Các địa phương cấp bách triển khai các phương án phòng chống mưa lũ
Tỉnh Thanh Hóa đang tập trung tối đa lực lượng, phương tiện cấp bách triển khai các phương án khắc phục hậu quả mưa lớn liên tiếp trong 4 ngày qua để nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân; đồng thời đề nghị Trung ương sớm hỗ trợ giống ngô và một số loại rau, màu các loại để khôi phục sản xuất trên các diện tích có khả năng mất trắng do mưa lũ gây ra. Ngay sau khi có mưa lớn xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp xuống các địa phương, nhất là địa bàn trọng điểm, xung yếu để kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Thanh Hóa: tính đến 14 giờ ngày 12/9, toàn tỉnh đã có hàng chục ngàn ha lúa màu bị ngập, trong đó có 6.473 ha lúa mùa có khả năng mất trắng và hơn 6.000 ha lúa bị giảm năng suất do bị ngập trong nước đúng thời điểm lúa đang trổ bông và phơi màu; hơn 110 ha mía bị ngã đổ; 1.128...
Tỉnh Thanh Hóa đang tập trung tối đa lực lượng, phương tiện cấp bách triển khai các phương án khắc phục hậu quả mưa lớn liên tiếp trong 4 ngày qua để nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân; đồng thời đề nghị Trung ương sớm hỗ trợ giống ngô và một số loại rau, màu các loại để khôi phục sản xuất trên các diện tích có khả năng mất trắng do mưa lũ gây ra. Ngay sau khi có mưa lớn xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp xuống các địa phương, nhất là địa bàn trọng điểm, xung yếu để kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Thanh Hóa: tính đến 14 giờ ngày 12/9, toàn tỉnh đã có hàng chục ngàn ha lúa màu bị ngập, trong đó có 6.473 ha lúa mùa có khả năng mất trắng và hơn 6.000 ha lúa bị giảm năng suất do bị ngập trong nước đúng thời điểm lúa đang trổ bông và phơi màu; hơn 110 ha mía bị ngã đổ; 1.128 ha hoa màu các loại bị ngập úng. Một số địa phương bị thiệt hại nặng như: Tĩnh Gia có hơn 4.000 ha lúa bị ngập, Triệu Sơn 350 ha, Nông Cống 300 ha, Như Thanh, Như Xuân trên 100 ha…; ngoài ra còn 714 hộ dân bị ngập; khoảng 3.900 m3 hồ đập và 22.000 m3 đê điều bị sạt lở, 561ha nuôi trồng thủy sản bị tràn…, ước tính thiệt hại khoảng 385 tỷ đồng.
Khẩn trương triển khai các phương án phòng chống lũ |
Tại huyện Nông Cống, mưa lớn kéo dài, cộng với việc xả lũ thiếu linh hoạt của hồ chứa nước thủy lợi Yên Mỹ đã khiến hơn 1.200 ha lúa mùa của huyện đang vào thời kỳ trổ bông bị chìm sâu trong nước lũ. Theo phản ánh của người dân, mưa lớn nên Công ty Thủy nông sông Chu – đơn vị chủ quản công trình hồ thủy lợi Yên Mỹ – đã cho xả lũ liên tục từ 20 giờ đêm 10/9 đến tận 9 giờ sáng nay 11/9. Các xã: Tượng Sơn, Vạn Thiện, Công Chính, Công Liêm, Thăng Bình… của huyện Nông Cống là những xã bị thiệt hại nặng nề nhất. Riêng xã Tượng Sơn toàn bộ diện tích 375 ha lúa mùa đã bị ngập toàn bộ. Toàn huyện có tới 350 hộ dân bị cô lập hoàn toàn. Ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: “Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại về lúa của huyện đã lên tới gần 40 tỷ đồng. Nếu những ngày tới vẫn tiếp tục mưa, số diện tích lúa mất trắng của huyện có thể lên tới 3.000-4.000 ha. Điều đáng nói là hầu hết số diện tích bị ngập lụt đều nằm trong khu vực không thể chủ động tiêu úng của huyện”.
