Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Bộ trưởng phụ trách Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đã họp ngày 7-4 nhằm rà soát tổng thể các nội dung trong lĩnh vực mình phụ trách chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16.
Chủ trì ăn tối làm việc của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bàn về đẩy nhanh liên kết khu vực, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng và triển khai Hiến chương ASEAN, củng cố và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, tiếp theo các kết quả thảo luận tại Hội nghị Hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao tại Đà Nẵng, tháng 1-2010. Theo đó, các Bộ trưởng Ngoại giao nhất trí ASEAN sẽ sớm hoàn tất và ký Nghị định thư thứ ba sửa đổi Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông-Nam Á (TAC), tạo điều kiện để Liên hiệp châu Âu (EU) tham gia TAC. Các Bộ trưởng hoan nghênh đề xuất mới đây của Ca-na-đa về tham gia hiệp ước này và khẳng định sẽ tiếp tục tham vấn Ca-na-đa để triển khai; đồng thời sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để Thổ Nhĩ Kỳ tham gia TAC. Về triển khai Hiến chương, các Bộ trưởng đã nhất trí sẽ ký trong dịp này Nghị định thư về Cơ chế giải quyết tranh chấp, một văn kiện pháp lý quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý theo quy định của Hiến chương.
Tại Cuộc họp của Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các Bộ trưởng phụ trách AEC đã thảo luận và hoàn tất Báo cáo của Hội đồng AEC và dự thảo Tuyên bố của Lãnh đạo các nước ASEAN về phục hồi và phát triển bền vững để trình lên HNCC ASEAN-16. Bên cạnh đó, Hội đồng AEC đã tập trung bàn các biện pháp thực hiện hiệu quả các thỏa thuận về hợp tác kinh tế và đề ra các ưu tiên của AEC trong năm 2010.
Tại Cuộc họp Hội đồng Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN (ASCC), các Bộ trưởng đã kiểm điểm việc thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng VHXH ASEAN, xác định các lĩnh vực ưu tiên của ASCC trong năm Việt Nam làm Chủ tịch, gồm phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đối phó với các thách thức toàn cầu, tăng cường phúc lợi và phát triển đối với phụ nữ và trẻ em, tăng cường hợp tác văn hóa và nâng cao nhận thức về ASEAN, và đã thông qua Kế hoạch Truyền thông của ASCC. Các Bộ trưởng ASCC cũng đã tham dự và chứng kiến lễ ra mắt Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và bảo vệ Quyền phụ nữ và trẻ em.
Dự kiến trong sáng 8-4, Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) sẽ họp để thống nhất lần cuối các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao, nhất là tổng hợp kết quả các Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế và Văn hóa-Xã hội. ACC cũng dự kiến sẽ cho ý kiến về một số văn bản do Ủy ban các Đại diện thường trực ASEAN (CPR) đệ trình và Báo cáo đầu tiên của Nhóm đặc trách cao cấp về Kết nối ASEAN.
Các hoạt động của Lãnh đạo ASEAN tại dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN-16 sẽ bắt đầu từ chiều 8-4, mở đầu là cuộc gặp với Đại diện của Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA) lúc 15 giờ; sau đó sẽ là Lễ khai mạc Hội nghị lúc 15 giờ 45 phút; Phiên họp toàn thể lúc 16 giờ 45 phút và cuối ngày là ăn tối làm việc của lãnh đạo ASEAN.
* Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN – BAC), chiều 7-4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã họp báo công bố chính thức phát động doanh nghiệp tham gia giải thưởng “Doanh nghiệp ASEAN – ABA” lần thứ ba. Đây là một trong những hoạt động chính của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN trong năm 2010. Giải thưởng “Doanh nghiệp ASEAN” nhằm công nhận và tôn vinh những doanh nghiệp ASEAN thành công và xuất sắc nhất đã đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng ASEAN.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Giải thưởng doanh nghiệp ASEAN cho biết: Được tổ chức liền kề với Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội, Giải thưởng ABA dự kiến sẽ được lãnh đạo ASEAN trao tặng cho các công ty trong bốn lĩnh vực: Tăng trưởng; Tạo công ăn việc làm; Đổi mới và Trách nhiệm xã hội. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia phải điền đầy đủ vào bộ hồ sơ đăng ký tham dự Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN-ABA và gửi cho Ban tổ chức trước ngày 30-6-2010. Doanh nghiệp tham dự có thể tải hồ sơ tham dự từ trang web chính thức của ASEAN- BAC:
tle=”www.asean-bac.org”>www.asean-bac.org. Gửi hồ sơ tham dự đến địa chỉ: Đầu mối Quốc gia; Ban Thư ký ASEAN-BAC hoặc gửi trực tiếp đến Công ty kiểm toán chuyên nghiệp toàn cầu KPMG.
* Sau hai phiên nhóm họp vào ngày 6 và 7-4, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN 3 đã đạt được sự đồng thuận về việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIF) trong khu vực, với quy mô ban đầu khoảng 700 triệu USD. Việc ký kết thỏa thuận thành lập Quỹ này sẽ tiến hành trước thời điểm diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN 3 lần thứ 14, dự kiến vào ngày 2-5 tới đây tại Ta-sken (U-dơ-bê-ki-xtan).
Nguồn Quỹ nói trên sẽ dành cho việc cung cấp các hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN 3 nhằm huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ ở mỗi nước. Đây cũng là cách thể hiện cụ thể trong việc thực hiện Sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), được khởi xướng từ năm 2003 và ASEAN 3 đeo đuổi lâu nay. Tại thời điểm này, ABMI cũng đang triển khai thí điểm Dự án phát hành trái phiếu bằng đồng bạt (tiền Thái-lan) để tài trợ cho việc xây dựng nhà máy điện ở Lào, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ kỹ thuật để có thể phát hành trái phiếu vào tháng 9 và tháng 10-2010.
Theo Nhandan
Ý kiến ()