Các địa phương, đơn vị hỗ trợ người dân vùng lũ khôi phục sản xuất
Nhiều địa phương trong cả nước tiếp tục có nhiều hoạt động hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Tỉnh Quảng Nam ủng hộ với số tiền quyên góp từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được gần 900 triệu đồng.
Tính đến nay, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, các cơ quan, doanh nghiệp, người hảo tâm trong tỉnh Thanh Hóa quyên góp được sáu tỷ đồng gửi về các địa phương khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Ủy ban MTTQ tỉnh đã chuyển hai tỷ đồng cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân bị ngập nặng; tổ chức thăm hỏi, động viên, trao 95 triệu đồng tới 19 gia đình có người thân tử vong do thiên tai.
Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hải Phòng) quyên góp được gần 500 triệu đồng từ sự đóng góp tự nguyện của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị (mỗi người ít nhất hai ngày lương) và kinh phí vận động quyên góp từ các nhà hảo tâm trên địa bàn, số tiền này được ủng hộ tận tay những người dân bị thiệt hại do mưa lũ tại xã Suối Nánh (huyện Ðà Bắc), xóm Khanh, xã Phú Cường (huyện Tân Lạc), tỉnh Hòa Bình và xã Yên Khương, huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa).
Sáng 19-10, Công đoàn Công thương Việt Nam và Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) đến thăm hỏi và ủng hộ nhân dân vùng lũ lụt tỉnh Hòa Bình 100 triệu đồng. Sở Công thương tỉnh Hòa Bình đã huy động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất 1.000 đèn năng lượng mặt trời để cấp cho nhân dân huyện vùng cao Ðà Bắc (giá 70 nghìn đồng/đèn). Số đèn đã được Sở bàn giao cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình để cung cấp ngay cho nhân dân Ðà Bắc.
Ngày 19-10, Chính phủ Nhật Bản quyết định cứu trợ khẩn cấp cho các khu vực bị ảnh hưởng lũ lụt tại Việt Nam. Thông báo của Chính phủ Nhật Bản cho biết, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam và với quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia, Nhật Bản thực hiện đợt cứu trợ khẩn cấp này để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo tại các vùng bị thiên tai ở Việt Nam. Hoạt động cứu trợ sẽ được tiến hành thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Hàng cứu trợ bao gồm chăn, nước sạch và tấm trải nhựa.
Ðể phòng, chống dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa đã cấp 7.500 lít hóa chất khử trùng hỗ trợ các địa phương xử lý môi trường sau đợt lũ lụt kéo dài vừa qua. Trong đó, huyện Thạch Thành 2.000 lít; huyện Yên Ðịnh 2.000 lít, số còn lại được phân cho các huyện bị ảnh hưởng khác.
Chi cục Thú y Hà Nội tăng cường thanh kiểm tra việc phòng, chống cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi-rút cúm khác tại tất cả các quận, huyện, thị xã, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng nặng của đợt mưa lũ vừa qua, như các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Ðức…
Thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT), đợt mưa lũ vừa qua đã có 11 nghìn gia súc, hơn 300 nghìn gia cầm bị chết, cuốn trôi… Hơn 200.000 ha lúa của các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ bị ảnh hưởng, trong đó khả năng mất trắng là hơn 30.000 ha, các diện tích còn lại năng suất thu hoạch kém khi chỉ đạt từ 40 đến 50 kg/sào. Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) chỉ đạo các địa phương triển khai công tác hỗ trợ, hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Tỉnh Hòa Bình, ngoài thiệt hại về người, mưa lũ còn làm cho 3.185 hộ bị ngập lụt, 100% diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó thiệt hại hoàn toàn hơn 2.669 ha lúa, ngô, hoa màu. Nước lũ cuốn trôi 457 ha, nuôi trồng thủy sản 120 lồng cá; hàng nghìn con gia súc, da cầm bị chết; hơn 180 công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng, trong đó số điểm sạt lở ta-luy dương khoảng 750 điểm, với tổng khối lượng sạt lở khoảng 550.000 m3. Ước tính tổng thiệt hại đến nay khoảng 1.630 tỷ đồng.
Sáng 19-10, UBND huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã tìm thấy thi thể thượng tá Cao Ðăng Cường, chính trị viên Ðồn Biên phòng Yên Khương, cách vị trí gặp nạn khoảng 40 km. Trước đó, vào khoảng 18 giờ ngày 10-10, anh Cường cùng đại úy Nguyễn Thành Chủng đi kiểm tra tình hình mưa, lũ đã bị nước lũ cuốn trôi tại vị trí qua tràn suối Bôn, xã Yên Khương. Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm đại úy Nguyễn Thành Chủng.
* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, trung tâm vùng áp thấp cách đảo Song Tử Tây khoảng 360 km về phía đông Ðông Bắc. Dự báo, đến 13 giờ hôm nay (20-10), vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12,5 độ vĩ bắc; 120,0 độ kinh đông, ngay trên phía bắc đảo Pa-la-oan (Phi-li-pin). Do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và nam Biển Ðông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông có khả năng gió giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2,0 đến 3,0 m biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp các tỉnh trung và nam Trung Bộ, Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến bắc Phú Yên tiếp tục lên. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh trên, đặc biệt là các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Bình Thuận. Ngoài ra, ở Nam Bộ do mưa lớn kết hợp với triều cường, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp thuộc khu vực, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ.
Mưa lớn những ngày qua trên địa bàn khiến một phần đất đồi ở ấp 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh An Giang bị sạt lở, làm năm căn nhà sập, rất may không xảy ra thiệt hại về người. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên người dân. Ðồng thời, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở và khuyến cáo các hộ dân đang sống ở gần khu vực triền đồi cần gia cố lại nhà cửa, khi trời mưa lớn không nên ở trong nhà.
Theo Nhandan
Ý kiến ()