Các địa phương đón chào nhà làm phim đến với bối cảnh
Nhiều địa phương đã giới thiệu không chỉ phong cảnh đẹp, mà còn cả những nét đẹp trong văn hóa, phong tục truyền thống, lối sống hằng ngày tới các hãng phim, nhà làm phim, mời gọi thực hiện những bộ phim trên quê hương mình. Mong mỏi về những điểm du lịch, check-in mới “bùng nổ” như Ninh Bình trong “Kong-Skull Island” hay Phú Yên trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đang được các địa phương nỗ lực biến thành hiện thực.
Cảnh trong phim “Kong-Skull Island”. (Ảnh: Internet) |
Bối cảnh phim thành điểm du lịch “check in”
Ở mỗi kỳ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, việc quảng bá những thế mạnh về phong cảnh, văn hóa, con người… luôn là mối quan tâm của nhiều địa phương, khi điện ảnh là một trong những “công cụ” thu hút và thúc đẩy du lịch hiệu quả và nhanh nhất đến với công chúng hiện nay.
Ở trong nước, hiệu quả từ “Kong-The Island of the skulls” đối với Ninh Bình, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đối với Phú Yên hay “Mắt biếc” đối với Huế… đang chứng minh sức mạnh của nghệ thuật thứ 7, không chỉ để phục vụ nhu cầu giải trí tinh thần, mà còn thực sự mở ra một nguồn tài nguyên mới trong du lịch.
Hội thảo “Điện ảnh – Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa” do Cục Điện ảnh phối hợp thành phố Hà Nội tổ chức đã thu hút đông đảo đại diện các địa phương, các nhà làm phim, nhà sản xuất phim tham gia.
Giới thiệu về thế mạnh của Thừa Thiên Huế trong bối cảnh quay phim, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Phan Thanh Hải cho biết, Cố đô Huế từng ghi dấu ấn nhiều bộ phim được sản xuất tại Huế, hoặc lấy bối cảnh, nội dung về Huế, trong đó có “Đông Dương” – phim nước ngoài đầu tiên được quay trong các lăng tẩm, cung điện thuộc quần thể di tích Cố đô Huế từ năm 1990. Sau khi công chiếu tại Pháp, phim giành giải Oscar dành cho phim nước ngoài xuất sắc nhất, khiến lượng du khách Pháp đến Việt Nam tăng vọt.
Huế cũng từng là bối cảnh của nhiều phim có giá trị nghệ thuật như “Cô gái trên sông” của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, từng giành giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam năm 1997, cũng là phim Việt Nam đầu tiên có bối cảnh quay hoàn toàn tại Huế. Hay “Ngọn nến hoàng cung” của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, phim truyền hình nhiều tập lấy bối cảnh chính là Đại Nội, Kinh thành Huế, từng giành giải Cánh diều vàng năm 2004 cho phim truyền hình dài tập xuất sắc nhất. “Trăng nơi đáy giếng” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng là bộ phim lấy bối cảnh Huế, đem về giải Cánh diều bạc năm 2008 và giải Đạo diễn xuất sắc nhất hạng mục Phim châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Madrid (Tây Ban Nha) lần thứ 8 năm 2009.
Cây cô đơn trong phim “Mắt biếc”. (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp) |
Những năm gần đây, Huế cũng trở thành bối cảnh của nhiều bộ phim thương mại hấp dẫn, thu hút đông khán giả như “Gái già lắm chiêu” các phần 3, 4 của đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân – Nam Cito, hay “Mắt biếc” của Victor Vũ. Đặc biệt, hàng loạt địa điểm trong phim “Mắt biếc” đã trở thành điểm check-in thu hút đông đảo khán giả trẻ cũng như du khách từ khắp nơi, như cây cô đơn, rừng sim, đồi Thiên An, Trường đại học Sư phạm Huế, Trường tiểu học cộng đồng Đo Đo và làng Đo Đo…
Cảnh trong phim “Kong-Skull Island” quay tại Ninh Bình. (Ảnh: Internet) |
Cũng như Huế, Ninh Bình lâu nay đã trở thành điểm check-in của đông đảo du khách trong và ngoài nước sau khi bộ phim “Kong-Skull Island” quay tại đây. Cùng với phim này, Ninh Bình còn từng là bối cảnh quay của nhiều phim đình đám khác như “Người Mỹ trầm lặng”, “Pan”, “Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc” (đạo diễn Đới Tư Kiệt), “Thiên mệnh anh hùng”, “Tấm Cám chuyện chưa kể”… và gần đây nhất là “Hương vị tình thân”, bộ phim truyền hình được đông đảo khán giả yêu thích.
