Các địa phương chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa
* Xuất hiện cúm gia cầm tại Quảng Ngãi * Hỗ trợ người nghèo khắc phục hậu quả thiên tai Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, các tỉnh miền bắc đang chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp phía tây nên khu vực này ngày nắng, chiều tối và đêm đã có mưa rào và dông vài nơi, riêng khu vực nam đồng bằng chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác.
* Xuất hiện cúm gia cầm tại Quảng Ngãi * Hỗ trợ người nghèo khắc phục hậu quả thiên tai Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, các tỉnh miền bắc đang chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp phía tây nên khu vực này ngày nắng, chiều tối và đêm đã có mưa rào và dông vài nơi, riêng khu vực nam đồng bằng chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác.
Dự báo, từ ngày 26-5, rãnh áp thấp phân tích trên sẽ hoạt động mờ dần, vùng áp thấp phía tây lại có xu hướng phát triển và mở rộng về phía đông nam làm thời tiết tại miền bắc sẽ xuất hiện nắng nóng. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác. Ðà Nẵng đến Bình Thuận mây thay đổi, ngày nắng, phía bắc có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi.
Vụ xuân 2013, toàn huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai gieo cấy gần 3.000 ha lúa. Mặc dù đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn rất cao nhưng nông dân ở 16/23 xã trong huyện vẫn gieo cấy gần 800 ha lúa BC15. Người dân vẫn tự mua về gieo cấy do giá thóc giống chỉ bằng nửa so với các loại giống khác. Tính đến nay toàn tỉnh đã có hơn 1.300 ha lúa xuân bị nhiễm rầy, tập trung nhiều nhất ở các huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên và Bắc Hà… Trước việc một số diện tích lúa đông xuân 2013 cấy giống BC15 tại một số tỉnh bị lép hạt được xác định nguyên nhân do thời tiết bất thuận ở giai đoạn trổ bông làm giảm khả năng thụ phấn, dẫn đến tỷ lệ kết hạt kém, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình đã quyết định hỗ trợ 500 tấn giống BC15 để chia sẻ thiệt hại, giúp bà con nông dân hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa kịp thời khôi phục sản xuất. Hiện nay, Tổng công ty đang cử cán bộ đến các địa phương để triển khai việc hỗ trợ cho nông dân. Tỉnh Hà Nam triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2013 với chỉ tiêu gieo cấy 33.990 ha lúa, năng suất đạt 56 tạ/ha và tổng sản lượng đạt 189.840 tấn; trong đó, phấn đấu sản xuất các giống lúa chất lượng hàng hóa trên 30% diện tích, tỷ lệ các giống lúa lai chiếm 20 đến 25% diện tích. Trước những bức xúc của người dân địa phương cho rằng các Nhà máy Prime Ðại Lộc, Nhà máy sản xuất gạch tuy-nen của Công ty cổ phần Phương Nam tại Cụm công nghiệp Ðại Quang (Ðại Lộc) là nguyên nhân gây ra tình trạng lúa chết, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo tổ chức quan trắc môi trường các khu vực quanh những nhà máy nói trên. Kết quả quan trắc phải báo cáo trước ngày 30-6. Tỉnh Phú Yên sẽ mở rộng diện tích trồng lúa lai lên 300 đến 500 ha trong số 1.600 ha vụ hè thu năm nay. Việc mở rộng diện tích trồng lúa lai được chính quyền huyện khuyến khích khi vụ đông xuân vừa qua huyện Sông Hinh thí điểm xây dựng 11 cánh đồng mẫu lớn kết hợp với sử dụng giống lúa lai TH3-3 trên diện tích 114 ha. Kết quả, năng suất lúa đạt bình quân 74 tạ/ha, trong khi năng suất của lúa thuần đạt 51 tạ/ha. Tỉnh Long An vừa công bố quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở năm huyện vùng Ðồng Tháp Mười là Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và Thạnh Hóa, tỉnh Long An đến năm 2020 với 48.907 ha, diện tích gieo trồng 105.862 ha. Theo đó, tỉnh đầu tư hơn 810 tỷ đồng tập trung nạo vét, đào mới gần 100 công trình thủy lợi lớn nhỏ để dẫn nước ngọt từ sông Tiền về phục vụ tưới tiêu, xây dựng đê bao ngăn lũ sớm đổ về, xây dựng vùng nhân giống lúa chất lượng cao để bảo đảm sản lượng đạt 565.000 tấn phục vụ chế biến xuất khẩu.
