nắng. Nhiệt độ sẽ nhích dần lên ngưỡng 35 độ C rồi 37 độ C khi áp thấp nóng tràn về. Dự báo đợt nắng nóng này sẽ kéo dài trong vòng hai đến ba ngày, có khả năng chấm dứt vào ngày 11, 12-6. Nhiệt độ cao nhất trong đợt nắng nóng này dự báo ở ngưỡng 37-39 độ C (mức cao nhất). Tuy nhiên đợt nắng nóng này không gay gắt bằng đợt nắng nóng hồi đầu tháng 4 vừa qua.
Ngoài ra, thời tiết trên biển đang có diễn biến xấu. Do ảnh hưởng của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái-lan có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. Ở khu vực nam Biển Đông và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật trên cấp 6. Biển động.
Tại Tuyên Quang, rạng sáng 6-6, mưa to bất thường đã gây ra lũ lớn làm thiệt hại nặng về tài sản, hoa màu của người dân và ách tắc giao thông trên một số tuyến đường trong tỉnh. Thiệt hại nặng nhất là huyện Lâm Bình, tuyến đường từ xã Thổ Bình đến trung tâm huyện đã bị hàng trăm m3 đất, đá sạt lở vùi lấp, gây ách tắc giao thông. Ngoài ra, nhà cửa và tài sản của hàng chục hộ dân sống hai bên suối ở các xã: Bình An, Thổ Bình, Hồng Quang đã bị nước lũ cuốn trôi. Mưa lớn còn làm công trình thủy lợi Phai Phướn và cầu treo Bó Mu, xã Minh Quang (huyện Chiêm Hóa) bị hư hỏng; hơn 80 ha lúa, hoa màu đang chuẩn bị thu hoạch bị ngập. Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, lãnh đạo các địa phương đã xuống những nơi bị thiệt hại kiểm tra tình hình, động viên và giúp đỡ bà con nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Tại Phú Thọ, mưa to, giông lốc, gió mạnh những ngày qua tại các huyện Thanh Ba, Yên Lập, Hạ Hòa, Đoan Hùng đã làm tốc mái ba ngôi nhà, hư hỏng một trường học, một nhà văn hóa, gần 200 con gia cầm chết, 184 ha lúa đang trong thời kỳ chín rộ bị mất trắng, bảy ha nuôi thủy sản bị ngập úng, sạt lở hàng trăm m3 đất sát nhà dân, nhiều kênh mương, tường rào bị đổ, sạt lở… thiệt hại ước tính khoảng hơn 2,3 tỷ đồng. Các địa phương, các ngành hữu quan trong tỉnh đang khẩn trương tập trung nguồn lực, chủ động giúp dân đối phó những tình huống bất trắc có thể xảy ra.
Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đang triển khai kế hoạch di dời 200 hộ dân nằm trong vùng sạt lở nghiêm trọng của tỉnh về nơi ở mới an toàn. Trong đó tập trung nhiều ở các huyện: Phụng Hiệp (100 hộ), Châu Thành (46 hộ), thị xã Ngã Bảy (33 hộ). Hiện Chi cục phối hợp với chính quyền các địa phương đã thẩm định xong được 179 hộ trên các tuyến sông lớn có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Tổng kinh phí di dời là hai tỷ đồng do T.Ư cấp, bình quân mỗi hộ di dời sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng. Hiện toàn tỉnh còn khoảng 1.500 hộ dân đang sinh sống trong vùng sạt lở cần được di dời.
Trước tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có chiều hướng bùng phát trở lại, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 18.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ ba tỉnh: Lai Châu, Bình Thuận, Hoà Bình phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn. Số hóa chất trên được phân bổ như sau: Tỉnh Lai Châu: 5.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid; tỉnh Bình Thuận: 3.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid; tỉnh Hòa Bình 10.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được luân chuyển 1.800.000 liều vắc-xin lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc từ nguồn dự trữ quốc gia sang sử dụng trong Chương trình Quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM ở gia súc giai đoạn 2 (2011 – 2015). Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhập trả kho dự trữ quốc gia 1.800.000 liều vắc-xin LMLM týp O từ Chương trình Quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM ở gia súc giai đoạn 2.
Tỉnh Điện Biên vừa có Quyết định công bố dịch cúm gia cầm (H5N1) trên địa bàn xã Noong Luống (huyện Điện Biên). Đây là địa phương thứ hai có thông báo dịch sau khi có quyết định công bố dịch tại địa bàn xã Thanh Yên. Cho đến thời điểm này, tại hai xã xảy ra dịch bệnh đã có hơn 1.000 con gia cầm bị nhiễm bệnh được phát hiện và tiêu hủy. Huyện Điện Biên đã triển khai các biện pháp bao vây, khống chế khu vực có dịch, ngăn chặn việc đưa gia cầm ra khỏi vùng dịch để tiêu thụ. Lực lượng thú y tỉnh tiếp tục tăng cường cán bộ xuống cơ sở giám sát dịch bệnh, cung ứng hóa chất sát trùng kịp thời cho công tác chống dịch, kiên quyết không để dịch bệnh lan ra diện rộng.
Tỉnh Phú Thọ tiếp tục công bố dịch lợn tai xanh bùng phát trên địa bàn hai xã Thanh Đình, Kim Đức (TP Việt Trì) vào chiều 5-6. Như vậy đến nay dịch tai xanh đã bùng phát trên địa bàn bốn xã, phường của thành phố Việt Trì với 363 con mắc bệnh ở 40 gia đình thuộc 19 khu hành chính. Tỉnh Phú Thọ yêu cầu thành phố Việt Trì chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường: Minh Nông, Vân Phú, Thanh Đình, Kim Đức và các xã vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm thực hiện khẩn cấp các biện pháp phòng, chống và dập dịch.
Để ngăn chặn dịch lợn tai xanh, tỉnh Thái Nguyên tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, chủ động chuẩn bị nhân lực vật tư, hóa chất sát trùng, thuốc vắc-xin phục vụ công tác phòng, chống dịch. Chi cục Thú y tỉnh đã yêu cầu tạm dừng nhập lợn và các sản phẩm từ lợn từ các tỉnh đang có dịch tai xanh vào địa bàn tỉnh. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, dụng cụ, hóa chất, nhất là vôi bột để vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và chủ động phòng, chống khi có dịch xảy ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()