Các địa phương cần chủ động mua sắm thiết bị xét nghiệm, nâng cao năng lực xét nghiệm trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh
– Sáng nay (14/5), Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối 63 điểm cầu tại các bệnh viện trong cả nước về hướng dẫn triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Lạng Sơn, tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Y tế, các phòng chuyên môn liên quan.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế và các thành phần dự họp tại điểm cầu tỉnh
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có đầy đủ các kỹ thuật xét nghiệm như: Realtime RT-PCR; sử dụng sinh phẩm test nhanh kháng nguyên và test nhanh kháng thể với vi rút SARS-CoV-2 với 31 loại sinh phẩm phục vụ cho các kỹ thuật xét nghiệm trên được Bộ Y tế cấp phép và cho lưu hành.
Đến nay, toàn quốc có 175 phòng xét nghiệm có khả năng thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó, 125 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm khẳng định. Công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm có thể thực hiện tới 100.000 mẫu đơn/ngày và có thể tăng lên gấp 2 đến 3 lần nếu thực hiện xét nghiệm gộp mẫu.
Chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Việt Nam đã thực hiện trên 300.000 mẫu xét nghiệm. Cùng với đó, Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ hướng dẫn cho các loại hình xét nghiệm để chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Tại hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu đã có nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị để nâng cao năng lực xét nghiệm trong thời gian tới như: cách thức lấy mẫu xét nghiệm gộp; công tác ngoại kiểm kiểm soát chất lượng xét nghiệm; định hướng đấu thầu, mua sắm các sinh phẩm xét nghiệm và tổ chức thêm hội nghị về công tác xét nghiệm SARS-CoV-2.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao năng lực xét nghiệm của các đơn vị trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Đồng chí đề nghị các địa phương cần chủ động mua sắm thiết bị xét nghiệm, nâng cao năng lực xét nghiệm với phương châm “bốn tại chỗ”, kịp thời lựa chọn các phương án xét nghiệm phù hợp với từng đơn vị trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Việc đầu tư hệ thống xét nghiệm, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm phải công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường tập huấn nâng cao năng lực xét nghiệm cho đội ngũ cán bộ y tế, chủ động xây dựng kịch bản cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch trong thời gian tới.
Theo Báo cáo của Sở Y tế, Lạng Sơn hiện có hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tham gia công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn với công suất thực hiện từ 500 đến 800 mẫu/ngày. Hiện nay, Hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR của BVĐK tỉnh đã được Bộ Y tế công nhận có đủ năng lực xét nghiệm khẳng định sau 1 năm triển khai thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Được sự cho phép của UBND tỉnh, ngành y tế Lạng Sơn sẽ đầu tư thêm 1 hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR để nâng cao năng lực xét nghiệm trên địa bàn. Các đơn vị y tế cũng đang khẩn trương đấu thầu, mua sắm các xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và test nhanh kháng thể để kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch của tỉnh. |
Ý kiến ()