Trong các ngày từ 21 đến 24-5, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh thăm và trao tặng 200 triệu đồng cho các hộ nghèo tỉnh Hà Giang khắc phục hậu quả mưa đá, gió lốc. Ðây là tỉnh chịu nhiều thiệt hại nặng do thiên tai gây ra. Riêng trong hai tháng 3 và 4, mưa đá, gió lốc xảy ra trên diện rộng đã làm nhiều người bị thương, thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu của nhân dân và làm hỏng nhiều công trình phúc lợi… ước tính thiệt hại gần 100 tỷ đồng. Ngày 24-5, tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, Quỹ Tấm lòng vàng đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức trao tặng 1.500 áo phao, 250 tủ thuốc cho ngư dân thường xuyên đánh bắt, khai thác thủy sản trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ðồng thời, hỗ trợ 60 triệu đồng tiền mặt cho 12 ngư dân gặp nạn khi khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Tổng giá trị của đợt hỗ trợ này là hơn 410 triệu đồng. Theo thống kê nhanh của UBND TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, cơn mưa lớn kèm gió lốc kéo dài xảy ra sáng 23-5 đã làm tốc hơn 50 m2 mái nhà của trụ sở UBND thành phố; hơn 160 m2 pa-nô quảng cáo và nhiều hộp đèn, cây xanh bị phá hủy, bật gốc, ước thiệt hại gần 700 triệu đồng… Ban Chỉ huy PCLB TP Kon Tum đang thống kê thiệt hại do mưa, gió lốc gây ra để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Tỉnh Hòa Bình đồng loạt triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm H5N1 cho đàn gia cầm ở 11 huyện, thành phố với số lượng vắc-xin dự kiến hơn 2,6 triệu liều. Tỉnh chỉ đạo triển khai việc tiêm phòng đạt hiệu quả cao; tăng cường giám sát đàn gia cầm sau tiêm phòng. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người chăn nuôi không bán hoặc giết mổ gia cầm để ăn thịt khi tiêm vắc-xin cúm chưa đủ 15 ngày. Kinh phí hỗ trợ chiến dịch khoảng hơn hai tỷ đồng từ nguồn ngân sách tạm ứng của tỉnh. Các hộ nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở vùng ngập mặn ven biển huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đang đối mặt với tình trạng tôm nuôi bị chết trên diện rộng. Theo thống kê bước đầu, toàn huyện hiện có hơn 1.652 ha của 2.854 hộ thả nuôi 356 triệu con tôm giống bị thiệt hại, chiếm hơn 50% lượng giống thả nuôi. Tôm nuôi bị chết có nhiều nguyên nhân nhưng đáng kể nhất là do phong trào nuôi tôm phát triển quá nóng, còn mang tính tự phát, không có quy hoạch; trong khi đó, cơ sở hạ tầng ở vùng nuôi tôm nhất là hệ thống thủy lợi cho con tôm hiện không đáp ứng yêu cầu, môi trường nước đang có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng. Tỉnh Bến Tre vừa phân bổ 29 tấn Chlorine cho nông dân nuôi tôm khử trùng tiêu độc, xử lý các ao tôm có dịch bệnh, tránh lây lan ra diện rộng. Toàn tỉnh đã có 774 ha tôm nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh. Giá sản phẩm chăn nuôi thời gian gần đây giảm mạnh, trong khi giá thức ăn liên tục tăng, kèm theo tình trạng dịch bệnh lây lan đã khiến người chăn nuôi rơi vào tình trạng treo chuồng, phá sản. Ðứng trước tình hình này, ngày 22-5 tại tỉnh Ðồng Nai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng cùng nhiều địa phương đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp để “cứu” ngành chăn nuôi.
