Các địa phương chủ động trong phòng, chống Covid-19
I. Tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam
Có thể nói làn sóng lây nhiễm thứ 4 ở Việt Nam đã qua ba giai đoạn: từ ngày 27/4 đến 1/7, dịch xuất hiện và lây lan chậm, từ 1/7 đến 14/7, dịch lây lan nhanh, còn từ 14/7 đến nay, dịch bùng phát.
Số ca nhiễm mới một ngày tăng từ 87 (ngày 13/5) lên 8.000 (ngày 24/7), gấp 92 lần so với ngày 13/5 và dự báo ngày 4/8 sẽ gấp 100 lần. Tổng số ca nhiễm tăng từ 3.658 (ngày 13/5) lên 125.795 (ngày 28/7), gấp 34 lần ngày 13/5, lớn hơn tổng số ca nhiễm của Trung Quốc hiện nay (92.762). Số người đang điều trị tại các bệnh viện ngày 13/5 là 984, đến ngày 28/7 là 91.564 người, gấp hơn 93 lần ngày 13/5. Số người đang điều trị/1 triệu dân tăng từ 10 (ngày 13/5) lên 938 (ngày 28/7) và ngày 30/7 đã đạt 1.044 người. Số người chết tăng từ 36 (ngày 13/5), lên 1.111 (ngày 28/7).
Ngày 17/2/2021, làn sóng lây nhiễm thứ 3 đạt đỉnh, với 710 người đang điều trị. Tại làn sóng thứ 4, ngày 28/7, tuy chưa đạt đỉnh, song người đang điều trị đã là 91.564 người, gấp hơn 128 lần đỉnh làn sóng thứ 3. Theo kinh nghiệm từ các nước có dịch Covid-19 trên thế giới, khi dịch đạt mức số người đang điều trị/1 triệu dân lớn hơn 300 (gấp 30 lần ngưỡng có dịch) thì việc chống lây nhiễm sẽ rất khó khăn, kéo dài (trong điều kiện chưa có vắc-xin phòng Covid-19). Hiện nay (30/7), số người đang điều trị/1 triệu dân ở Việt Nam đã vượt 1.000 người.
Đối với TP Hồ Chí Minh, trước tháng 5/2021, đã trải qua bốn làn sóng lây nhiễm, song không có dịch, số người điều trị trên 1 triệu dân không quá 6 người trong thời gian từ tháng 1/2020 đến 4/2021. Từ 29/5/2021, TP Hồ Chí Minh bước vào làn sóng thứ 5, trở thành địa phương có dịch. Số người điều trị/1 triệu dân tăng rất nhanh, từ 26/6 là 316 người, đến 28/7 đã là 6.172 người, gấp 6,5 lần bình quân cả nước (938 người). Số ca mới phát sinh ngày 29/5 là 39 người, đến 28/7 đã là 6.318 người, tăng gấp gần 162 lần. Điều này gây áp lực hết sức lớn cho hệ thống y tế của TP Hồ Chí Minh. Từ 1/2020 đến 5/2021, không có người chết vì Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh. Tháng 6/2021 có 11 người, tháng 7/2021 có hơn 1.500 người chết vì Covid-19.
II. Nhận xét và kiến nghị:
Thứ nhất, làn sóng lây nhiễm thứ 4 ở Việt Nam bắt đầu vào 27/4 và đã trở thành dịch Covid-19 vào ngày 13/5. Dịch đến nay đã trải qua ba giai đoạn:
– Giai đoạn dịch lây lan chậm: Số người đang được điều trị/1 triệu dân tăng từ trên 10 người lên 100 người, kéo dài trong 49 ngày từ 13/5 đến 1/7. Số người đang được điều trị tăng thêm khoảng 9.000 người, bình quân là 183 người/1 ngày, số người đang được điều trị/1 triệu dân tăng thêm khoảng 90 người, bình quân là 1,8 người/ngày trên 1 triệu dân. Số tỉnh, thành phố có dịch tăng từ 11 (ngày 13/5) lên 28 (chiếm 44% số tỉnh, thành cả nước). Mức độ gia tăng này, xét theo năng lực hệ thống y tế cả nước là chịu đựng được, chưa gây quá tải, song hệ thống y tế ở một số địa phương có dịch nặng (Bắc Giang, Bắc Ninh) quá tải, phải có sự chi viện bổ sung (20.000 bác sĩ và nhân viên y tế) của Trung ương và một số địa phương.
