Các địa phương bắt đầu khắc phục hậu quả mưa lũ
Hiện một số tỉnh bị ảnh hưởng mưa lũ nặng nề đã lên phương án hỗ trợ người dân tìm kiếm người mất tích, chôn cất người thiệt mạng; sửa chữa nhà cửa, cung cấp lương thực, đồng thời vẫn sẵn sàng di dân nếu xảy ra diễn biến xấu.
Cuộc họp của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tối 11/10. Ảnh: Báo Thanh Hóa |
Theo báo cáo nhanh của tỉnh Thanh Hóa, tính đến 17h ngày 11/10, trên toàn tỉnh, mưa lũ làm 8 người chết, 3 người bị thương, 4 người mất tích, 39 nhà sập hoàn toàn, 6.103 nhà bị ngập, 9 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Mưa lũ cũng khiến 423 ha lúa bị ngập; 2,5 tấn lúa đã thu hoạch bị cuốn trôi; 5.541 ha ngô bị ngập, đổ, gãy; 573 ha mía bị thiệt hại; 14.537 ha rau màu, 142 ha cây ăn quả bị ngập, bị hư hại… Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, đê điều bị hư hỏng.
Trươc tình hình này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại giải pháp di dân; chủ động công tác hậu cần. Việc trực, gác canh đê cần được tập trung cao độ, tránh không để tình trạng xảy ra sự cố đê. Sở Công Thương chuẩn bị nước đóng chai, lương khô, mì tôm để sẵn sàng hỗ trợ cho nhân dân vùng ngập lụt.
Với vùng miền núi, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tiếp tục rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt để di dân đến nơi an toàn. Tại địa điểm mới, các địa phương bảo đảm lương thực, nước uống tối thiểu trong 3 ngày cho nhân dân. Các lực lượng hỗ trợ của tỉnh rà soát lại số xuồng, thuyền, bè để có phương án sẵn sàng ứng phó khi có đề nghị chi viện. Tại tất cả ngầm, tràn, suối nguy hiểm, phải có biển báo nguy hiểm, có lực lượng trực gác.
Tập trung lực lượng canh gác và sẵn sàng xử lý sự cố phát sinh ở các hồ đập, toàn bộ hệ thống đê điều, phải được duy trì tuần tra, canh gác 24/24h, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý sự cố ngay từ giờ đầu; đặc biệt chú ý những điểm đã xảy ra sự cố những năm trước.
Lực lượng quân đội tỉnh Hòa Bình sẵn sàng ứng cứu dân. Ảnh: Báo Hòa Bình |
Tại Hòa Bình, trong cuộc họp bàn phương án khắc phụ hậu quả mưa lũ chiều tối ngày 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang yêu cầu những ngày tới, dự báo sẽ còn 1 đợt áp thấp nhiệt đới di chuyển vào đất liền gây mưa lớn trên diện rộng nên việc cần làm ngay là tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ mai táng cho người mất. Chuẩn bị phương tiện và cơ số hàng cứu trợ để giúp đỡ vùng người dân vùng bị cô lập ở huyện Đà Bắc.
Thực hiện cứu trợ lương thực và hỗ trợ người chết, mất tích 5 triệu đồng/hộ gia đình nạn nhân. Các ngành theo chức năng, cần triển khai thực hiện để chăm sóc sức khỏe nhân dân, cố gắng đưa cuộc sống nhân dân trở lại ổn định sớm nhất…
Hòa Bình cũng là tỉnh chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản. Tính đến chiều tối ngày 11/10, toàn tỉnh đã có 14 người chết và mất tích do bị sạt lở và lũ cuốn; 2 người bị thương. Hiện còn 10 người mất tích chưa tìm thấy. Các thiệt hại về tài sản, hoa màu, giao thông, thuỷ lợi cũng rất lớn.
Đà Bắc là địa phương chịu mất mát về người nhiều nhất tỉnh Hòa Bình với 3 người chết, 7 người mất tích.
Chiều 11/10, Quốc lộ 7A qua địa bàn huyện Tương Dương, Kỳ Sơn (Nghệ An) bị sạt lở nặng. |
Tại Nghệ An, đợt mưa lũ này đã khiến 8 người thiệt mạng; khiến 34 nhà dân bị sập, gần 1.000 hộ bị ngập nước ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Thái Hòa, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn…
Mưa lũ cũng làm hàng nghìn ha ngô, rau màu, cây trồng, cây ăn quả… bị ngập cùng nhiều thiệt hại về vật nuôi, cây trồng khác.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị chết, gia đình có nhà bị hư hỏng nặng, gia đình chính sách, neo đơn.
Huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ trên địa bàn để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, sửa chữa lại nhà cửa, cây cối, thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường; khử trùng, không thể dịch bệnh bùng phát, lây lan; nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngầm, tràn, tắc đường để cảnh báo cho nhân dân biết; huy động phương tiện, lực lượng trực gác để hướng dẫn giao thông, cảnh giới, cấm đường để đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi trên sông khi có lũ lụt.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()