Vụ mùa năm nay, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc đã chuyển hơn 50.500 ha đất nương rẫy, đất ruộng không chủ động được nguồn nước sang trồng đậu tương, lạc, đậu xanh và đậu các loại. Diện tích các loại cây đậu đỗ này tập trung nhiều nhất ở các huyện Ea Súp, Buôn Ðôn, Ea H’Leo, Krông Búk, Cư M’Gar, Krông Pắc, Ea Kar. Ðây là những địa phương có diện tích gieo trồng đậu đỗ các loại trong vụ mùa nhiều nhất ở Tây Nguyên.
Các huyện nằm dọc theo sông Vàm Cỏ Ðông và Vàm Cỏ Tây, như Thủ Thừa, Thanh Hóa, Tân Thạnh, Bến Lức, Ðức Hòa, Ðức Huệ của tỉnh Long An đang bị nước mặn lấn sâu vào từ 114 đến 124 km nên bị thiếu nước ngọt sản xuất khiến tiến độ xuống giống vụ hè thu của các huyện này chậm lại. Ðể khắc phục tình trạng trên, tỉnh chỉ đạo bố trí người ngày đêm canh nước triều cường rút xuống để mở cống lấy nước ngọt từ tỉnh Tiền Giang về tưới tiêu và đẩy nước mặn ra biển.
Sáng 24-5, lực lượng cán bộ thú y huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi tiến hành tiêu hủy đàn vịt 900 con của một hộ gia đình ở thôn An Hội Bắc 2, xã Nghĩa Kỳ sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút cúm A(H5N1). Trước đó, ngày 9-5, một ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện trên đàn vịt 2.500 con của một hộ dân ở thôn An Hội Bắc 1, xã Nghĩa Kỳ. Ước thiệt hại khoảng 70 triệu đồng. Hiện địa phương đã triển khai biện pháp bao vây khống chế ổ dịch, khử trùng môi trường tại những hộ chăn nuôi gia cầm chung quanh vùng dịch.
Bảo đảm nguồn cung gia cầm, giống gia cầm trong nước
Chính phủ vừa chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có biện pháp bảo đảm nguồn cung gia cầm, giống gia cầm trong nước đáp ứng nhu cầu về số lượng, chủng loại với giá hợp lý; hỗ trợ giống, thuốc thú y và vắc-xin phòng, chống dịch cho đàn gia cầm của địa phương.
Bộ Công an tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách các đối tượng cầm đầu các đường dây vận chuyển gia cầm nhập khẩu trái phép, tổ chức theo dõi thường xuyên kịp thời phát hiện và có biện pháp đấu tranh, xử lý thích đáng các đối tượng vi phạm cam kết đã ký. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía bắc hoàn thành việc kiện toàn trạm kiểm soát liên hợp, đội cơ động liên ngành đủ thành phần để thực hiện yêu cầu công tác; chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương vận dụng các quy định pháp luật, thực hiện thời gian tạm giữ tối đa đối với phương tiện vi phạm bị bắt giữ. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía bắc chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ, chế biến, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các cơ sở giết mổ tập trung, chợ đầu mối, chợ dân sinh và cửa hàng kinh doanh gia cầm; chỉ đạo cấp ủy, UBND các xã giáp biên giới trong việc kiểm tra, giám sát không để xảy ra tình trạng vận chuyển, hợp thức hóa, giết mổ gia cầm nhập khẩu trái phép trên địa bàn; chăm lo đời sống và tạo việc làm, thu nhập ổn định đi đôi với tuyên truyền, giáo dục dân cư ở khu vực biên giới nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật.
Theo Nhandan
Ý kiến ()