Các cơ sở lưu trú đẩy mạnh chuyển đổi số
– Thời gian qua, các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, giúp khách hàng được trải nghiệm những dịch vụ hiện đại và nhiều tiện ích.
Đi vào hoạt động tại Lạng Sơn từ tháng 6/2022, Khách sạn Sojo Hotel, số 297 Phai Vệ, thành phố Lạng Sơn là khách sạn tiên phong ứng dụng công nghệ, cung cấp những ứng dụng thông minh, đáp ứng những yêu cầu, trải nghiệm của du khách. Ông Nguyễn Huy Phú, Giám đốc khách sạn cho biết: Chúng tôi đang sử dụng các ứng dụng hiện đại để phục vụ công tác quản lý khách sạn. Khi khách hàng có nhu cầu đặt phòng hoặc trả phòng tại khách sạn có thể đặt qua ứng dụng Sojo ngay trên điện thoại thông minh có kết nối Internet để lựa chọn vị trí, số lượng phòng. Ngoài ra khi sử dụng các tiện ích trong phòng như: điều khiển ánh sáng, nhiệt độ phòng, gọi đồ ăn, thang máy, giặt đồ, mở khóa phòng… đều được thực hiện hoàn toàn bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp khách sạn tối ưu hóa vận hành và chi phí, quản trị doanh thu chặt chẽ, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng như tiết kiệm thời gian, chi phí…
Nhân viên tại Khách sạn Sojo Hotel hướng dẫn khách hàng sử dụng ứng dụng thông minh
Tương tự, tại Homestay Dương Công Chích, thôn Nà Riềng, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn cũng đã thực hiện khai báo lưu trú trên cổng dịch vụ công của Bộ Công an và sử dụng dịch vụ đặt phòng trên ứng dụng Booking.vn. Ông Chích, chủ Homestay cho biết: Khoảng 1 năm trở lại đây, cơ sở đã sử dụng các phần mềm, ứng dụng để quản lý thông tin khách hàng. Hiện nay, lượng khách đặt phòng qua mạng của cơ sở chiếm khoảng 40%. Nhờ đó, tôi dễ dàng thống kê được lượng khách, doanh thu hằng tháng của homestay.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 260 cơ sở lưu trú gồm khách sạn, nhà nghỉ, homestay. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, hầu hết các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đều đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Nhiều cơ sở đã sử dụng các phần mềm, ứng dụng như: kết nối khách hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, trả và nhận phòng bằng ứng dụng nhận diện khuôn mặt… Đồng thời cài đặt và ứng dụng các phần mềm quản lý nhằm tạo thuận lợi trong thực hiện các nghiệp vụ quản lý, thống kê, tổng hợp, lập báo cáo về lượt khách, loại khách, ngày lưu trú…
Anh Lê Quang Trung, khách du lịch đến từ quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Tháng 7/2022, khi đến du lịch tại Lạng Sơn, tôi đã chọn nghỉ tại Khách sạn Sojo Hotel. Tại đây toàn bộ các thủ tục đều được thực hiện trên các ứng dụng thông minh nên tôi thấy rất thuận tiện, tiết kiệm thời gian và độ bảo mật cao.
Việc ứng dụng công nghệ số tại các cơ sở lưu trú giúp các cơ sở quản trị tốt hơn, đồng bộ hóa các dữ liệu để quản lý hiệu quả, đẩy mạnh việc marketing, phản hồi ý kiến của khách hàng. Cùng với đó, các thông tin về sở thích cá nhân của du khách được lưu trữ sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, tạo nên những trải nghiệm trọn vẹn cho người đi du lịch.
Sau một thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19, xu hướng thị hiếu của khách hàng cũng có sự thay đổi từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch trực tuyến, do đó việc tạo ra những trải nghiệm mới và sản phẩm du lịch đặc sắc thông qua các giải pháp chuyển đổi số, tối ưu hóa hoạt động vận hành tại các cơ sở lưu trú là vô cùng quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút khách hàng. Hiện tại, nhiều cơ sở đang tập trung nghiên cứu đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối với các đối tác, cung ứng dịch vụ, tạo ra nhiều tiện ích cho khách hàng.
Bà Trần Thị Bích Hạnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Hiện nay, hơn 70% cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đều sử dụng các phương thức thanh toán điện tử trong giao dịch với khách hàng như: quét mã QR hoặc máy POS; 30% cơ sở sử dụng phần mềm quản lý trên máy vi tính. Việc chuyển đổi số tại các cơ sở lưu trú đã góp phần tích cực trong triển khai xây dựng sản phẩm du lịch gắn với việc sử dụng công nghệ thông tin, tạo ra không gian du lịch nhiều tiện ích, hướng đến xây dựng nền tảng dữ liệu du lịch công nghệ số. Qua đó đóng góp quan trọng vào công tác chuyển đổi số của tỉnh Lạng Sơn nói chung và ngành du lịch Lạng Sơn nói riêng.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ số, nhu cầu, thói quen của khách hàng cũng theo đó mà thay đổi theo khuynh hướng tìm kiếm sự tiện lợi để tiết kiệm thời gian. Do đó, việc ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch, trong đó việc đẩy mạnh chuyển đổi số tại các cơ sở lưu trú đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh.
HIỂU LAM - MAI LINH
Ý kiến ()