– Giai đoạn dịch lây lan nhanh: Số người đang được điều trị/1 triệu dân tăng từ hơn 100 lên 300 người, chỉ kéo dài trong 13 ngày từ 1/7 đến 14/7. Số người đang điều trị tăng thêm khoảng 20.000 người, bình quân 1.538 người/ngày. Số người đang điều trị/1 triệu dân tăng khoảng 200 người, bình quân khoảng 15 người/ngày trên 1 triệu dân. Số tỉnh, thành phố có dịch tăng từ 28 (ngày 1/7) lên 41 (ngày 14/7) (chiếm 65% số tỉnh, thành cả nước). Mức độ gia tăng này chưa gây quá tải cho hệ thống y tế cả nước, song ở nơi có dịch nặng như TP Hồ Chí Minh, hệ thống y tế quá tải nặng. Số người phải điều trị ngày 14/7 là hơn 18.000 người, gấp 9 lần số giường bệnh truyền nhiễm sẵn sàng cho điều trị trước khi có dịch.
– Giai đoạn dịch bùng phát: Số người đang điều trị/1 triệu dân lớn hơn 300 và gia tăng mạnh mẽ. Theo kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 của thế giới, các nước nào có số người đang được điều trị/1 triệu dân vượt qua ngưỡng 300 người, thì sau đó sẽ chứng kiến dịch bùng phát, kéo dài, gặp rất nhiều khó khăn để kéo giảm lây nhiễm, đưa tỷ lệ người đang điều trị/1 triệu dân về mức không có dịch (dưới 10 người/1 triệu dân). Kinh nghiệm này cũng đúng với thực tiễn Việt Nam ở làn sóng lây nhiễm thứ 4. Chỉ sau 13 ngày, từ 14/7 đến 27/7, số người phải điều trị đã tăng thêm khoảng 60.000, trong khi 13 ngày trước đó chỉ tăng thêm 20.000, số người đang điều trị/1 triệu dân tăng thêm 600 người, trong khi 13 ngày trước đó chỉ tăng thêm 200 người. Số tỉnh, thành phố có dịch tăng từ 41 lên 50, chiếm khoảng 80% số tỉnh, thành cả nước. Với cả nước có 91.564 người đang điều trị vào ngày 28/7, gấp 93 lần so với ngày xuất hiện dịch (984 người, ngày 13/5) thì hệ thống y tế ở nhiều địa phương đã quá tải.
Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, chúng ta cần phân loại 50 tỉnh, thành phố có dịch thành ba nhóm, tương ứng ba giai đoạn nói trên của dịch, để xác định “Nhiệm vụ tại chỗ” của công tác chống dịch một cách cụ thể, phù hợp, làm rõ mục tiêu công tác chống dịch của từng địa phương.
Thứ hai, trong 50 tỉnh, thành phố đang có dịch hiện nay (28/7), có 22 địa phương có số người đang được điều trị/1 triệu dân (ĐĐT/1TD) từ 10 đến dưới 100, tức là ở giai đoạn “dịch lây lan chậm”. Đây chính là thời cơ vàng để các địa phương áp dụng các biện pháp đồng bộ, hiệu quả (5K, cách ly xã hội ở các điểm dịch, ổ dịch) để kéo giảm lây nhiễm, làm cho số người ĐĐT/1TD không tăng quá 100, mà phải giảm dần, tiến tới dưới 10, tức là hết dịch. Đây chính là “nhiệm vụ tại chỗ” của 22 tỉnh, thành phố hiện nay. Đầu làn sóng lây nhiễm thứ 4 ở Hà Nội, dịch xuất hiện ngày 7/5 với 91 người ĐĐT (dân số của Hà Nội là 8,2 triệu người), ứng với 11 người ĐĐT/1TD. Bằng các biện pháp chống dịch quyết liệt, ngày 3/6, dịch đã đạt đỉnh với 344 người ĐĐT, ứng với 42 người ĐĐT/1TD, sau đó số người ĐĐT giảm dần. Tuy nhiên các biện pháp chống dịch của Hà Nội sau 3/6 trong thực tế có phần nới lỏng nhanh quá, trong khi dịch ở TP Hồ Chí Minh đang bùng phát. Ngày 28/7 đã có 712 người ĐĐT, tương ứng với 95,6 người ĐĐT/1TD, gần đạt mức 100 người ĐĐT/1TD. Như vậy “nhiệm vụ tại chỗ” bây giờ của Hà Nội là phải giảm lây nhiễm bằng tất cả các biện pháp cần thiết để số người ĐĐT/1TD không vượt quá 100, hoặc nếu quá một chút thì phải giảm dần để về mức dưới 10. Ngoài Hà Nội thì Đắk Lắk và Bình Định là hai tỉnh có nguy cơ sắp vượt mốc 100 người ĐĐT/1TD, cần phải có các giải pháp rất quyết liệt, khẩn trương.
