Các di sản văn hóa, không gian kiến trúc bị đe dọa trước áp lực đô thị
Theo báo cáo của Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị ở thành phố đang bị đe dọa trước áp lực về quá trình phát triển đô thị.
Công trình kiến trúc trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh .
Các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị ở thành phố đang bị đe dọa trước áp lực về quá trình đô thị, sức ép về tăng dân số, áp lực về quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố.
Đây là nhận định của Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố, tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa IX chiều 8/12.
Di sản văn hóa ở thành phố rất phong phú, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, bao gồm các vết tích lịch sử, cơ sở tín ngưỡng-tôn giáo, các công trình công cộng, cơ quan nhà nước.
Thành phố có 3 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là ca trù, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và Lễ hội Nghinh Ông (huyện Cần Giờ). Còn Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5 đang được thành phố gửi hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thành phố hiện có 172 di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng; 13 bảo tàng, các bảo tàng thuộc thành phố hiện đang lưu giữ khoảng 540.800 hiện vật, tài liệu, đặc biệt, có 15 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Cảnh quan kiến trúc ở thành phố cũng rất phong phú, đa dạng; cùng với trên 1.000 biệt thự trước năm 1975 có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử.
Từ năm 2009 đến nay, thành phố đã bố trí kinh phí hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 32 di tích với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng; phê duyệt các dự án tu bổ, tôn tạo di tích với tổng mức đầu tư khoảng 120 tỷ đồng; ghi vốn chuẩn bị đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vận động xã hội hóa trong tu bổ di tích là khoảng 400 tỷ đồng với hơn 20 di tích được tu bổ, chủ yếu là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo đánh giá của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố, mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng vấn đề bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị ở thành phố ngày càng nhiều khó khăn, phức tạp; áp lực của quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa, việc cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển đang là một bài toán khó cho lĩnh vực bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị.
Nhiều công trình mới đã và đang xây dựng ở khu vực trung tâm gây tác động và thay đổi cấu trúc cảnh quan đô thị nói chung, không gian nhiều công trình nói riêng. Các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị có phần bị biến dạng, biến mất hoặc đang bị đe dọa trước áp lực về quá trình đô thị, sức ép về tăng dân số, áp lực về quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố.
Trong khi đó, việc xây dựng các quy định về công tác bảo tồn di sản đô thị còn chậm so với quá trình phát triển. Các công trình, địa điểm đang nằm trong danh mục kiểm kê di tích khó vận động chủ sở hữu xếp hạng di tích. Đặc biệt, hiện nay có những công trình rất quan trọng như Trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố, Bưu điện thành phố, chợ Bến Thành, chợ Tân Định, Chùa Chantarangsay (Chùa Khmer), Chùa Vĩnh Nghiêm, Nhà thờ Đức Bà… vẫn chưa được xếp hạng di tích.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố cho rằng: “Thời gian qua chúng ta khá lúng túng trong công tác quản lý di sản, nhận thức xã hội về giá trị di sản cũng chưa cao, chưa có cách hành xử đúng mức. Di sản và kiến trúc đô thị chính là phần “hồn” của thành phố, nếu nhìn nhận di sản và kiến trúc đô thị như sự lạc hậu cần phá dỡ thì chính chúng ta đánh mất chúng ta. Cần quảng bá để mọi người dân đều hiểu, trân trọng giá trị của phần ‘hồn’ đô thị này. Đồng thời, cần chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác di sản”.
Trước những hạn chế, tồn tại trong công tác bảo tồn di sản, cảnh quan đô thị, Thường trực Hội đồng Nhân dân cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố sớm ban hành chính sách bảo tồn phù hợp với từng loại công trình, địa điểm, có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sở hữu trong việc bảo tồn, nâng cấp, sửa chữa các di tích; Cần xem di sản là một yếu tố quan trọng trong chiến lước phát triển kinh tế thành phố, từ đó đưa ra giải pháp khai thác có hiệu quả, đẩy mạnh xã hội hóa trong trùng tu, tôn tạo;
Đẩy nhanh tiến độ rà soát, thống kê, phân loại biệt thự cũ trước năm 1975 để thực hiện bảo tồn (nhóm 1, nhóm 2), đồng thời, tạo điều kiện cho chủ sở hữu các biệt thự cũ thuộc nhóm không cần bảo tồn (nhóm 3) có thể tháo dỡ để xây dựng mới.
Công tác quy hoạch đô thị cần phải gắn với bảo tồn cảnh quan đô thị và phát triển du lịch; có giải pháp phù hợp để bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích kinh tế-xã hội và việc bảo tồn giá trị cảnh quan kiến trúc đô thị./.
Ý kiến ()