Tạo điều kiện cho các nhà làm phim
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết, Huế có kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng và đặc sắc, với gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 7 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và Di sản tư liệu đã được UNESCO vinh danh, cùng với nhiều danh lam thắng cảnh.
Ngoài ra, điều quan trọng nhất, ông Phan Thanh Hải cho biết là hiện nay, ở Huế, phần lớn người dân vẫn giữ được nếp sống xưa, tôn trọng những giá trị truyền thống, từ các bài trí nhà ở, cách sinh hoạt trong gia đình, cách ăn mặc cho đến các ứng xử ngoài xã hội. “Ở Huế, nếu cần bối cảnh với nội dung về văn hóa truyền thống, nhà làm phim sẽ có rất nhiều lựa chọn, vì nhiều nơi tại đây đã giữ được khá nguyên vẹn những giá trị truyền thống như vậy” – ông Phan Thanh Hải nói.
Huế cổ kính trong phim “Em và Trịnh”. (Ảnh: Đoàn làm phim) |
Chính vì thế, một trong những chiến lược để thúc đẩy du lịch phát triển, thu hút du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước của tỉnh Thừa Thiên Huế là thu hút các nhà sản xuất, nhà làm phim đến.
Tỉnh áp dụng và triển khai nhiều biện pháp từ đơn giản hóa các thủ tục, hỗ trợ công tác kết nối với chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân quản lý các giá trị di sản văn hóa, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ an ninh cho các đoàn làm phim khi tác nghiệp, sản xuất phim tại Huế.
Tỉnh cũng đề xuất một số chính sách hỗ trợ các đoàn làm phim về kinh phí như miễn giảm vé vào các di tích, chi phí lưu trú, sử dụng bối cảnh miễn phí, hỗ trợ truyền thông… Đặc biệt là chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn nghiên cứu, xây dựng phim trường chuyên nghiệp bên cạnh các phim trường tự nhiên để khai thác bền vững thế mạnh này.
Cọc Vài nổi tiếng trên hồ Na Hang ở Tuyên Quang. |
Cũng như Thừa Thiên Huế, tỉnh Tuyên Quang cũng đang cố gắng quảng bá tiềm năng về di sản văn hóa và thu hút các nhà đầu tư lớn, trong đó có lĩnh vực điện ảnh, với mong muốn điện ảnh gắn kết với di sản văn hóa, du lịch để quảng bá về con người, di sản, văn hóa và du lịch của tỉnh đến với du khách trong nước và quốc tế.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang cho biết, tỉnh chú trọng bảo vệ, khai thác bền vững danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa trên địa bàn, tạo dựng môi trường sinh hoạt và thực hành di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp với việc tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn văn hóa truyền thống của mình từ nhà ở, nếp sống cho đến thực hành di sản văn hóa…
Tỉnh cũng cam kết đồng hành với các nhà đầu tư, doanh nghiệp hợp tác phát triển hiệu quả, bền vững, quan tâm chỉ đạo, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, vận dụng linh hoạt các chính sách đầu tư, phát triển trong từng dự án để bảo đảm đạt hiệu quả cao. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang cũng tuyên bố mở rộng cửa chào đón các nhà làm phim, đoàn làm phim, nhà sản xuất đến với tỉnh và sẵn sàng hỗ trợ mọi điều kiện.
Mong rằng, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều bộ phim tạo sức nóng cho các điểm du lịch mới, ngoài những địa chỉ quen thuộc như Ninh Bình, Quảng Ninh, Phú Yên…
Ý kiến ()