Trong 50 tỉnh, thành phố đang có dịch, có 11 tỉnh có số người ĐĐT/1TD lớn hơn 100 và dưới 300. Đây là các địa phương đã qua giai đoạn “dịch lây lan chậm” mà bước vào giai đoạn “dịch lây lan nhanh”. Vì vậy “nhiệm vụ tại chỗ” với 11 tỉnh này bây giờ là làm tất cả các biện pháp cần thiết (5K, cách ly các ổ dịch, khu dân cư, phường, xã, huyện, thành phố trực thuộc) để giảm lây nhiễm, không để số người ĐĐT/1TD tăng đến 300 người, mà phải giảm dần còn dưới 100 và sau đó là dưới 10, trở về trạng thái bình thường mới. Thời gian để 11 tỉnh này hoàn thành “nhiệm vụ tại chỗ” chỉ khoảng 1 – 2 tuần lễ, nếu không họ sẽ bước vào giai đoạn “dịch bùng phát”, với số người ĐĐT/1TD lên đến hàng trăm, hàng nghìn.
Trong 50 tỉnh, thành phố đang có dịch, có 17 tỉnh, thành phố có số người ĐĐT/1TD trên 300 người, tức là đang ở giai đoạn “dịch bùng phát”, trong đó có 9 tỉnh, thành phố đã và sắp vượt mốc 1.000 người ĐĐT/1TD. Đây là các địa phương đã hoặc sẽ đối mặt với quá tải của hệ thống y tế, nhất là khi số người ĐĐT/1TD vượt ngưỡng 1.000 người. “Nhiệm vụ tại chỗ” của 17 tỉnh, thành phố này là phải áp dụng các biện pháp hết sức nghiêm ngặt, sáng tạo để kéo giảm sự lây nhiễm, làm cho số người ĐĐT/1TD giảm xuống 300, rồi 100 và sau đó là không quá 10, trở về trạng thái bình thường mới. Đây là quá trình phức tạp và nhiều rủi ro khi số người ĐĐT/1TD vượt mức 300 và gia tăng, hệ thống y tế và hành chính bị quá tải, không phát hiện và cách ly, giám sát các F0 và F1 kịp thời, gây ra lây nhiễm cộng đồng âm thầm. Khi bị cách ly, phong tỏa kéo dài, người dân mệt mỏi, chính quyền chịu áp lực, nên khi số người ĐĐT/1TD giảm, dễ tạo tâm lý chủ quan, dịch sắp hết, không thực hiện các biện pháp chống dịch, làm dịch bùng phát trở lại.
Do vậy, mỗi tỉnh, thành phố cần căn cứ vào số liệu lây nhiễm của các quận, huyện để vẽ nên 7 biểu đồ thể hiện diễn biến dịch ở địa phương mình: Biểu đồ 1 là số ca nhiễm mới mỗi ngày; biểu đồ 2 là tổng số ca nhiễm tính đến ngày gần nhất; biểu đồ 3 là số ra viện một ngày (khỏi bệnh); biểu đồ 4 là số đang điều trị mỗi ngày; biểu đồ 5 là số người đang điều trị tính trên 1 triệu dân; biểu đồ 6 là số người chết mỗi ngày và biểu đồ 7 là tổng số người chết tính đến ngày gần nhất. Căn cứ vào biểu đồ 5, mỗi địa phương sẽ biết mình đang ở giai đoạn nào của dịch (dịch lây lan chậm, dịch lây lan nhanh, dịch bùng phát) từ đó xác định nhiệm vụ tại chỗ của địa phương mình.