Tại huyện Triệu Sơn, mưa lớn cũng đã khiến gần 400 ha lúa mùa đang vào thời kỳ làm bông của huyện bị ngập lụt, trong đó có khảng 150 ha nằm trong diện mất trắng. Các xã bị thiệt hại nặng nề như: Tân Ninh (50 ha), Thọ Thế (20 ha), Dân Quyền (30 ha), Đồng Tiến (30 ha)… Khó khăn lớn nhất mà huyện đang phải đối mặt hiện nay là khả năng tự tiêu úng của hệ thống kênh mương là rất thấp. Nếu thời tiết vẫn tiếp tục gây mưa lớn, diện tích lúa bị ngập sâu trong nước sẽ tiếp tục tăng là điều không thể tránh khỏi.
Mưa lớn khiến cho giao thông dọc quốc lộ 1A đoạn qua các huyện Tĩnh Gia, Hà Trung gặp khá nhiều khó khăn. Tỉnh lộ 512 nối QL1A chạy qua địa bàn Tĩnh Gia đi huyện miền núi Như Thanh, Nông Cống đã bị chia cắt bởi nước lũ. Cũng tại TP.Thanh Hóa, nhiều tuyến đường phố bị ngập cục bộ như: ngã tư Tô Vĩnh Diện-Bà Triệu; ngã ba Phan Chu Trinh-Dương Đình Nghệ; Trường Thi; Nguyễn Trãi…
Mưa lớn cũng khiến cho mực nước ở một số hồ đập lớn trên địa bàn như hồ Cửa Đạt, hồ Asen, hồ Hao Hao, hồ sông Mực… đã ở mức tương đối cao và bắt đầu chu trình xả tràn. Trong đó mực nước tại hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt đã đạt 99,07 m, vượt cao trình xả tràn gần 2 m nước. Hiện các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các công trình đang thi công. Tiến hành sơ tán dân vùng trũng thấp, vùng ngập lụt đến nơi an toàn, có phương án hỗ trợ lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng đói rét. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các cấp các ngành tổ chức kiểm tra và huy động mọi lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục ngay các khu vực sạt lở, sự cố hư hỏng về giao thông, đê điều, hồ đập, bờ bao nuôi trồng thủy sản… tập trung phương tiện, nhân lực để thi công các công trình đê điều, hồ đập ngay sau khi mưa tạnh, nước rút nhằm đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, kịp thời đưa vào sử dụng, chủ động đối phó với những đợt lũ bão tiếp theo./.
* Sản xuất vụ 3 năm nay không thuận lợi ngày từ đầu vụ đã gặp mưa bão thường xuyên, theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, do ảnh hưởng mưa lũ trong những ngày gần đây đã làm ngập úng trên các cánh đồng làm sạt lở tuyến đê bao xã Phú Hữu (huyện An Phú) làm mất trắng 2,4 ha lúa và gãy trụ điện, gây mất điện tại huyện Thoại Sơn nên không thể bơm rút nước kịp thời, làm mất trắng 10.000 ha lúa phải gieo sạ lại. Trong những ngày này trên địa bàn tỉnh An Giang có mưa lớn liên tục, làm mực nước trên các sông rạch đang tiếp tục lên nhanh. Tỉnh An Giang đã huy động toàn bộ lực lượng chiến sĩ quân đội, Bộ đội Biên phòng, Công an, dân phòng cùng với ngành nông nghiệp phòng ngừa bảo vệ lúa và hoa màu vụ 3.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh An Giang: trong 5 ngày tới, do ảnh hưởng của mưa lũ và triều cường, mực nước sẽ tăng nhanh trên các nhánh sông, rạch và vùng Tứ giác Long Xuyên với mực nước tại đầu nguồn Tân Châu là 4 mét, Châu Đốc 3,5 mét, xấp xỉ mức báo động II. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các địa phương kiểm tra nghiêm ngặt đê bao, kiên quyết ngăn chặn không để nông dân xuống giống vụ 3 ngoài đê bao; huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị sẵn cừ tràm, bao cát, phương tiện thi công và nhân lực để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Ngành điện phải đảm bảo đủ điện liên tục phục vụ cho nhu cầu bơm tiêu không để lúa bị ngập úng mất trắng. Ngành nông nghiệp An Giang đã tiến hành trực lũ 24/24 giờ, phối hợp lực lượng Công an, Bộ đội, Dân phòng địa phương và Bộ đội biên phòng tăng cường công tác kiểm tra mỗi ngày các tuyến đê bao, nhất là các tuyến đê bao xung yếu, cống dưới đê, đặc biệt chú trọng 83 tiểu vùng đê bao mở mới của 8 huyện thị trong tỉnh như Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Châu Đốc…
.
