Các địa phương chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô
Nắng nóng trên diện rộng, cùng với thời tiết hanh khô kéo dài trong nhiều ngày qua đã làm cho toàn bộ diện tích rừng ở khu vực nhiều tỉnh thành trên cả nước luôn trong tình trạng nguy hiểm. Trước tình hình này, các địa phương đã tập trung cao độ nguồn nhân lực, vật lực, sẵn sàng cho công tác phòng chống cháy rừng (PCCR).
*Vĩnh Phúc: Từ đầu tháng 5 đến nay thời tiết nắng nóng kéo dài khiến các khu vực rừng trong toàn tỉnh đang đối mặt với nguy cơ cháy cao. Để chủ động ngăn ngừa nguy cơ cháy rừng, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, ngành Kiểm lâm tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực.
Các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng mùa khô hanh (Ảnh minh họa: yenbai.com) |
Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCR cấp tỉnh, huyện và Ban chỉ huy cấp xã, xây dựng và thẩm định các phương án cảnh báo, dự báo và chữa cháy rừng tại các huyện theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng con người, phương tiện máy móc, dụng cụ kỹ thuật, hậu cần cho công tác chữa cháy rừng); mua sắm trang thiết bị, xây dựng mới, sửa chữa và duy trì hoạt động thường xuyên các công trình phục vụ bảo vệ rừng và PCCR; tổ chức diễn tập phương án PCCR; tăng cường lực lượng kiểm tra, rà soát lửa rừng, hạn chế người dân mang dụng cụ có thể gây cháy vào rừng…
Song song với đó, lực lượng chức năng và các địa phương trong huyện đã tổ chức ký cam kết với các đơn vị, chủ rừng, hộ nhận giao khoán đất trồng rừng ký cam kết tự nguyện và tích cực thực hiện các phương án PCCR; mở các lớp tập huấn về công tác PCCR; tăng cường kiểm tra công tác PCCR, phương án chữa cháy cuả các đơn vị, chủ rừng; hướng dẫn các chủ rừng phát dọn thực bì trước và sau khai thác đúng quy trình; xây dựng các chòi canh lửa, đường băng cản lửa, thiết lập các biển báo cấm lửa và bảng tuyên truyền; chuẩn bị đầy đủ phương tiện và công cụ phục vụ PCCR. Đồng thời, yêu cầu các chủ rừng phải xây dựng đội PCCR tại chỗ, xây dựng các phương án chữa cháy, triển khai nhanh các phương án chống cháy rừng khi có sự cố xảy ra để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
* Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng trong bối cảnh mùa nắng nóng hiện nay và ngày càng nhiều vụ cháy rừng do công tác quản lý chưa tốt. Một trong những giải pháp quan trọng là tỉnh thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường vai trò của người dân trong phòng, chống cháy rừng.
Để thực hiện giải pháp trên, Tỉnh Thừa Thiên – Huế phấn đấu đến cuối năm 2014 giao 35.000 ha rừng cho dân quản lý, chăm sóc và bảo vệ; điều này có ý nghĩa rất lớn trong trong phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngay từ những ngày đầu hè, người dân trong tỉnh luôn sát cánh với lực lượng kiểm lâm túc trực hàng ngày 24/24 giờ trên các chòi canh để PCCR; Lực lượng kiểm lâm trên từng địa bàn đã phối hợp với UBND các địa phương ven rừng chủ động lập kế hoạch quản lý rừng tại chỗ, ký cam kết bảo vệ rừng cho hơn 13.600 hộ gia đình, đơn vị; cấp phát trên 8.600 tờ rơi tuyên truyền cảnh báo về cháy rừng…
* Hà Tĩnh: Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công điện khẩn về việc bổ cứu các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Để thực hiện các biện pháp cấp bách PCCR trên phạm vi toàn tỉnh, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo chính quyền địa phương, chủ rừng, các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; Kiểm tra, rà soát Phương án PCCR, của từng địa phương, đơn vị; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng.
Cùng với đó, thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc tổ chức thực hiện phương án PCCR của các chủ rừng và các đơn vị cơ sở; chỉ đạo chủ rừng và chính quyền địa phương huy động lực lượng bảo vệ rừng, dân quân tự vệ, Kiểm lâm địa bàn, bố trí, phân công thường xuyên trực gác; vào những thời gian cao điểm nắng nóng, nghiêm cấm mọi người dân, chủ rừng xử lý đốt thực bì để trồng rừng…
Ngoài đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”, “4 sẵn sàng”, các chủ rừng còn thực hiện phương châm “3 trọng điểm” gồm: ngày trọng điểm, giờ trọng điểm và khu vực trọng điểm trong phòng chống cháy rừng.
* Nghệ An: Hiện tại, ở Nghệ An có hơn 30.000 ha rừng thông dễ cháy, trong đó vùng trọng điểm gồm 16.000ha. Tuy nhiên, hiện việc phát dọn thực bì mới chỉ triển khai được 5.000ha. 11.000ha rừng chưa có kinh phí để thực hiện nên nguy cơ cháy rừng luôn đe dọa.
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/2014, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, Nghệ An trải qua một thời gian dài nắng nóng gay gắt, trời không mưa, tình trạng khô hạn đã xảy ra. Nắng nóng kết hợp với hiệu ứng Phơn Tây Nam khô nóng, các hồ đập cạn kiệt nguồn nước khiến cấp dự báo từng luôn ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Các loại thực bì dưới tán rừng khô dày, rất dễ bén lửa gây ra cháy rừng và tốc độ tan tràn lửa rất nhanh, tạo ra những đám cháy lớn và gây khó khăn trong công tác cứu chữa.
Để công tác PCCR dạt hiệu quả, tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cấp, các ngành và các đơn vị chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm tra, nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc PCCR. UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Sở NN&PTNN sớm xem xét giao đất rừng (kể cả giao và khoán rừng) cho người dân chăm sóc, quản lý và bảo vệ; bố trí thêm các điểm, chòi canh lửa trong các khu rừng để kịp thời phát hiện các nguy cơ xảy ra cháy; tăng cường các biện pháp tuyên truyền để người dân cùng tham gia với các lực lượng chức năng trong thực hiện PCCR trong mua khô hanh…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()