Các địa phương cần có chiến lược khi tiếp cận thị trường châu Âu
“Liên minh châu Âu (EU) là đối tác toàn diện của Việt Nam. Chúng ta có thể hợp tác mọi mặt với EU, trong đó kinh tế là lĩnh vực trọng tâm. Tuy nhiên, để hợp tác với EU, các địa phương cần có chiến lược và cách tiếp cận bài bản, cụ thể.”
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, kiêm nhiệm Công quốc Luxembourg, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU, đã trả lời phỏng vấn báo chí như vậy bên lề Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 diễn ra tại Hà Nội ngày 13-12.
Những “cánh tay nối dài”
Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo: EU có 27 nước thành viên và Việt Nam có 15 cơ quan đại diện tại khu vực này. Đây là những “cánh tay nối dài” của các địa phương để thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước. Do đó, từng địa phương cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở khu vực này.
Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện của EU tại Việt Nam cũng là những đầu mối quan trọng mà các địa phương nên bám sát để thúc đẩy hợp tác.
Một trong những kênh hợp tác hết sức quan trọng là hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) của EU đang hoạt động tại Việt Nam từ nhiều năm nay. Các DN này hiểu Việt Nam nên có thể là cầu nối giúp các địa phương của Việt Nam tiếp cận, mở rộng hợp tác với các địa phương của EU.
“Chúng tôi rất mong muốn có sự liên kết giữa các địa phương và DN của EU. EU không phân biệt cà phê của Đắc Lắc hay Kon Tum mà chỉ biết là cà phê của Việt Nam. Họ cũng không cần biết xoài của Bến Tre hay Đồng Tháp mà chỉ biết là xoài của Việt Nam. Vì vậy, các địa phương cần liên kết với nhau, cùng xây dựng một chương trình tiếp cận vào EU thì sẽ hiệu quả và phù hợp hơn”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh.
![]() |
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội nghị. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Cũng theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo: Để thúc đẩy thương mại và đầu tư với EU, trước hết các địa phương cần xác định thế mạnh của mình cũng như sản phẩm nào là chủ lực, có thu hút được thị trường châu Âu hay không. Thứ hai, châu Âu là thị trường tiêu chuẩn cao.
Việt Nam có thuận lợi là đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU (EVFTA). Nhưng để vào được EU, các địa phương sau khi xây dựng được sản phẩm, lĩnh vực đầu tư, cần có kế hoạch tổng thể, bài bản, nêu rõ điểm mạnh và cần đầu tư thích đáng về con người. Khi triển khai, cần có tầm nhìn dài hạn mới mang lại tính hiệu quả cao và sự bền vững.
Nhấn mạnh Hiệp định EVFTA là thuận lợi cơ bản trong hợp tác giữa Việt Nam và EU, đại sứ cho biết, ở khu vực châu Á, EU đã ký FTA với 4 nước, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam. Trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore không phải là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong một số mặt hàng, như: Nông, lâm, thủy, hải sản. Một thuận lợi khác là khi làm việc với EU, chỉ cần vào được một nước thì hàng hóa sẽ đi vào được 26 nước còn lại.
Tuy nhiên, bất lợi ở chỗ, khi hàng hóa vào nhiều cũng sẽ đồng nghĩa xảy ra nhiều rào cản thương mại, tranh chấp khiếu kiện xảy ra. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo lấy ví dụ minh họa về một trận bóng, trong đó chính phủ đã tạo sân bóng tốt, có luật lệ tốt.
Tuy nhiên, để có trận bóng hay thì trước tiên cầu thủ phải giỏi, các DN Việt Nam phải có sản phẩm tốt, có tính cạnh tranh, DN phải đủ năng lực. Thứ hai là sự phối hợp liên kết giữa các DN tạo nên sức mạnh tổng thể, giống như trận bóng không thể một cầu thủ làm nên chiến thắng. Thứ ba, DN Việt cần nắm rõ luật lệ để vào được EU, tránh những tổn thất không đáng có.
Mở cửa để tháo “điểm nghẽn” trong thương mại
Mở cửa phục hồi sau đại dịch Covid-19 là yêu cầu cấp bách với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết, năm 2020, châu Âu bị tác động rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, EU có cách tiếp cận rất sớm, bao phủ vaccine diện rộng và đã mở cửa từ khá sớm. “Ở Việt Nam hiện nay, với nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan ngoại giao, chúng ta đã có một lượng vaccine và mức độ bao phủ cũng tương đối tốt, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin để mở cửa. Vấn đề mở cửa không chỉ là du lịch mà còn là tháo “điểm nghẽn” trong thương mại hàng hóa”, đại sứ nhấn mạnh.
Trong đại dịch Covid-19, cản trở lớn nhất đối với thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với toàn thế giới nói chung và với EU nói riêng là vấn đề về giá cước vận tải container. Trong đại dịch, cước vận tải container từ Việt Nam sang EU tăng gấp từ 5 đến 10 lần so với trước đại dịch.
Vì thế, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng, nếu Việt Nam không tiến hành mở cửa nền kinh tế, điều này sẽ tác động nặng nề đến đời sống kinh tế và xã hội của đất nước, đặc biệt tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm của hàng chục triệu nông dân, từ đó gây nhiều hệ lụy trong vấn đề về xã hội.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()