Hiện, toàn tỉnh đã cơ bản xuống giống dứt điểm trên 130.900 ha lúa vụ 3 theo kế hoạch, trong đó mở mới 28.653 ha lúa và hoa màu. Nông dân An Giang đang rất lo ngại với thời tiết mưa lũ liên tục hiện nay và còn trình trạng giá lúa đang ở mức cao nên nông dân huyện biên giới Tịnh Biên đã tự phát xuống giống vụ 3 ngoài vùng đê bao không an toàn.
* Tỉnh Khánh Hòa đang tích cực chuẩn bị công tác phòng chống bão lụt (PCBL), sẵn sàng đón mùa mưa bão trong năm nay. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đã kiện toàn Ban chỉ huy PCBL các cấp, 100% các xã, phường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã rà soát lại phương án PCBL với phương châm “4 tại chỗ” để phù hợp với từng đia phương và tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp.
Ban chỉ huy PCBL tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các đơn vị quản lý các hồ chứa nước phải xây dựng phương án PCBL và đảm bảo an toàn vùng hạ lưu cho riêng từng hồ. Đồng thời, bắt đầu từ tháng 9, Ban quản lý các hồ phải báo cáo mực nước hồ, lượng nước xả, lưu lượng nước… từng ngày về cho Ban chỉ huy PCBL cấp tỉnh. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị thi công tích cực tu sửa, gia cố các tuyến đường trước mùa mưa lũ năm nay. Riêng về tỉnh lộ 9, ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết: Tuyến đường này sạt lở nặng ở mùa mưa năm ngoái và đang được tu sửa gần 56 km, đường được nâng cấp từ 1 làn thành 2 làn xe để tránh ách tắc giao thông nếu có sự cố xảy ra. Các cống hộp trên tuyến đường này cũng được nâng khẩu độ, mở rộng, gia cố, khơi dòng. Riêng cầu Sơn Bình nối 2 xã Sơn Lâm, Thành Sơn (Khánh Sơn) bị cuốn trôi trong đợt lũ năm ngoái vẫn chưa khắc phục được, Sở đã chỉ đạo làm một đường tránh để người dân đi lại.
Ban chỉ huy PCLB tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo người dân không được chủ quan với mưa lũ, phải cập nhật thông tin thời tiết thường xuyên; chuẩn bị lương thực, thực phẩm và phương án di dời tài sản; đồng thời các tàu thuyền phải chấp hành hiệu lệnh của bộ đội biên phòng, không ra khơi khi thời tiết xấu.
* Các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Thủ Thừa và Đức Huệ ( Long An) đã huy động gần 2 tỷ đồng để gia cố đê bao ngăn lũ bảo vệ an toàn cho vùng chuyên canh mía.
Hiện nay, mực nước lũ ở các huyện đầu nguồn của tỉnh là Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa cao hơn từ 0,7 -1,7 m so với cùng kỳ. Để chủ động phòng chống lũ, các huyện nằm dưới nguồn lũ là Đức Hòa, Bến Lức, Đức Huệ và Thủ Thừa đã tích cực huy động nhân dân đóng góp, lao động gia cố được gần 500 km đê bao nằm dọc theo sông Vàm Cỏ Đông để ngăn nước lũ từ các huyện đầu nguồn đổ xuống và triều cường dâng tràn vào bảo vệ an toàn cho hơn 13.500 ha mía. Riêng huyện Bến Lức huy động hơn 1 tỷ đồng, thuê phương tiện cơ giới gia cố hơn 200 km đê bao, bảo vệ an toàn cho gần 9.000 ha trong mùa lũ năm nay.
Hai nhà máy đường Hiệp Hòa và Bến Lức tổ chức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm 40-50% diện tích để cung ứng phân bón, hỗ trợ vốn cho bà con gia cố đê bao phòng chống lũ, đẩy mạnh thâm canh. Nhờ vậy đến nay bà con đã hoàn thành việc chăm bón phân cho 100% diện tích.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()