Căn cứ thêm vào các biểu đồ 1, biểu đồ 4, các địa phương có thể đánh giá được tình hình điều trị ở các bệnh viện (chưa quá tải, sắp quá tải, đã quá tải ở mức nào) từ đó xác định quyết tâm và các giải pháp ngăn chặn lây nhiễm phù hợp và các biện pháp giảm tải các bệnh viện, khu cách ly F1, F2…
Một cách tương tự, mỗi huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố cần lập 7 biểu đồ để tự đánh giá dịch ở đơn vị mình; lãnh đạo tỉnh, thành phố nhận ra trọng tâm công tác phòng, chống dịch ở địa phương của mỗi giai đoạn, từ đó tổ chức chi viện từ cấp tỉnh cho các đơn vị một cách hiệu quả.
Thứ ba, 9 tỉnh, thành phố có số người đang điều trị/1 triệu dân từ khoảng 1.000 đến 6.000 là các địa phương có dịch nặng nhất cả nước: 9 tỉnh, thành phố này có tổng số người đang điều trị là 82.352, chiếm 90% tổng số người đang điều trị của cả nước. Kết quả chống dịch hiện nay ở 9 tỉnh, thành phố này quyết định kết quả chống dịch của cả nước trong 1 tháng tới. 9 tỉnh, thành phố này có dân số 23,4 triệu người, bằng 24% dân số cả nước và đóng góp hơn 42% GDP của cả nước. Như vậy nếu 9 tỉnh, thành phố này được ưu tiên tiêm vắc-xin để dập dịch nhanh, thì có nghĩa là tiêm vắc-xin cho 24% dân số cả nước, nhưng giảm được 90% nguồn lây nhiễm của cả nước, góp phần quan trọng dập dịch cả nước và sớm phục hồi kinh tế để tạo ra 42% GDP cho cả nước. Trong trường hợp lượng vắc- xin có hạn thì có thể ưu tiên cho 6 địa phương có biên giới liền kề với nhau (có nguy cơ lây nhiễm “chéo” rất cao): Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang. 6 tỉnh, thành phố này chiếm 84% tổng số người đang điều trị và 93% tổng số người chết của cả nước (1.789/1.919), nhưng chỉ chiếm 20% dân số Việt Nam (19,62 triệu dân) và đóng góp 39% GDP của cả nước.
Do đó, để việc tiêm vắc-xin đóng góp hiệu quả nhất vào việc phòng, chống dịch của cả nước, đề nghị xem xét thứ tự ưu tiên cho tiêm chủng đại trà (70% dân số) trong tháng 8 và tháng 9 năm 2021 cho Hà Nội và 9 địa phương có dịch nặng nhất.
Đến nay, sau 1 năm rưỡi, chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam với 3 trụ cột đã rõ: Phát huy sức mạnh của hệ thống Chính trị và văn hóa Việt Nam; Bốn phương châm phòng, chống dịch theo dịch tễ học (chủ động phòng ngừa; Phát hiện kịp thời; Truy vết thần tốc, cách ly triệt để; Điều trị hiệu quả): Tổ chức thực hiện theo nguyên tắc 5 tại chỗ (Nhiệm vụ tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; nhân lực tại chỗ; phương tiện, thiết bị, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Tự hào về thành tựu chống dịch vừa qua, thấy rõ các yếu kém, hạn chế ở mỗi ngành, mỗi cấp, nhìn thẳng vào sự thật, bám sát vào thực tiễn, tin tưởng ở nhân dân và tổng kết kịp thời, nhất định chúng ta sẽ phòng, chống dịch thành công ở Việt Nam.
Ý kiến ()